Về đề xuất nói trên, phóng viên đã trao đổi với TS Lê Đức Thịnh– Trưởng Bộ môn Thể chế nông thôn, Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD).
TS Lê Đức Thịnh cho biết: Thực chất, việc góp vốn bằng giá trị đất hoặc giá trị quyền sử dụng đất đã được quy định tại Luật Đất đai năm 2003. Thế giới cũng đã có nhiều nước áp dụng hình thức này. Theo tôi, hình thức này xuất phát từ thực tế người dân sử dụng tiền đền bù chưa hiệu quả, việc tạo cho người dân có cơ hội góp vốn đầu tư kinh doanh, tạo ra cơ hội cho nông dân được tiếp tục đầu tư sản xuất tại chỗ, giảm được tệ nạn, hạn chế việc nông dân nhận tiền đền bù nhưng sử dụng không hiệu quả, tránh được tình trạng tước bỏ hoàn toàn quyền sử dụng đất vốn có của nông dân.
Tuy nhiên, hình thức góp vốn bằng đất còn tạo ra một số nhược điểm, như rủi ro của nông dân khi tham gia. Cụ thể, rất ít nông dân am hiểu về cổ phần, cổ phiếu nên bắt họ quản lý chúng là cả một vấn đề. Hơn nữa, trong kinh doanh, không phải lúc nào doanh nghiệp (DN) làm ăn cũng có lãi, thậm chí còn phá sản nên rủi ro của nông dân đi cùng rủi ro của DN.
Như vậy có thể nói, khung pháp lý của ta về vấn đề này vẫn chưa được hoàn thiện?
- Đúng vậy, do khung pháp lý hiện nay chưa đầy đủ, hình thức góp vốn này tạo ra rất nhiều sự bất lợi cho nông dân và cả DN. Khi khuyến khích nông dân góp vốn bằng đất, DN thành công lớn thì trả cổ tức lớn, bé trả bé, việc kiểm soát lỗ hay lãi nằm ngoài tầm kiểm soát của nông dân.
Tôi cho rằng, khi đã cho nông dân góp vốn, việc nông dân phải gánh rủi ro cùng DN là chuyện hết sức bình thường. Tuy nhiên, quan điểm của chúng tôi là không nên để khi DN phá sản mới lo bảo vệ nông dân. Cách tốt nhất là phải minh bạch hóa thông tin của DN với nông dân trước khi họ tham gia vào góp vốn, từ đó họ biết toàn bộ hiện trạng của DN để có sự lựa chọn. Còn khi DN đã phá sản, như đã phân tích ở trên, hiện khung pháp lý của chúng ta chưa hoàn chỉnh và quy định cụ thể. Chính vì thế, chúng ta cần xây dựng được khung pháp lý tốt nhất, giải quyết được rủi ro gặp phải, bảo vệ quyền lợi của nông dân.
“Với hình thức góp cổ phần bằng đất, Nhà nước vẫn đảm bảo được quyền sở hữu lâu dài, nếu người dân không thích, có thể lấy lại đất”.
TS Lê Đức Thịnh
Theo ông, để đảm bảo quyền lợi cho nông dân, góp phần tạo sinh kế lâu dài và bền vững, chúng ta cần xây dựng quy định pháp lý như thế nào?
- Chúng ta phải nhanh chóng tính toán, xác định được mức đền bù tốt nhất cho nông dân. Tức là phải xác định được giá đền bù công bằng nhất, tránh tình trạng đền bù giá thấp, nhưng sau đó chủ đầu tư giao dịch lại với giá chênh lệch gấp hàng chục, hàng trăm lần. Hiện nay, giá mà UBND các tỉnh ban hành vẫn thấp hơn thực tế khoảng 3 lần. Trong khi, Nhà nước phải tăng cường quy hoạch, kế hoạch, kiểm soát các dự án lấy đất, tránh tình trạng lấy đất tràn lan, lấy đất vô tội vạ mà chúng ta gặp phải như thời gian vừa qua….
Xin cảm ơn ông!
Thanh Xuân (thực hiện)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.