Con suýt mù mắt, hôn mê... vì cha mẹ tự điều trị bệnh

Thu Linh Thứ bảy, ngày 11/11/2017 06:00 AM (GMT+7)
Nhỏ sữa mẹ vào mắt con khiến con bị thủng giác mạc; cho con uống thuốc tiểu đường khiến con hôn mê… là những sai lầm khủng khiếp về chữa trị bệnh của nhiều người làm cha làm mẹ...
Bình luận 0

Nhỏ sữa vào mắt để trị ghèn, phù nề

Ngày 10.11, lãnh đạo Bệnh viện Mắt T.Ư cho biết, bé Đinh Phương Thảo (16 ngày tuổi, ở xã Mường Bang, huyện Phù Yên, Sơn La) nhập viện hôm 5.11 trong tình trạng mắt bị nhiễm trùng nặng. Bác sĩ chẩn đoán bé Thảo có nguy cơ bị loét thủng giác mạc 2 mắt.

img

Bệnh nhi Đinh Phương Thảo đang được phối hợp điều trị mắt, tai và theo dõi tình trạng toàn thân.  Ảnh: D.T

Bác sĩ Nguyễn Thành Nam - phụ trách khoa Nhi, Bệnh viện Bạch Mai khuyến cáo để tránh nhiễm độc chì cho trẻ, các bậc phụ huynh không nên tự ý dùng các loại thuốc, nhất là thuốc cam, thuốc nam mua của những ông lang, bà mối bán ở chợ, không rõ nguồn gốc, không có giấy phép kinh doanh. Nếu có biểu hiện bất thường, nên đưa trẻ đi khám tại các cơ sở y tế để được xác định nguyên nhân và điều trị kịp thời.
 

Theo thạc sĩ, bác sĩ Trần Thu Hương - khoa mắt Trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư), bệnh nhi Thảo vào viện trong tình trạng mắt không thể tự mở, có dấu hiệu loét, thủng giác mạc. Nguyên nhân dẫn tới tình trạng loét thủng giác mạc của bệnh nhi Thảo là do nhiễm trùng nặng, gia đình không hiểu biết đã dùng phương pháp điều trị dân gian nhỏ sữa mẹ vào mắt cho con làm tình trạng bệnh diễn biến nặng rất nhanh.

Theo chị Đinh Thị Sinh (mẹ của bệnh nhi Thảo), bé Thảo sinh ra hoàn toàn bình thường, bú sữa mẹ tốt, 2 ngày đầu bé mở mắt được. Tới ngày thứ 3, chị Sinh thấy mắt con có nhiều rỉ nên nhờ bác sĩ tại Trung tâm Y tế Phù Yên khám. Bác sĩ kê cho bé 2 lọ nước muối sinh lý và một lọ thuốc điều trị đau mắt cho bé.

Sau 7 ngày chị Sinh nhỏ thuốc mắt cho con, thấy mắt con sưng phù nề có nhiều rỉ, không mở được, lúc này chị Sinh được mọi người mách nhỏ sữa mẹ vào mắt con sẽ giúp khỏi. Nghe theo thời mọi người, chị Sinh hàng ngày nhỏ 3-4 giọt sữa vào mắt con. Sau vài ngày, thấy mắt con sưng to, chảy mủ, chị mới đưa con đến Bệnh viện Mắt T.Ư.

Theo bác sĩ Hương, bệnh nhi Thảo được chuyển tới Bệnh viện Nhi T.Ư để phối hợp điều trị tai, mắt và theo dõi tình trạng toàn thân. Bệnh nhi  yếu, cân nặng chỉ 2,5kg và mới chỉ 16 ngày tuổi nên việc điều trị cho bệnh nhi không chỉ về mắt mà còn phải điều trị phối hợp toàn thân. Bác sĩ Hương cho rằng tiên lượng bệnh của bệnh nhi rất dè dặt.

Trước đó, ngày 7.11, Bệnh viện Nhi đồng 1 (TP.HCM) cũng đã điều trị cho bệnh nhi 12 tuổi bị hôn mê, rối loạn tri giác do mẹ cho uống thuốc điều trị hạ đường huyết tùy tiện. Khi tiến hành xét nghiệm, các bác sĩ phát hiện đường huyết bệnh nhi đã hạ xuống khá thấp, chỉ còn 30 mg/dl. Bệnh nhi được chích ngay một mũi đường và cho uống sữa. 30 phút sau, bé gái dần hồi tỉnh, tri giác ổn định.

Người mẹ cho biết, bản thân chị bị tiểu đường nhiều năm nên có sẵn máy đo đường huyết ở nhà. Chị đã đo thử đường huyết cho con và thấy đường huyết của con cao. Do đó, chị đã tự ý bẻ nửa viên thuốc điều trị tiểu đường cho con gái uống.

Đừng tự tiện điều trị cho con

Theo các bác sĩ chuyên khoa nhi, nhỏ sữa mẹ điều trị đau mắt là một phương pháp phản khoa học. Rất nhiều bệnh nhi sau khi được nhỏ sữa mẹ vào mắt thị bệnh đã tiến triển rất nặng và nhanh, do sữa là môi trường nhiều dinh dưỡng tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển nặng lên.

TS Nguyễn Xuân Tịnh - quyền trưởng khoa Mắt trẻ em (Bệnh viện Mắt T.Ư) cũng khẳng định, nhỏ sữa mẹ vào mắt để chữa rỉ cho trẻ là hoàn toàn sai lầm. Thực tế trẻ khỏi đau mắt là do miễn dịch của cơ thể khỏe lên chứ không liên quan tới nhỏ sữa vào mắt.

Tại khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Mai) cũng thường xuyên tiếp nhận các bệnh nhi bị ngộ độc chì nặng do cha mẹ, người thân cho các bé uống thuốc nam không rõ nguồn gốc. Cuối tháng 6.2017, bệnh nhi Bùi Anh D được chuyển đến viện. Theo lời người nhà, trẻ có tiền sử bị viêm da cơ địa từ lúc 1 tháng tuổi và đã được khám, điều trị theo đơn của bác sĩ tư nhân. Mặc dù được dùng cả thuốc bôi và uống theo đơn nhưng bệnh vẫn tái đi tái lại nên gia đình đã chuyển sang dùng thuốc đông y dạng thuốc cam đã 24 ngày. Cách 2 ngày trước khi vào viện, trẻ nôn nhiều, da xanh, co giật toàn thân, mỗi cơn kéo dài khoảng 5 phút, 5-6 cơn trong 2 ngày.

Qua khai thác bệnh sử và các biểu hiện lâm sàng, các bác sĩ của khoa Nhi (Bệnh viện Bạch Ma)i đã nghĩ đến bệnh nhi bị ngộ độc chì cấp do dùng thuốc cam không rõ nguồn gốc. Kết quả xét nghiệm cho thấy, nồng độ chì trong máu lên đến 105 microgam/100ml (cao gấp nhiều lần mức cho phép). Các bác sĩ đã cho bệnh nhi được lọc chì, ổn định sức khoẻ. Tuy nhiên những di chứng do ngộ độc chì có nguy cơ sẽ kéo dài.

Theo các chuyên gia y tế, chì là một chất cực độc, nhất là trong trường hợp ngộ độc cấp tính. Chì khó thải loại, khi vào cơ thể sẽ theo máu đến các cơ quan: Gan, thận, não, tủy xương, dây thần kinh, cơ, tiêu hóa… gây các triệu chứng đau bụng, thiếu máu, suy nhược cơ bắp, suy thận, liệt chi, liệt thần kinh mắt, mất tiếng nói…. Để tự thải trừ chì ra khỏi cơ thể đôi khi phải mất hàng chục năm hoặc lâu hơn, khi đó hậu quả sẽ rất nặng nề do không kiểm soát được. 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem