Cơn địa chấn Brexit rung chuyển bàn cờ địa chính trị thế giới

Phạm Ngọc Trâm Thứ ba, ngày 28/06/2016 06:30 AM (GMT+7)
So với các tác động về kinh tế-thương mại còn quá sớm để đưa ra nhận định một cách thấu đáo thì các tác động địa-chính trị của Brexit dường như nghiêm trọng hơn rất nhiều
Bình luận 0

Kết quả trưng cầu dân ý ở Anh ngày 23.6 vừa qua ngay lập tức đã tạo nên một cú sốc lớn cho các thị trường tài chính ở châu Âu và toàn cầu. Việc rời khỏi EU có thể sẽ đẩy nền kinh tế lớn thứ 5 thế giới và lớn thứ 2 châu Âu vào tình trạng suy thoái trong thời gian ngắn và trung hạn khi mà Brexit làm giảm sức hút của Anh đối với các tập đoàn tư bản trên thế giới và hạn chế khả năng tiếp cận thị trường châu Âu của nước này. Liệu kinh tế Anh có thể đứng vững về lâu dài khi rời Eurozone? Điều này còn phụ thuộc vào các thỏa thuận thương mại mà Anh sẽ đơn phương thương lượng với EU và 27 nước thành viên còn lại của khối.

Thế nhưng, so với các tác động về kinh tế-thương mại còn quá sớm để đưa ra nhận định một cách thấu đáo thì các tác động địa-chính trị của Brexit dường như nghiêm trọng hơn rất nhiều.

Đối với nước Anh, một khi trở thành “người ngoài cuộc”, Anh sẽ mất đi tiếng nói đối với quá trình thông qua các điều luật của EU trong tương lai. Anh sẽ khó có thể tác động trực tiếp để luật lệ của EU có lợi cho lợi ích quốc gia của Anh.

Nhiều lãnh đạo EU đã cảnh báo không loại trừ khả năng để đổi lại quyền tiếp cận thị trường chung, Anh sẽ phải tuân thủ những quy định, tiêu chuẩn của Pháp và Đức, đồng thời sẽ phải tiếp tục đóng góp cho ngân sách EU như Na Uy và Thụy Sỹ đang làm. Bên cạnh đó, tình hình an ninh của nước Anh cũng đối mặt với nguy cơ bất ổn gia tăng nếu Anh không còn nằm trong cơ chế trao đổi thông tin tình báo, hợp tác an ninh của châu Âu khi mà những lời đe dọa tấn công khủng bố luôn thường trực.

img

Ông Boris Johnson, một trong những nhà lãnh đạo của chiến dịch ủng hộ Brexit.

Bên cạnh đó, kết quả trưng cầu dân ý vừa qua giữa một bên là đa số người Anh thuộc England muốn rời EU và một bên đa số người Scotland và Bắc Ai-len chọn ở lại EU đã châm ngòi cho một cuộc khủng hoảng chính trị nội bộ mới trong Khối Thịnh vượng chung.

Thủ tướng Scotland Nicola Sturgeon nói đang xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý đòi quyền độc lập lần thứ hai và cho biết giới chức Scotland sẽ họp với giới chức EU để thảo luận về những giải pháp “để bảo vệ chỗ đứng của Scotland trong EU”. Brexit cũng khơi dậy tinh thần đòi ly khai ở Bắc Ireland. Lãnh tụ Đảng Sinn Fein Martin McGuiness đã lặp lại yêu cầu đòi tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý để Bắc Ireland tách khỏi Anh và tái thống nhất với Cộng hoà Ireland - một thành viên EU.

Đối với EU, sự ra đi của Anh sẽ ảnh hưởng bất lợi đến vị thế và tiếng nói của EU trên quy mô toàn cầu, đồng thời đặt dấu chấm hỏi lớn đối với tương lai của tiến trình nhất thể hóa EU. Brexit đồng nghĩa với việc EU để mất một trong hai ghế Ủy viên Thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, nền kinh tế lớn thứ hai trong EU, một cường quốc quân sự sở hữu vũ khí hạt nhân.

Nghiêm trọng hơn, hiệu ứng “domino” hậu Brexit có thể kéo theo nhiều cuộc trưng cầu dân ý khác tương tự như ở Anh. Trên thực tế, tâm lý hoài nghi EU của người Anh không phải là ngoại lệ mà ngày càng phổ biến ở nhiều nước châu Âu, đặc biệt là ở hai nước trụ cột trong EU là Đức và Pháp và những nước chịu ảnh hưởng nặng nề của cuộc khủng hoảng nợ công và di cư như Áo, Bỉ, Ba Lan, Hà Lan, Đan Mạch, Hà Lan, Hy Lạp, I-ta-li-a, Phần Lan, Tây Ban Nha, Thụy Điển,... Lãnh đạo Đảng Mặt trận Dân tộc Pháp Marine Le Pen hoan nghênh kết quả ủng hộ Brexit ở Anh là “chiến thắng của sự tự do”.

