Ông Nguyễn Văn Tiếp-Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Xoá đói giảm nghèo xã Thành Long cho hay: Hầu hết vốn đầu tư cho những đồi cây, bãi chè, những trại chăn nuôi gia súc, gia cầm trong xã từ vốn vay Ngân hàng CSXH...
Tậu đàn trâu từ... 6 triệu đồng
|
Đàn trâu của chị Phạm Thị Đông được gầy dựng từ vốn vay Ngân hàng CSXH. |
Chị Nguyễn Thị Tám - Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Thành Long khẳng định: “Thành Long có thế mạnh về trồng cây nguyên liệu giấy, cây chè, chăn nuôi trâu, bò, lợn. Mô hình nào cũng có nhiều hộ sử dụng vốn vay hiệu quả”.
Theo hướng dẫn của chị Tám, chúng tôi vào nhà vợ chồng anh Phạm Thị Đông - Nguyễn Văn Thuật ở thôn Loa. Tài sản lớn nhất của vợ chồng chị Đông hiện là đàn trâu 6 con. “Đàn trâu này tôi gây dựng từ 6 triệu đồng vay Ngân hàng CSXH cách đây 10 năm. Nếu vợ chồng tôi không ốm đau, phải bán trâu thì giờ đàn có tới 10 con. Hiện, 6 con trâu nếu bán rẻ mỗi con giá cũng 15 triệu đồng, nhưng chúng tôi không bán mà để gây đàn đông hơn”. Nguyện vọng của vợ chồng chị Đông là được vay ngân hàng 30 triệu đồng để mua máy cày. Xong vụ cày lắp rơ-moóc vào để cho 2 con trai lớn đi chở gỗ nguyên liệu. Chị Tám cho hay, đợt vay vốn mới, tổ tiết kiệm và vay vốn (TKVV) thôn sẽ ưu tiên cho vợ chồng chị tham gia Chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn.
Theo chị Tám, chương trình này đang giúp các hộ trong xã phát huy tiềm năng, thế mạnh về đất đai, lao động. Nhiều hộ đã đầu tư vốn trồng, chăm sóc rừng nguyên liệu giấy, chăn nuôi gia súc... Anh Nguyễn Minh Đoàn (thôn Phúc Long) chia sẻ: “Năm 2008, tôi được vay 30 triệu đồng vốn ưu đãi Chương trình cho vay hộ SXKD vùng khó khăn để trồng rừng. Chỉ đôi ba năm nữa, gia đình tôi sẽ có món tiền lớn từ bán cây rừng”.
Thêm kiến thức, kỹ năng
Tổng dư nợ các chương trình vay vốn tín dụng ưu đãi của Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên hiện hơn 175,8 tỷ đồng. Năm 2010, nhờ nguồn vốn ưu đãi trên địa bàn huyện Hàm Yên đã có 493 hộ thoát nghèo.
Ông Nguyễn Văn Tiếp - Phó Chủ tịch UBND, Trưởng ban Xoá đói giảm nghèo xã Thành Long cho biết: “Với lượng vốn tương đối lớn đưa về xã, việc cần làm trước hết là giúp người dân sử dụng hiệu quả. Chúng tôi chỉ đạo các đoàn thể tham gia uỷ thác gắn giải ngân vốn với việc tập huấn, hướng dẫn, chuyển giao kỹ thuật trồng rừng, chè, chăn nuôi gia súc, gia cầm... cho các hộ vay vốn”. Không chỉ tiếp thu kiến thức qua các lớp tập huấn, các hộ vay vốn học hỏi, giúp đỡ nhau kinh nghiệm làm ăn.
Chị Ninh Thị Bình - Tổ trưởng Tổ TKVV thôn Đoàn Kết cho hay: “Hộ nào trong tổ đã được vay vốn trước đó mà có kinh nghiệm trồng rừng, chè hay chăn nuôi thì có trách nhiệm tư vấn, chia sẻ kinh nghiệm cho các hộ vay vốn sau. Điều này vừa có tác dụng tăng sự gắn kết trong cộng đồng, vừa nâng cao chất lượng tín dụng ngay tại tổ TKVV”.
Gắn giải ngân vốn với tập huấn, chuyển giao tiến bộ KHKT, dạy nghề cho ND cũng là cách làm của nhiều xã trên địa bàn huyện Hàm Yên. Ông Đinh Chí Công- Giám đốc Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện Hàm Yên cho biết: “Ở huyện đã hình thành vùng sản xuất cam, chè hàng hoá, trồng cây nguyên liệu giấy; nhiều mô hình chăn nuôi nhím, don, lợn rừng... Vốn ưu đãi của ngân hàng đã góp phần phát triển nghề cơ khí, chế biến gỗ, dệt thổ cẩm, tạo thêm hàng trăm việc làm cho lao động nông thôn”.
Phương Đông
Vui lòng nhập nội dung bình luận.