"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện cũng lao đao (bài 2)

Bạch Dương - Diệu Linh Thứ sáu, ngày 10/06/2022 13:00 PM (GMT+7)
Không chỉ trạm y tế thiếu thuốc, nhiều bệnh viện tại TP.HCM và Hà Nội cũng đang trong tình trạng "đi cày thiếu trâu" do không có thuốc để chữa bệnh. Gánh nặng đổ lên vai người bệnh vốn đã cực khổ trăm bề khi đi khám bệnh trọng.
Bình luận 0

Thiếu thuốc BHYT, người bệnh tốn hàng triệu đồng mua thuốc ngoài

Trước đó, nhiều bệnh nhân đến khám BHYT tại Bệnh viện TP.Thủ Đức cũng bức xúc vì thiếu thuốc BHYT, họ phải ra ngoài tự mua thuốc theo đơn của bác sĩ.

Theo phản ánh của chị T.H (ngụ tại phường Tăng Nhơn Phú B), người nhà chị điều trị ung thư tại Bệnh viện TP.Thủ Đức, cũng là nơi đăng ký khám chữa bệnh BHYT ban đầu.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện cũng lao đao (bài 2) - Ảnh 1.

Hiện nhiều người dân đến khám tại Bệnh viện TP Thủ Đức (TP.HCM) đều bị thiếu thuốc BHYT, phải mua ngoài (Người dân đến khám tại Bệnh viện TP Thủ Đức. Ảnh Bạch Dương)

Khi người nhà chị phải cấp cứu, bác sĩ tiến hành hóa trị đợt 1 với đơn 5 loại thuốc. Tuy nhiên tại nhà thuốc bệnh viện chỉ có 1 loại. Số thuốc còn lại phải tự tìm mua bên ngoài ở các nhà thuốc tư nhân khu vực Bệnh viện Ung bướu TP.HCM.

Khi tham gia BHYT, chúng tôi được vận động là đây là chính sách nhân văn, người khỏe giúp người ốm, cứu trợ khi bệnh trọng, tai nạn. Nhưng giờ khi người nhà bị bệnh trọng thì chúng tôi lại phải "còng lưng" gánh nặng một mình", chị H bức xúc.

Chị H đã phản ánh sự việc lên Ban giám đốc Bệnh viện và được giải thích do khó khăn trong nguồn cung ứng.

Tuy nhiên, lãnh đạo bệnh viện đã có ý kiến: "Mong bệnh nhân thông cảm hoặc nếu có nhu cầu, sẽ tạo mọi điều kiện để bệnh nhân được chuyển viện lên tuyến cao hơn".

"Đi bệnh viện gần nhà còn tiện chăm sóc lẫn nhau. Lên tuyến cao hơn mà nhỡ cũng thiếu thuốc thì còn cực khổ thêm nữa. Lúc đó chẳng phải "trở đi mắc núi trở lại mắc sông", cuối cùng thì thiệt thòi, đau khổ vẫn là người bệnh phải chịu", chị H thở dài.

Trước đó, cuối tháng 4/2022, tại Bệnh viện Chợ Rẫy cũng đã hết 1 số thuốc trong danh mục BHYT chi trả, trong đó có thuốc chống thải ghép cho bệnh nhân ghép thận.

Những loại thuốc chống thải ghép hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đang thiếu và yêu cầu bệnh nhân ghép thận tự túc mua bên ngoài gồm: Advagraf 5mg, 1mg, 0,5mg; Prograf 1mg; Cellcept 500mg, 250mg. Các loại thuốc này có giá bán trên thị trường rất cao: Advagraf từ 37.000 – 254.000 đồng/viên (từ 0,5mg - 5mg); thuốc Prograf 1mg là 55.000 đồng/viên. Để mua đủ thuốc cho 28 ngày điều trị, bệnh nhân phải trả đến cả chục triệu đồng.

Nhiều bệnh nhân ghép thận, đặc biệt là người có hoàn cảnh khó khăn phải chật vật, bấm bụng chi số tiền lớn để mua thuốc bên ngoài về uống trong khi trước đây, các thuốc này do bệnh viện cung cấp và được bảo hiểm y tế chi trả.

Lý giải về tình trạng thiếu thuốc này, ông Phạm Thanh Việt, Trưởng phòng Kế hoạch tổng hợp (Bệnh viện Chợ Rẫy) cho biết, tình trạng thiếu thuốc mới vừa xảy ra.

Các thuốc nằm trong nhóm thuốc do nhà nước đàm phán chứ không phải do bệnh viện đấu thầu. Thời gian qua, Trung tâm mua sắm Quốc gia thông báo chưa đàm phán được nên không có thuốc.

Theo bác sĩ Việt, ngay khi xảy ra tình trạng thiếu thuốc BHYT với người ghép thận, giám đốc bệnh viện đã xác định đây là tình trạng khẩn cấp.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện cũng lao đao (bài 2) - Ảnh 3.

Hiện Bệnh viện Chợ Rẫy đã khắc phục được tình trạng thiếu thuốc. Tuy nhiên, vấn đề bất ổn ở quy trình đấu thầu thuốc vẫn tồn tại. (Người dân lấy số khám bệnh tại Bệnh viện Chợ Rẫy. Ảnh BVCC)

Ban giám đốc đã triệu tập Hội đồng khoa học kỹ thuật, Hội đồng thuốc điều trị, hệ thống đấu thầu và các bộ phận liên quan, tìm phương án giải quyết để có thuốc sớm nhất.

Bệnh viện Chợ Rẫy đã mua vượt 20% với một trong số các loại thuốc bị thiếu, 4 loại còn lại được tổ chức mua sắm theo hình thức chỉ định thầu. Sau đó, tiến hành đấu thầu rộng rãi theo quy định. Đến đầu tháng 5, Bệnh viện Chợ Rẫy đã tạm bình ổn "cơn khát" thiếu thuốc tại đơn vị mình.

Thiếu thuốc do đâu?

Lý giải thêm về tình trạng thiếu thuốc đột xuất, bác sĩ Phạm Thanh Việt cũng cho biết, việc mua sắm thuốc trong cơ sở y tế công lập phải thực hiện theo các hình thức đấu thầu theo quy định.

Thỉnh thoảng có xảy ra một số trường hợp khách quan, thuốc không trúng thầu được, khi đó, bệnh viện cũng không thể cung ứng được thuốc theo quy định và người bệnh BHYT phải đi mua bên ngoài.

Trước năm 2018, BHXH có thanh toán lại trực tiếp cho người bệnh. Sau đó, thay đổi thành Bệnh viện Chợ Rẫy thanh toán cho người bệnh và BHXH thanh toán lại với bệnh viện.

"Tuy nhiên, từ năm 2018 đến nay, cơ quan bảo hiểm không thực hiện việc này nữa. Các bên thực hiện đều theo đúng quy định, nhưng đúng quy định hết thì cũng rất thương cho người bệnh vì đây là quyền lợi chính đáng của họ", bác sĩ Việt nói.

Còn về tình trạng thiếu thuốc ở nhiều cơ sở y tế như hiện nay, đại diện Sở Y tế TP.HCM chia sẻ, để làm rõ thông tin thiếu thuốc tại các bệnh viện, Sở Y tế đã khảo sát nhanh 32 cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trực thuộc (10 bệnh viện đa khoa thành phố, 19 bệnh viện chuyên khoa và 03 bệnh viện quận huyện hạng 1) để nắm bắt và cập nhật tình hình cung ứng thuốc tại các bệnh viện.

Kết quả cho thấy, có 27/32 bệnh viện đã có kết quả lựa chọn nhà thầu của gói thầu mua sắm thuốc tại cơ sở năm 2021- 2022, 4/32 bệnh viện sẽ có kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 6/2022 và 1 bệnh viện dự kiến có kết quả lựa chọn nhà thầu vào tháng 7/2022.

Đối với các bệnh viện chưa có kết quả lựa chọn nhà thầu, bệnh viện sẽ thực hiện mua sắm bổ sung trong khi chờ kết quả lựa chọn nhà thầu. Như vậy, về cơ bản các bệnh viện đảm bảo đủ thuốc cung ứng cho người bệnh.

"Cơn khát" thiếu thuốc, vật tư y tế: Bệnh viện cũng lao đao (bài 2) - Ảnh 4.

Thiếu thuốc BHYT, người tham gia BHYT sẽ nản lòng (Người dân đi khám bệnh tại Bệnh viện TP Thủ Đức). Ảnh Bạch Dương

Trước thông tin thời gian gần đây, các cơ sở y tế tại TP.HCM sợ không dám mua sắm, đại diện Sở Y tế cho biết, trước những sự cố gần đây liên quan đến thanh tra, kiểm toán, điều tra về mua sắm thuốc, trang thiết bị y tế trên phạm vi cả nước, ít nhiều có tâm lý lo lắng của các nhà quản lý bệnh viện khi tiến hành đấu thầu mua sắm theo quy định. 

Để giải quyết tình trạng thiếu thuốc này, Sở Y tế TP kiến nghị Bộ Y tế sớm gia hạn, cấp lại số đăng ký cho các thuốc đã hết số đăng ký; Trung tâm mua sắm tập trung thuốc Quốc gia sớm có kết quả đàm phán giá thuốc và đấu thầu tập trung cấp Quốc gia; Ban hành, cập nhật các thông tư, văn bản hướng dẫn thi hành Nghị định 98/2021/NĐ-CP liên quan đến công tác mua sắm vật tư, trang thiết bị y tế.

Đồng thời, đề xuất tái lập lại Trung tâm mua sắm tập trung hàng hóa, tài sản công của ngành y tế theo hướng chuyên nghiệp, quy mô đủ lớn để đáp ứng nhu cầu rất lớn của các cơ sở y tế trên địa bàn TP.HCM.

Sở Y tế khẳng định, hiện tượng thiếu thuốc chỉ xảy ra cục bộ ở 1 vài loại thuốc tại 1 vài đơn vị.

Sở đã yêu cầu và hướng dẫn các đơn vị khắc phục ngay tình trạng này không để ảnh hưởng đến công tác điều trị và chăm sóc người bệnh. Riêng sự cố gần đây là thiếu thuốc phóng xạ dùng trong máy PET-CT tại các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã được Bộ Y tế hướng dẫn ký hợp đồng với Bệnh viện Chợ Rẫy trong khi chờ Bộ Y tế thẩm định và cấp phép cho công ty sản xuất thuốc phóng xạ trên địa bàn Thành phố.

Sở Y tế đã tìm hiểu lý do thiếu cục bộ 1 vài loại thuốc ở 1 vài bệnh viện như sau:

- Dịch bệnh Covid-19 kéo dài trong năm 2021-2022 ảnh hưởng đến công tác cung ứng mua sắm thuốc, vật tư y tế, trang thiết bị của bệnh viện. Bộ phận hậu cần của bệnh viện tập trung tối đa nguồn lực phục vụ cho phòng chống dịch Covid-19 và giải quyết các vấn đề sau dịch bệnh.

- Từ đầu năm 2022 đến nay số lượng bệnh nhân tăng nhanh tại hầu hết các bệnh viện sau khi dịch bệnh Covid-19 cơ bản được kiểm soát nên dẫn tới việc thiếu hụt cục bộ một số mặt hàng thuốc, vật tư y tế tại một vài bệnh viện.

- Các thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia và danh mục áp dụng hình thức đàm phán giá tại Thông tư số 15/2020/TT-BYT của Bộ Y tế do Trung tâm Mua sắm thuốc tập trung Quốc gia thực hiện chưa có kết quả dẫn tới việc bị động trong cung ứng thuốc tại các cơ sở y tế.

- Một số trường hợp khách quan không lựa chọn được sản phẩm trúng thầu do không có nhà thầu tham dự hoặc sản phẩm có giá dự thầu cao hơn giá kế hoạch (sau dịch bệnh có một số mặt hàng tăng giá) hoặc một số thuốc thuộc danh mục thuốc hiếm hiện nay không còn được sản xuất.

- Nhiều thuốc chưa được Bộ Y tế gia hạn số đăng ký theo tinh thần của Nghị quyết 12/2021/UBTVQH15 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên các nhà cung ứng không thể tiến hành nhập khẩu, triển khai sản xuất kịp thời. Nghị định số 98/2021/NĐ-CP của Chính phủ vừa ban hành có nhiều nội dung mới nên nhiều nhà thầu không kịp đáp ứng các hồ sơ, giấy tờ theo quy định.

Thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế, bệnh nhân stress vì chờ mổ

Tại Hà Nội, tình trạng thiếu thuốc, thiếu vật tư y tế cũng đã xảy ra ở 1 số cơ sở y tế. Tuy nhiên, hầu hết các lãnh đạo bệnh viện đều trong giai đoạn "nhạy cảm" của ngành y tế nên chưa muốn lên tiếng.

Một bệnh nhân nữ (67 tuổi, quê Thanh Hóa) chia sẻ, bà bị đau đầu gối đến mức không đi được nên con bà đưa lên Hà Nội khám ở Bệnh viện Trung ương để thăm khám. Các bác sĩ kết luận bà bị thoái hóa khớp gối nặng và chỉ định phẫu thuật thay khớp gối nhân tạo.

"Theo kế hoạch tôi được chỉ định mổ vào ngày 7/6 vừa rồi bác sĩ lại báo kêu hết khớp gối nhân tạo nên hoãn lịch mổ của tôi sang tuần sau, hy vọng có khớp gối thì sẽ mổ cho tôi. Hiện đầu gối tôi rất đau, phải uống thuốc giảm đau để cầm cự.

Mà tôi biết, uống thuốc giảm đau nhiều sẽ ảnh hưởng đến dạ dày, không tốt. Tôi biết khớp gối nhân tạo cũng không phải vật tư y tế hiếm gì, sao một bệnh viện đầu ngành về phẫu thuật mà lại thiếu được. Tôi đi khám bệnh chỉ muốn bệnh nhanh khỏi, đằng này thiếu vật tư để chữa trị thì chữa trị kiểu gì", bệnh nhân chia sẻ.

Bà cho biết, hiện bà vừa chịu đựng đau đớn, vừa căng thẳng vì cảm giác thấp thỏm chờ đợi ngày mình "lên bàn mổ", rất sợ hãi, lo lắng.

Lãnh đạo một bệnh viện lớn tại Hà Nội thừa nhận đang có hiện tượng thiếu thuốc, đặc biệt là thuốc biệt dược, thiếu vật tư, tiêu hao… xảy ra tại nhiều bệnh viện nhiều nơi.

"Tôi biết có bệnh viện, bệnh nhân đi mổ phải ra hiệu thuốc mua từ những sợi chỉ, băng gạc, dây truyền... Tại bệnh viện của mình, chúng tôi vẫn cố gắng để đảm bảo có đủ thuốc, vật tư tiêu hao...

Tuy nhiên, việc đấu thầu rất khó, lấy ví dụ với mặt hàng thuốc gây mê vô cùng khó mua vì đây là thuốc thuộc diện phải kiểm soát, không phải nhiều nơi dùng. Theo quy định giá rẻ thì mua nhưng người ta không chào giá rẻ.

Ngoài ra, quy định là khi đã mua thuốc thì phải dùng hết ít nhất 80% loại thuốc đã mua. Nhưng đối với nhiều thuốc, đặc biệt là thuốc hiếm thì các bệnh viện khó mà lường hết được có đủ bệnh nhân để dùng hết thuốc hay không, do đó cũng không dám đấu thầu", lãnh đạo này cho biết.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem