Các cuộc thăm dò trước thềm trưng cầu dân ý về Brexit (Anh rời khỏi EU) đều cho kết quả rằng, tỷ lệ những người muốn "ở lại" EU cao hơn nhiều so với những người muốn ra đi.
Do đó, chiến thắng của những người ủng hộ Brexit gây kinh ngạc cho hầu hết người Anh. Thậm chí, một số người đã bỏ phiếu ủng hộ nhiệt tình Anh rời khỏi EU cũng không thể tin được họ sẽ giành chiến thắng.
"Cá nhân tôi không tin rằng chúng tôi sẽ bỏ phiếu ra đi (khỏi EU), mặc dù bản thân tôi đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit", cư dân London Kiran Sagoo chia sẻ.
Người ủng hộ Anh ở lại EU buồn bã, thất vọng vì kết quả trưng cầu dân ý ngày 24.6.
"Dù tôi bỏ phiếu nhất trí Anh rời khỏi EU, nhưng sáng nay tôi thức dậy và cảm thấy tiếc nuối. Những gì đang xảy ra khiến tôi ân hận. Nếu tôi có cơ hội bỏ phiếu lần nữa, tôi sẽ chọn ở lại", một phụ nữ khác chia sẻ với kênh ITV News.
Cụm từ Regrexit - chỉ những người bỏ phiếu ủng hộ Brexit, nay cảm thấy hối tiếc về hành động của mình đang tràn ngâp trên các phương tiện truyền thông xã hội.
Mặc dù các chiến dịch vận động cho Brexit từ vài tháng trước khi cuộc trưng cầu dân ý diễn ra, song một số người ủng hộ Brexit trên thực tế đã không có khái niệm rõ ràng và ý thức được những tác động về kinh tế lẫn chính trị sau khi Anh rời khỏi EU.
Một số người thậm chí còn đổ lỗi cho Tổng thống Mỹ Barack Obama đã khiến họ quyết định bỏ phiếu ủng hộ Brexit. Những người này nói rằng, trong chuyến thăm London hồi tháng 4, ông chủ Nhà Trắng đã cảnh báo người Anh rằng, đất nước của họ sẽ chao đảo nếu rời khỏi EU và khiến họ muốn chứng minh điều ngược lại.
"Chúng tôi muốn mang nền dân chủ của chúng tôi quay trở lại. Chúng tôi muốn tự quản lý và điều hành đất nước mình. Tôi nghĩ rằng, Tổng thống Mỹ đã góp một phần nào đó vào sự kiện này. Ông ấy đã cố gắng dàn xếp kết quả trưng cầu. Và nhiều người không thích việc bị dắt mũi", cử tri London Trevor Bayley cho biết.
Những người bỏ phiếu ủng hộ Brexit (Anh rời khỏi EU) đi bộ trên phố London ngày 24.6
Ngoài ra, trên các phương tiện truyền thông xã hội cũng tràn ngập thông tin phản ánh sự giận dữ, hoang mang, lo lắng lẫn mong chờ khả năng tổ chức bỏ phiếu lại của những người ủng hộ Anh ở lại với EU. Nỗi hoang mang, lo lắng đặc biệt dâng cao trong lòng cộng đồng cư dân EU ở London.
"Tôi không biết chuyện gì sẽ xảy ra tiếp đây. Tôi có thể bị xem là dân nhập cư bất hợp pháp trong vài tháng tới", Ana, một y tá người Bồ Đào Nha ở quận Marylebone, London chia sẻ.
Gương mặt thất thần của một phụ nữ ủng hộ Anh ở lại EU sau khi có kết quả trưng cầu dân ý.
Hiện những người dân mong muốn nước Anh ở lại EU đã lập một đơn thỉnh cầu trực tuyến để kêu gọi tổ chức cuộc trưng cầu dân ý lần 2 về lựa chọn Anh nên rời hay ở lại khối này. Cho đến chiều 25.6, đơn thỉnh cầu này đã thu hút được hơn 1 triệu chữ ký.
Luật pháp Anh quy định nếu một đơn thỉnh nguyện nhận hơn 100.000 chữ ký, Quốc hội sẽ phải xem xét khả năng thảo luận về nó. Trong cuộc họp tiếp theo vào ngày 28.6, Ủy ban Đơn thỉnh nguyện của Quốc hội Anh có thể xem xét yêu cầu tổ chức lại cuộc trưng cầu dân ý về Brexit.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.