Nhiều nhà hàng, quán ăn, cà phê, trà sữa đang sốt ruột, nôn nóng chờ tin TP.HCM cho phục vụ ăn uống tại chỗ.
Tính đến nay, những cơ sở bán hàng qua ứng dụng đã tròn 1 tháng áp dụng hình thức này, hàng quán bình dân bán trực tiếp cho khách mang về cũng được hơn 20 ngày.
Ngóng tin được phục vụ ăn uống tại chỗ
Tranh thủ thời gian chờ khách, bà Thanh Lan - chủ quán hủ tiếu trên đường Vũ Huy Tấn (quận Bình Thạnh), bật tivi xem các chương trình tin tức trong nước. Bà xuýt xoa khi thấy nhiều hàng quán ở Hà Nội, Đà Nẵng hay miền Tây quê bà tại Cần Thơ đều nhộn nhịp khách, sau khi các tỉnh thành cho phép được bán hàng và ăn uống tại chỗ.
"Nhìn cảnh này mà phát thèm. Trước đây, quán của tôi đông lắm, sáng và trưa là kín bàn. Giờ bán mang về nên chỉ có một số ít khách quen quay lại. Không được ăn tại chỗ, họ ngại mua về", bà Lan rầu và tiếp tục đợi khách.
Từ ngày TP.HCM cho phép bán thức ăn mang đi, bà đã vội mở cửa, đáp ứng theo các yêu cầu phòng dịch như giữ khoảng cách, trang bị nước xịt khuẩn. Sau gần nửa tháng bán buôn ảm đạm, bà đang ngóng được cho phép phục vụ ăn uống tại chỗ.
"Tôi đã nghe tin TP.HCM đang đề xuất cho ăn uống tại chỗ trở lại. Thành phố quyết định nhanh chừng nào chúng tôi mừng chừng ấy bởi bán mang về rất ít khách", bà Lan nói.
Theo chủ quán, dịch dã 4-5 tháng qua, khó khăn, nguy hiểm ai cũng biết rõ. Bây giờ cho ăn uống tại chỗ, các quán ăn sẽ tự giác chấp hành giãn cách bàn ghế. Đồng thời, ý thức bảo vệ an toàn cho chính mình của người dân thời gian qua cũng rất tốt. Chưa kể, tỷ lệ người được tiêm đủ hai mũi vaccine ngừa Covid-19 tại TP.HCM hiện nay theo thống kê đã trên 75%.
Anh Việt Hùng - chủ nhà hàng Guchi chuyên các món ăn Hàn Quốc tại quận Gò Vấp, cho hay mở cửa trở lại, chỉ bán mang về, doanh số sụt giảm chưa từng thấy, may mắn lắm chỉ được bằng 1/4 so với trước đây.
Kinh doanh trong ngành F&B, cũng biết rõ nếu chỉ được bán mang về thì đây thực sự khó khăn lớn đối với các doanh nghiệp, bởi áp lực chi phí mặt bằng tại TP.HCM rất lớn.
"Chúng tôi bán từ 8h sáng đến 20h nhưng sức mua yếu lắm. Hầu như chỉ bán được buổi sáng và trưa, sau 18h, đơn rất chậm. Nếu chỉ bán mang đi thôi thì khó trụ nổi", anh Hùng thẳng thắn.
Hàng nghìn doanh nghiệp đang chờ
Theo thống kê của Sở Công Thương TP.HCM, thành phố có khoảng 7.500 doanh nghiệp, hàng chục nghìn hộ kinh doanh cá thể kinh doanh trong lĩnh vực dịch vụ ăn uống. Do phải tạm ngừng kinh doanh để phòng chống dịch suốt hơn 2 tháng qua khiến doanh thu ngành ẩm thực giảm mạnh.
Cụ thể, doanh thu dịch vụ ăn uống 8 tháng qua của TP.HCM chỉ đạt 32.075 tỷ đồng, giảm 620% so với cùng kỳ. Do kinh doanh sụt giảm nên hàng loạt doanh nghiệp ngành hàng thực phẩm và đồ uống phải đóng cửa, trả mặt bằng hoặc thu hẹp kinh doanh.
Đại diện Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam cho biết ẩm thực đang nằm trong nhóm ngành bị ảnh hưởng nghiêm trọng nhất bởi dịch Covid-19, đặc biệt là phân khúc nhà hàng.
Trong khi đó, những năm qua, ẩm thực là ngành có tiềm năng tăng trưởng tốt, mỗi năm đóng góp khoảng 15% GDP cả nước nhưng những thiệt hại kinh tế do dịch Covid-19 gây ra cho ngành ẩm thực rất lớn.
Chủ tịch Hiệp hội Văn hóa Ẩm thực Việt Nam - ông Nguyễn Quốc Kỳ, đã có văn gửi kiến nghị UBND TP.HCM và Sở Công Thương TP cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trên địa bàn được mở cửa hoạt động bình thường, trong đó có phục vụ ăn uống tại chỗ.
"Trước tình hình dịch bệnh ở TP.HCM đang chuyển biến tích cực như hiện nay, Hiệp hội kiến nghị UBND TP cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống trong địa bàn thành phố được mở cửa hoạt động bình thường trong giai đoạn 'bình thường mới' với điều kiện chấp hành nghiêm chỉnh quy định của Chính phủ và UBND TP", ông Kỳ kiến nghị.
Sở Công Thương TP.HCM ngày 19/10 cũng đã đề xuất lên UBND TP.HCM cho phép các cơ sở dịch vụ ăn uống được phục vụ tại chỗ bên cạnh bán mang đi như hiện nay, trừ các loại hình kinh doanh bán bia, rượu.
Điều kiện là các hàng quán sẽ hoạt động đến trước 21h, công suất phục vụ tối đa 50% so với thông thường. Mật độ phục vụ không quá 2 người/bàn, khoảng cách các bàn ăn tối thiểu 2m.
Đề xuất này được các cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ủng hộ, mong sớm được UBND TP.HCM quyết định. Chủ nhiều nhà hàng, quán ăn cho rằng công suất phục vụ tối đa 50% so với thông thường là chấp nhận được do mở cửa theo lộ trình nhưng mật độ không quá 2 người mỗi bàn, cần xem xét lại vì tính khả thi không cao.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.