Côn trùng đốt có nguy cơ gây sốc phản vệ

Thứ ba, ngày 09/07/2013 06:50 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Bất cứ côn trùng nào đốt đều có thể gây dị ứng, sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời.
Bình luận 0

Sau khi Báo NTNN số 162/2013 đưa tin, ngày 7.7, anh Đỗ Thành Nam (42 tuổi), ở TP.Nha Trang, Khánh Hòa, phải nhập viện cấp cứu trong tình trạng bất tỉnh, tụt huyết áp sau khi bị bọ xít hút máu đốt, nhiều người tỏ ra rất lo lắng vì loài bọ xít này ngày càng lan rộng.

Thực tế, từ năm 2010 đến nay, bọ xít hút máu đã hoành hành ở 20 tỉnh, thành phố Việt Nam, hàng ngàn người đã bị đốt. Các vết đốt gây ngứa, có thể phù nề, sưng to, gây khó chịu cho nhiều người. Tuy nhiên, không nhiều bệnh nhân bị phản ứng nặng.

Tuy nhiên, theo nghiên cứu của TS Nguyễn Văn Châu ở Viện Sốt rét-Ký sinh trùng và Côn trùng T.Ư (NIMPE), có đến 99,35% số người bị bọ xít đốt bị sưng ngứa kéo dài 2-5 ngày. Chỉ có 4,54% bị ngứa kèm theo sốt trong vòng vài ngày. Và chỉ có 0,65% bị sưng ngứa, gãi xước da nên bị nhiễm trùng tại chỗ.

Tuy nhiên, ngày 8.7, bác sĩ Nguyễn Thành – Trưởng khoa Khám bệnh (Bệnh viện Da liễu T.Ư) cho biết: “Bất cứ côn trùng nào đốt đều có thể gây dị ứng, sốc phản vệ, nguy hiểm đến tính mạng nếu không được cấp cứu kịp thời”.

Theo ông, côn trùng nói chung hay bọ xít hút máu nói riêng đốt đều có khả năng gây ra sốc phản vệ. Điều này tùy vào cơ địa dị ứng của mỗi người. Đa số nạn nhân chỉ bị ngứa, sưng tấy tại vết đốt, nếu vết thương phù nề to có thể gây sốt. Nhưng nếu cơ địa dị ứng thì người bệnh có thể bị hạ huyết áp, choáng váng, khó thở, có thể bất tỉnh (như trường hợp anh Nam), nếu không cấp cứu kịp thời thì đều có khả năng tử vong.

TS Phạm Thị Khoa (NIMPE) cũng cho biết, đây là mùa sinh sản của bọ xít hút máu người nên người dân nên thận trọng. Theo nghiên cứu của TS Khoa, bọ xít hút máu kháng hóa chất, nên việc phun hóa chất thông thường như diệt muỗi, gián không khả thi.

“Nhiều nhà khoa học khuyên nên tăng liều lượng hóa chất để diệt bọ xít, thậm chí gấp 10 lần. Nhưng như thế sẽ có hại đến sức khỏe con người. Chúng tôi đang nghiên cứu để tìm thuốc và liều phù hợp để diệt được bọ xít mà không ảnh hưởng đến sức khỏe” – TS Khoa nói.

Bác sĩ Thành tư vấn, không chỉ riêng bọ xít mà khi bị côn trùng đốt nói chúng, nếu vết cắn ngứa, sưng to thì người dân nên rửa sạch vết thương, không gãi khiến vết thương lan rộng. Còn khi cơ thể có các phản ứng lạ như nổi mẩn toàn thân, khó thở, mệt thì nên đến bệnh viện ngay...

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem