Ở bất kỳ làng quê nào cũng có cây cau với thân cây tròn, nhiều nấc, cao lêu nghêu, phần trên cùng là những tàu cau xanh rì giống như cái dù, có lúc còn đèo thêm buồng cau dắt díu trái xanh ong óng. "Con mèo mà trèo cây cau" là một hình ảnh đẹp ngộ nghĩnh của làng quê Việt Nam. Nhưng không phải con mèo trèo lên cây cau để chơi kiểu leo trèo theo bản năng, mà nó trèo lên cây cau để "hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà".
Ta hãy xem con mèo hỏi thăm ai để biết rằng chú chuột vắng nhà. Bắt đầu từ "con mèo trèo cây cau" ám chỉ một cách rõ ràng là chỉ có một con mèo trèo lên cây cau, chứ không phải lũ mèo hoặc bầy mèo. Chuột thì không có, còn cây cau không biết nói. Như vậy xuất hiện hai từ "hỏi thăm" ở đây là yếu tố văn nghệ dân gian vô cùng độc đáo!
Nếu như diễn tả một con mèo trèo lên cây cau để tìm bắt chuột ăn thịt, nhưng không có chuột thì quá bình thường. Đằng này "con mèo trèo cây cau" rất ư lịch sự, rất tình cảm "hỏi thăm chú chuột đi đâu vắng nhà". Sau đó mèo cũng có thông tin: "Chú chuột đi chợ đường xa/ Mua tôm, mua cá giỗ cha con mèo".
Chuột nào biết đi chợ đường xa để mua tôm, mua cá giỗ cha con mèo. Chuột rời ổ trên cây cau là để chao chác đi tìm miếng ăn, cũng giống như mèo trèo lên cây cau tìm chuột để ăn thịt theo luật sinh tồn lẽ tự nhiên thế thôi.
Chuột đi tìm thức ăn, tìm mồi để vỗ béo cho mình rốt cuộc làm vật tế thần cho mèo (giỗ cha con mèo). Vậy mà qua lăng kính văn nghệ dân gian bác học, con chuột lại sống rất có tình, có nghĩa, lo bươn chải tảo tần để có cái giỗ cha con mèo. Con mèo và con chuột trong mấy câu ca dao trở thành đôi bạn thân thiết, sống biết quan tâm đến nhau.
Câu ca dao trên với những hình ảnh đẹp trở thành câu chuyện cảm động đối với thế giới trẻ thơ qua nhiều thế hệ, nó biến sự trần trụi, cay nghiệt trở thành điều dễ chấp nhận trong cuộc sống nếu con người ta có cái nhìn khoáng đạt hơn.
Trần Quốc Cưỡng
(Hội Văn học Nghệ thuật Phú Yên)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.