Có tiền làm nhà, có vốn làm ăn

Thứ tư, ngày 05/10/2011 16:40 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Được vay vốn, hàng ngàn hộ ND ở huyện Yên Châu (Sơn La) đã thoát nghèo. Không chỉ vậy, Ngân hàng CSXH huyện còn giúp nhiều hộ dân người dân tộc Sinh Mun làm nhà ở.
Bình luận 0

Mặc dù giáp ranh với thành phố Sơn La, nhưng tỷ lệ hộ đói nghèo ở Yên Châu vẫn thuộc tốp cao của tỉnh. Bà Vũ Thị Hoàn - Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu cho biết, trong 9 chương trình cho vay vốn của ngân hàng, chương trình cho vay hộ nghèo, cho vay làm nhà có dư nợ cao nhất.

img
Cơ sở của anh Lò Văn Chiến mỗi ngày sao 4 tấn chè tươi.

Không lo mưa, nắng

Bản Con Khằm là bản nghèo nhất xã Phiêng Khoài, có hơn 100 hộ, thì 82 hộ là đồng bào dân tộc Sinh Mun, Mông. Với tập tục đốt nương làm rẫy, du canh du cư, nên nhà của bà con chủ yếu là nhà tạm. Những năm gần đây, nhờ sự vận động của chính quyền địa phương, đồng bào không còn du cư nữa, nhưng nhà ở thì vẫn tạm bợ. Mùa mưa bão, hễ gió to là nhà nhà thi nhau tốc mái. Mong có một ngôi nhà chắc chắn, che mưa, nắng là ước mơ của người dân nơi đây. Ngân hàng CSXH đã giúp đồng bào biến ước mơ đó thành hiện thực.

Ông Đào Văn Thương, tổ trưởng tổ vay vốn bản Con Khằm phấn khởi nói: "Được vay vốn làm nhà, bà con phấn khởi lắm, riêng năm 2010, bản làm được 7 nhà theo Quyết định 167 của Chính phủ. Hiện tại, vẫn còn 56 hộ nghèo, chúng tôi đang phấn đấu sang năm sẽ giảm xuống còn 35 hộ và xóa hết nhà tạm".

Niềm vui có nhà mới sau bao năm ở nhà dột nát hiện trên gương mặt chị Vì Thị Mai. Thấy có cán bộ đến thăm, chị Mai hồ hởi: "Mời cán bộ lên nhà uống nước. Có nhà mới, có chỗ uống nước rồi, mình không sợ cái mưa, cái nắng nữa. Bây giờ chỉ phải lo làm nhiều cái ngô, lúa, nuôi nhiều lợn gà để trả nợ thôi à".

Có vốn làm ăn

Hoàn cảnh của anh Lò Văn Xí (55 tuổi) ở bản Chờ Lồng (xã Yên Sơn) khiến ai cũng chạnh lòng. Cách đây hơn 10 năm, trong một lần lên rừng chặt gỗ làm nhà, anh bị cây gỗ đè bẹp nát cánh tay nên phải tháo khớp. Vài năm sau khi đi đốt than, vợ anh lại bị bỏng. Do vết bỏng quá nặng, không có tiền đi bệnh viện, đôi chân của chị bị liệt hoàn toàn. Không chỉ vậy, trước khi vợ chồng anh bị tai nạn, nhiều năm liền anh phải nuôi mẹ già mù lòa và người anh bị thần kinh.

Năm 2005, được Ngân hàng CSXH cho vay 5 triệu đồng, anh mua 5 con dê. "Nhà mình gần núi nên nuôi dê nhanh lớn lắm. Nếu tính cả dê mình đã bán thì có tới 85 con rồi. Mình bán dê mua thêm 2 con bò, bây giờ mình 4 con rồi đấy, cuối năm chắc chắn mình sẽ có thêm 6 con dê và 2 con bò"- anh Xí khoe.

Tính đến 21.9.2011, Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Yên Châu có tổng dư nợ 122,9 tỷ đồng, với 8.799 hộ vay, thông qua 252 tổ tiết kiệm. Trong đó cho vay làm nhà ở là 1,536 tỷ đồng, vay hộ SXKD 4,321 tỷ đồng.

Ngoài ra, anh Xí còn nuôi 3 con lợn, và hàng trăm con ngan, gà. Năm 2010, trả nợ cũ, anh tiếp tục được ngân hàng cho vay 15 triệu đồng để đầu tư vào chăn nuôi và trồng 2ha ngô, mỗi năm thu nhập hàng chục triệu đồng.

Năm 2007, anh Lò Văn Chiến ở bản Thanh Yên, xã Phiêng Khoài vay Ngân hàng CSXH 15 triệu đồng mua máy sao chè. Ngoài phục vụ hơn 3ha chè của gia đình, anh còn nhận sao thuê, mua chè tươi sao bán. Mỗi năm cơ sở anh sao gần 100 tấn chè tươi, trừ chi phí lãi khoảng 40 triệu đồng.

Không chỉ có gia đình anh Xí, anh Chiến, mà ở Thanh Yên còn có rất nhiều hộ đã thoát nghèo nhờ được vay vốn như hộ anh Vì Văn Việt, Đào Văn Thương…

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem