Con chết, con nguy kịch vì thuốc bổ bán dạo

Thứ năm, ngày 24/11/2011 21:01 PM (GMT+7)
Thấy con xanh xao, mệt mỏi, chán ăn, chị Thơm (Hải Hậu, Nam Định) mua thuốc bổ của một người bán dạo ở chợ gần nhà. Cả 4 mẹ con cùng uống thì cậu con trai út đã tử vong, còn 2 trẻ khác đang cấp cứu vì bị ngộ độc chì.
Bình luận 0

Theo lời kể của chị Thơm, chị mua số thuốc ấy hết 300.000 đồng, là những viên thuốc tròn, không rõ tên. Uống vào chị thấy con ăn được, nên cứ nghĩ là hiệu quả, không ngờ đến khi uống hết thuốc (khoảng 10 ngày) thì các con bắt đầu kêu đau bụng. Đầu tiên là cậu con trai út mới 4 tuổi, sau đến cô con gái 11 tuổi và em trai 9 tuổi.

Cả 3 bé được chuyển lên Bệnh viện Nhi Trung ương khám (Hà Nội), nghi ngộ độc chì. Trong đó, bé nhỏ tuổi nhất đã tử vong, hai trẻ lớn hơn được chuyển tiếp sang Trung tâm Chống độc, rồi sang Khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai vào đêm 20.11.

img
Bé gái 11 tuổi bị ngộ độc chì rất nặng, tổn thương não, thận, hệ tiết niệu... Ảnh: Nam Phương.

Phó giáo sư - tiến sĩ Nguyễn Tiến Dũng, Trưởng khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, chỉ vì thấy con sợ ăn, ngại ăn, dù vẫn khỏe mạnh mà người mẹ mua thuốc bổ không rõ nguồn gốc ở ngoài chợ, dẫn đến sự việc đáng tiếc này. Cả hai bé còn lại đều có biểu hiện ngộ độc chì nặng, nồng độ chì trong máu rất cao.

"Trong đó, tình trạng của bé gái rất nguy kịch, tổn thương não, thận, hệ tiết niệu. Cháu la hét liên tục, vật vã, vật lộn, đau bụng, tiểu tiện ra máu, phải cho uống thuốc an thần. Trường hợp trẻ này có thể sẽ phải xét nghiệm thêm xem có bị ngộ độc asen không. Còn cậu em trai thì nồng độ chì trong máu cao hơn, nhưng không la hét, kích thích mà đau đầu, đau bụng", phó giáo sư Dũng cho biết.

Các bác sĩ đã truyền dịch, cho uống thuốc thải độc, sau đó thăm khám xem có bộ phận nào bị tổn thương. Những trường hợp bị ngộ độc chì thường phải điều trị trong 3 tháng liên tục.

"Ngộ độc chì cấp rất nguy hiểm, nhưng uống vào mà dẫn đến ngộ độc mãn tính còn nguy hiểm hơn. Chỉ cần một nồng độ rất nhỏ cũng có thể gây ngộ độc", phó giáo sư Dũng nói.

Ông cũng khuyến cáo, mấy tháng gần đây Khoa liên tục tiếp nhận trẻ bị ngộ độc chì. Bệnh nhi có thể có biểu hiện co giật, thiếu máu, tăng huyết áp, đau bụng, đau đầu... Cha mẹ nên rất thận trọng khi cho con dùng các loại thuốc để con ăn khỏe. Trên thị trường có nhiều loại thuốc Đông y gia truyền, nhưng phần lớn là không rõ nguồn gốc. Rất có thể do trong quá trình sản xuất không đảm bảo mà thuốc bị nhiễm kim loại nặng (như chì, arsen...), bằng mắt thường không thể biết được.

Theo VnExpress
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem