Nhầm lẫn về khái niệm
Thực ra, hơn 4 năm trở lại đây, tại các hội thảo, diễn đàn khoa học, hội nghị Ban chấp hành (BCH) các tổ chức đoàn thể chính trị - xã hội... cụm từ “tái cơ cấu” được dùng khá nhiều. Lại có phòng ban, cục, vụ... tham mưu giúp việc mở rộng thành “tái cấu trúc” ở rất nhiều lĩnh vực, ngành hàng, thậm chí báo chí cũng lâm vào tình trạng như thế! Trong khi văn bản của Đảng viết rất rõ “cơ cấu lại nền kinh tế” thì nhiều người lại cứ diễn “tái cơ cấu nền kinh tế”, “tái cơ cấu nông nghiệp”. Phải chăng là nghe nhiều, nói nhiều đã trở thành quen tai, quen miệng... hoặc đang có sự lẫn lộn “cơ cấu lại nông nghiệp” giống như “tái cơ cấu nông nghiệp”?
Cần có chính sách hợp lý, cơ cấu lại nông nghiệp để tránh sản lượng (cung) vượt sức mua (cầu). Trong ảnh: Dưa hấu xuất khẩu sang Trung Quốc ùn tắc tại cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn). Ảnh: Đ.D
Theo từ điển Tiếng Việt thì “tái” là lại, trở lại lần nữa. Với giải thích trên thì khi chúng ta vô tư nói, phát biểu, truyền đạt “tái cơ cấu nông nghiệp” nghĩa là đã vô hình trung cổ vũ cho tư duy cũ về sản xuất nông nghiệp của những năm 1970, 1980 theo số lượng (diện tích, tấn, tạ, kg) thời đã xa, để giải bài toán thiếu đói về lương thực, thực phẩm ở trong nước.
Những năm đổi mới và hội nhập kinh tế thế giới, bên cạnh những thành tựu đạt được, sản xuất nông nghiệp đã bộc lộ những yếu kém kéo dài: Gạo, thủy sản, cao su, điều, tiêu, cà phê... sản lượng (cung) đã vượt sức mua (cầu), nên “được mùa mất giá”, “ứ đọng” ở cửa khẩu Lạng Sơn. Do thiếu công nghệ chế biến, nông sản Việt Nam xuất thô, chất lượng thấp, thiếu sức cạnh tranh, nên thu nhập của ND vừa thấp vừa bấp bênh. Chính vì vậy, Đảng, Nhà nước đặt ra nhiệm vụ CNH – HĐH đất nước, “cơ cấu lại nền kinh tế”, trong đó có cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp. Để cơ cấu lại, ắt phải tổ chức, sắp xếp lại ngành hàng theo lợi thế cạnh tranh, lấy “giá trị” (đồng tiền) và thị trường làm căn cứ. Khi đã tổ chức, sắp xếp thì những ưu điểm, thế mạnh, hiệu quả cần tiếp tục phát huy; những bất cập, chồng chéo, cản trở phát triển... thì phải kiên quyết chấn chỉnh, đổi mới và “cơ cấu lại”, chứ không phải là “tái – làm lại”.
Cơ cấu lại cần cả tư duy và hành động
Kinh tế, suy cho đến cùng là sự lựa chọn cách sản xuất, kinh doanh có hiệu quả cao nhất. Có thể hiểu một cách đơn giản là, khâu sản xuất ra hàng hóa phải đáp ứng được yêu cầu của thị trường về sản lượng, chất lượng, thời gian và mẫu mã với giá cả hợp lý, có sức cạnh tranh. Sản xuất phải căn cứ vào thị trường, thị trường phải dự báo và cảnh báo cho sản xuất. Trong quan hệ và tác động qua lại này, kế hoạch đóng vai trò trung tâm, điều phối hoạt động, đảm bảo cho sự phát triển đúng hướng, bền vững giữa cung và cầu, giữa đầu tư và phát triển... toàn bộ sự tính toán, bố trí nhân sự và nguồn lực để phát huy được tác dụng, nhằm đạt hiệu quả cao nhất thì đó chính là cơ cấu lại sản xuất, hướng đến có giá trị sinh lời cao, tư duy “giá trị” phải thay thế tư duy “khối lượng”.
Nhìn lại ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trong nước, đối chiếu với nhu cầu thị trường (bảng so sánh trên - nguồn của Bộ NNPTNT), chúng ta thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa sản xuất với tiêu dùng– đây là sự lý giải về ế ẩm, hoặc “được mùa mất giá” trong chăn nuôi của nông dân. Sự thiếu – thừa này cũng là đòi hỏi tất yếu phải cơ cấu lại ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm trong sản xuất nông nghiệp.
Thách thức bên trong của sản xuất nông nghiệp Việt Nam hiện tại, không chỉ bao gồm: Vốn, quy mô sản xuất, ứng dụng KHKT, chất lượng hàng hóa và thương hiệu hàng nông sản..., mà vấn đề lớn hơn, trực tiếp hơn, cấp bách hơn chính là “cách tư duy về chuỗi giá trị sản phẩm và ngành hàng” chưa được hiểu đúng, hiểu rõ và khơi thông ngay trong đội ngũ cán bộ quản lý, người làm chính sách, các cơ sở kinh doanh... khi còn nặng về tư duy “khối lượng”, về thành tích “số 1, số 2” thì người sản xuất (ND) vẫn hướng đến mục tiêu “được mùa”, tăng sản lượng, tăng diện tích là tất yếu; “được mùa – mất giá” vẫn là câu chuyện thời sự hàng năm chưa tìm ra lối thoát nếu không thay đổi cách nghĩ, cách làm.
Tháng 5 này trở đi, các địa phương đang tập trung cho Đại hội Đảng cấp cơ sở, huyện, tỉnh và tiến tới Đại hội lần thứ XII của Đảng. Việc phổ biến, truyền đạt và lấy ý kiến đóng góp của cán bộ, đảng viên và nhân dân vào Dự thảo Báo cáo Chính trị của BCH Trung ương Đảng trình Đại hội lần thứ XII, trước khi bàn thảo, chúng ta cần hiểu đúng, hiểu rõ về “cơ cấu lại nền kinh tế”, trong đó có cơ cấu lại kinh tế nông nghiệp, nông thôn. Cụm từ “tái cơ cấu nông nghiệp” hy vọng không nên sử dụng trong các văn bản, ý kiến, hoặc trong các buổi truyền đạt của báo cáo viên và cán bộ Hội ND Việt Nam.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.