Đồng quan điểm trên, Thủ lĩnh Đảng Tự do Hà Lan Geert Wilders cho rằng nước này xứng đáng có cuộc bỏ phiếu “Nexit” (Hà Lan rời EU). Các cuộc tổng tuyển cử tổ chức vào năm sau ở Pháp và Đức cũng nhiều khả năng bị ảnh hưởng bởi làn sóng chống hội nhập châu Âu. Còn tại I-ta-li-a, một cuộc thăm dò mới đây cho thấy có đến 48% người nói sẽ bỏ phiếu rời khỏi EU nếu có cơ hội. Nếu EU không tiến hành cải tổ triệt để hơn để cải thiện tình trạng tăng trưởng không đồng đều giữa các nước thành viên, giải quyết các cuộc khủng hoảng nợ công, khủng hoảng người di cư, thất nghiệp gia tăng (v.v.), viễn cảnh “dự án châu Âu” đổ vỡ một phần hay toàn phần là điều khó tránh khỏi.

img

Những người ủng hộ Brexit vui mừng với kết quả trưng cầu dân ý.

Trên bàn cờ chính trị thế giới, Brexit có tác động không nhỏ đối với quan hệ của Anh với các nước lớn. Với Mỹ, như nhiều quan chức Mỹ đã khẳng định việc Anh rời EU sẽ không làm thay đổi quan hệ đặc biệt giữa hai đồng minh truyền thống, đặc biệt khi Anh vẫn sẽ tiếp tục giữ vai trò chủ đạo trong NATO; tuy vậy, Brexit tất nhiên không phải là điều có lợi cho các tính toán của Mỹ tại châu Âu nói chung. Đối với Đức và Pháp, sự ra đi của Anh sẽ làm mất thăng bằng cán cân quyền lực thường được ví như “kiềng ba chân” của EU và được xem là điều kiện cần và đủ để thúc đẩy tiến trình nhất thể hóa châu Âu.

Anh ra đi là điều cuối cùng mà Đức mong muốn bởi lẽ dù còn tồn tại những khác biệt với Anh, nhưng khả năng Đức tìm được tiếng nói đồng thuận với Anh trong các vấn đề liên quan đến thị trường chung, thương mại tự do, nâng cao tính cạnh tranh của EU,v.v. lớn hơn nhiều khả năng này với Pháp. Hệ quả của việc Anh ra đi là sự phân chia quyền lực rạch ròi hơn giữa ba trung tâm quyền lực ở châu Âu là Anh, Pháp và Đức. Nhiều nước nhỏ hơn trong EU lo ngại điều này sẽ gây phương hại đến tính dân chủ và sự đoàn kết của khối.

Trong khi đó, nhiều quan điểm cho rằng Brexit sẽ có lợi hơn cho Nga và Trung Quốc. Trong EU, Anh vốn là một trong các nước EU theo đuổi quan điểm cứng rắn nhất trong quan hệ với Nga. Quân Anh tham gia tích cực trong các cuộc tập trận được cho là nhằm gửi thông điệp đến Moscow.

Do đó, Brexit sẽ có thể đẩy mạnh quá trình “bình thường hóa” quan hệ căng thẳng hiện nay giữa Nga và EU khi mà hợp tác với Nga sẽ có lợi cho một EU đang sa lầy trong nhiều cuộc khủng hoảng kéo dài. Đối với Trung Quốc, một nước Anh không bị bó buộc bởi EU có thể đơn phương công nhận quy chế kinh tế thị trường, tự do quyết định bán vũ khí và thương lượng thỏa thuận thương mại với Trung Quốc. Bên cạnh đó, Trung Quốc có thể sẽ có một số điều chỉnh nhất định trong ưu tiên quan hệ với Anh vì tầm quan trọng về mặt địa-chiến lược của Anh trong trường hợp Brexit sẽ không được như khi Anh còn ở trong EU.

Brexit cũng là một bài học đối với tiến trình hội nhập ASEAN, đặt ra yêu cầu các nước thành viên phát triển hơn phải giúp đỡ các nước kém phát triển hơn nhằm tránh việc tâm lý hoài nghi hội nhập, chủ nghĩa dân tộc vị kỷ được đà gây cản trở sự phát triển của tổ chức khu vực này.

Một bài học lớn sau cuộc trưng cầu dân ý ở Anh là chỉ khi những người dân bình thường thực sự cảm thấy họ được thụ hưởng thành quả của quá trình hội nhập thì sự hội nhập ấy mới vững chắc và bền lâu./.

         

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem