Còn tư duy "quyết tâm buộc tội"

Trần Thụ - Thắng Quang Thứ sáu, ngày 13/03/2015 13:31 PM (GMT+7)
“Có nhiều nguyên nhân dẫn đến oan sai, do lỗi từ cơ quan tố tụng, lỗ hổng pháp luật, chưa có luật sư tham gia từ đầu. Có nhiều vụ án khi ra xét xử không có chứng cứ mà chỉ dựa vào lời khai của bị can, bị cáo”, đây là chia sẻ của người trong ngành.
Bình luận 0

Luật sư bào chữa chưa được coi trọng

Theo ông Nguyễn Nông - Viện trưởng Viện Thực hành quyền công tố và Kiểm sát xét xử phúc thẩm (Viện KSND Tối cao), để xảy ra việc người vô tội bị oan đều có nguyên nhân khách quan và chủ quan. Nguyên nhân khách quan là ở phương diện quy định của pháp luật. Nguyên nhân chủ quan là ở người tiến hành tố tụng và bản thân người bị oan cũng như người tham gia tố tụng khác. Đây là nguyên nhân trực tiếp, quyết định tới việc làm oan người vô tội.

img
Ông Nguyễn Thanh Chấn (Bắc Giang) được trả tự do sau khi ngồi tù oan 10 năm. Ảnh: I.T
Ông Nông lý giải, mặc dù có quy định về thời hạn tố tụng cho mỗi giai đoạn nhưng vẫn có nhiều vụ án kéo dài, vi phạm thời hạn; mặc dù đã có quy định về thẩm quyền điều tra, truy tố, xét xử nhưng vẫn có nhiều vụ án điều tra không đúng thẩm quyền; có nhiều vụ án, viện kiểm sát đã đưa ra các yêu cầu điều tra nhưng một số cơ quan điều tra không thực hiện; nhiều vụ án chỉ có lời nhận tội của bị can, bị cáo mà không có chứng cứ đối chứng nhưng cơ quan tiến hành tố tụng vẫn sử dụng để buộc tội; pháp luật quy định tòa án cấp sơ thẩm có trách nhiệm gửi bản án, quyết định sơ thẩm cho viện kiểm sát cùng cấp sau khi xét xử để bảo đảm quyền kiểm sát bản án, quyết định việc kháng nghị nhưng nhiều tòa án không tuân thủ…

“Để tránh oan sai, tôi cho rằng cần tăng cường hơn nữa vai trò của người bào chữa ngay từ những giai đoạn đầu. Hiện, việc điều tra tội phạm được kiểm sát bởi viện kiểm sát. Bên cạnh đó còn có sự tham gia của người bào chữa. Bất cứ hoạt động tố tụng nào có sự tham gia của nhiều bên giám sát lẫn nhau sẽ có tính khách quan cao hơn.

Một thực tế cần phải thừa nhận là: Trong các vụ án “làm oan người vô tội”, vai trò của người bào chữa chưa được khẳng định đúng mức. Người bào chữa chưa được tham gia đầy đủ ngay từ đầu quá trình tố tụng. Các ý kiến bào chữa chưa được các cơ quan tiến hành tố tụng quan tâm đúng mức.

Cũng cần có quy định người bị bắt, bị tạm giữ có quyền yêu cầu có người bào chữa, có người đại diện hợp pháp cho mình. Đây chính là một khía cạnh của nguyên tắc về “quyền im lặng” của người bị bắt, người bị tình nghi, bị can, bị cáo” – ông Nông đánh giá.

Tòa chưa độc lập khi xét xử

Luật sư Lê Vinh – Trưởng văn phòng Luật sư Chương Dương thì đưa ra đánh giá: "Tôi nghĩ rằng tòa án chưa độc lập nên dễ có oan sai. Tôi có cảm giác ở một số nơi, cơ quan điều tra - viện kiểm sát - tòa án là một. Tôi tham gia một vụ án (ở một huyện Hà Nội) thì kiểm sát viên nói luôn: "Vụ này họp 3 ngành rồi, không gỡ tội được đâu (họp 3 ngành là thứ bị cấm từ mười mấy năm nay)". Rồi thì, sau khi nghe ý kiến luật sư nói về một số bất cập của vụ án, tòa gọi điện thoại luôn cho điều tra viên lên lấy hồ sơ về để "be chắn" chỗ hở".

“Đa phần các vụ tôi biết đều không bao giờ thấy thẩm phán tuyên ai đó không phạm tội với lý do việc buộc tội không đủ căn cứ. Ngược lại, khi cơ quan điều tra, viện kiểm sát thiếu căn cứ buộc tội, điều tra không đầy đủ, thường thì tòa tuyên trả hồ sơ điều tra bổ sung. Thậm chí, sau khi điều tra bổ sung, tội bị cáo còn có thể nặng hơn. Tư duy “quyết tâm” buộc tội ăn khá sâu trong hoạt động tố tụng, không buộc tội được phiên này, phiên sau buộc tội chưa muộn. Bị cáo bị thử thách ở nhiều phiên tòa. Điều này cũng gây ra oan sai” – luật sư Vinh nói.

Luật sư Hồng Ngọc Anh – Công ty Luật hợp doanh Tạ Nguyệt Thanh (Bạc Liêu): Thông thường các vụ án oan sai thường xuất phát từ các chứng cứ không chắc, cấp trên nghe và tin theo cấp dưới, không xem xét tính chính xác lời khai ban đầu của bị can. Để tránh oan sai, công an các cấp, nhất là công an xã phải thực hiện đúng theo Luật Tố tụng hình sự. Lời khai của bị can phải tự tâm, tạo điều kiện tốt cho luật sư tham gia bào chữa ngay từ đầu.

Hoàng Hạnh
(ghi)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem