Công an có quyền kiểm tra hộ khẩu trong đêm không?

Hoàng Linh Thứ hai, ngày 11/04/2016 07:00 AM (GMT+7)
Từ vụ Trung úy B. ở công an phường Trung Liệt (Đống Đa, Hà Nội) bị tố nhổ vào mặt dân khi đi kiểm tra hộ khẩu, một câu hỏi đặt ra: Công an có quyền kiểm tra hộ khẩu trong đêm hay không?
Bình luận 0

 Vâng, công an có quyền đó nhưng kiểm tra phải theo đúng quy định của ngành chứ không thể “biến dạng” nó thành cuộc khám xét trái phép. Quy trình kiểm tra hộ khẩu được ngành công an quy định và thực hiện chặt chẽ, hoàn toàn khác với khám xét.Trường hợp kiểm tra hộ khẩu sau 23 giờ phải có sự đồng ý của Trưởng công an phường xã.

 Qui trình kiểm tra nhân - hộ khẩu như sau: Cảnh sát khu vực yêu cầu chủ hộ xuất trình sổ hộ khẩu gia đình hoặc sổ tạm trú và các loại giấy tờ tùy thân khác. Sau đó kiểm tra các nội dung: đối chiếu số người có mặt với danh sách trong sổ hộ khẩu hoặc giấy đăng ký tạm trú; trong hộ có ai đến, ai đi; có trình báo cơ quan quản lý và đăng ký tạm trú, tạm vắng không... Nếu phát hiện một trong những sai phạm trên thì cảnh sát khu vực lập biên bản xử phạt hành chính theo nghị định 150. Ngoài ra, trong quá trình kiểm tra, nếu phát hiện quả tang hoặc có dấu hiệu vi phạm pháp luật (trộm cướp, đối tượng truy nã...) thì cảnh sát khu vực có quyền tạm giữ người, báo về công an phường để ban chỉ huy báo lên công an quận, huyện hoặc phòng nghiệp vụ Công an Thành phố.

Tuy nhiên, việc  công an xã khám chỗ ở của công dân là sai quy định của pháp luật do không có căn cứ khám xét, không có Lệnh khám xét của người có thẩm quyền...  Bởi lẽ công dân có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Quyền này được khẳng định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Theo đó, việc khám xét chỗ ở, việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện tín của công dân phải do người có thẩm quyền tiến hành theo quy định của pháp luật. Bộ luật Tố tụng hình sự  cũng quy định rõ: Không ai được xâm phạm chỗ ở, an toàn và bí mật thư tín, điện thoại, điện tín của công dân. Việc khám xét chỗ ở, khám xét, tạm giữ và thu giữ thư tín, điện tín, khi tiến hành tố tụng phải theo đúng quy định của Bộ luật này (Điều 8 Bộ luật Tố tụng hình sự).

 Tuy nhiên mặc dù đây là một trong những quyền thiết thân nhất, xuyên suốt cả cuộc đời con người  và công dân được Quốc hội xây dựng các hàng rào bảo vệ bằng Hiến pháp và các Luật nhưng cũng dể bị lạm dụng và xâm hại.

 Như vậy căn cứ vào Hiến pháp và 3 luật liên quan là Luật Dân Sự , Luật Tố Tụng Hình Sự và Luật Cư Trú thì không ai có quyền xâm nhập vào nơi cư trú của công dân trừ khi có quyết định của cấp thẩm quyền như lệnh khám xét có phê chuẩn của Viện Kiểm sát, quyết định kiểm tra hành chính của UBND cấp thẩm quyền. Việc kiểm tra hộ khẩu của công an có trái với pháp luật không?

 Chúng ta thử tham khảo trường hợp kiểm tra hộ khẩu gây xôn xao dư luận tại Hà Nội mới đây.

img

 Trung úy B.- nhân vật bị tố nhổ vào mặt cô gái trong đoạn clip đang gây xôn xao dư luận.

(ảnh cắt từ clip)

 Sáng 8.4, trên mạng xã hội lan truyền clip dài 3 phút quay cảnh tranh luận, cãi vã giữa 2 phụ nữ và một người mặc sắc phục công an, cấp hàm trung úy.

Chủ tài khoản facebook B.B chia sẻ, người công an đòi khám xét nhà cô vì nghi ngờ có đối tượng truy nã đang trốn trong đó. Tuy nhiên B.B không đồng ý, yêu cầu người này phải đưa ra giấy phép mới cho vào nhà vì giờ đã là nửa đêm. Hơn nữa, cô đã đăng ký mọi thủ tục theo yêu cầu và quan trọng là trong nhà chỉ có 2 người phụ nữ.

Không được sự đồng ý cho vào khám xét, người này đã nói "mày bé cái mồm thôi" và có hành động... nhổ nước bọt vào mặt cô gái.

Theo chia sẻ của B.B, người mặc trang phục công an trong clip tên B., là cán bộ thuộc Công an phường Trung Liệt, quận Đống Đa, Hà Nội. Chỉ sau vài giờ được đăng tải, đoạn clip đã thu hút trên 70 nghìn lượt xem, gần 2 nghìn lượt chia sẻ và bình luận.

"Cách làm việc đúng là chưa chuẩn nhưng mà người ta có quyền được kiểm tra hộ khẩu mà kể cả là đăng ký tạm trú bạn ạ! Người có hộ khẩu thường trú còn kiểm tra được mà nói gì tạm trú", một người bình luận.

"Tôi chưa bao giờ thấy kiểm tra hộ khẩu thường trú vào đêm hôm như thế trừ trường hợp có nghi vấn. Nhà tôi chỉ bị kiểm tra duy nhất 1 lần vào dịp Tết khi mấy chú bác đánh bài dân phòng nghe thấy tiếng nên vào kiểm tra thôi", một người khác cho biết.

 Trao đổi với truyền thông, một trong hai cô gái trong clip cho biết cô đã làm đúng mọi thủ tục khai báo tạm trú nên công an không có quyền kiểm tra nơi cư trú của cô mà không có giấy tờ hoặc lệnh khám xét?

 Ý kiến của cô cũng là thắc mắc của nhiều người vì việc kiểm tra hộ khẩu về thực chất cũng giống như quyết định kiểm tra hành chính hay lệnh khám xét ở chỗ người dân phải mở cửa để công an vào nhà.

 Luật sư Nguyễn Quynh chia sẻ rằng: "Nếu không có "văn bản" thì người dân có quyền không chấp hành việc cho kiểm tra cư trú. “Điều 22 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân có quyền có nơi ở hợp pháp. Mọi người có quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở. Không ai được tự ý vào chỗ ở của người khác nếu không được người đó đồng ý. Hiến pháp là đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất, luật, nghị định, thông thư...ban hành trái với Hiến pháp là vi hiến”.

 Như vậy đang tồn tại nhiều cách hiểu khác nhau về việc công an có quyền kiểm tra nơi cư trú của công dân vào ban đêm hay không?

 Chúng ta không đi quá sâu vào trường hợp cụ thể nêu trên  nhưng vấn đề cần quan tâm là ranh giới không thật sự rõ ràng giữa những hành vi công vụ này làm nẩy sinh nhưng thắc mắc, quan điểm trái chiều về thẩm quyền?

 Thẩm quyền kiểm tra hộ khẩu của công an được quy định bởi Thông tư 35/2014/TT-BCA  ngày 9/9/2014 trong phần kiểm tra cư trú có nêu:

 Hình thức kiểm tra cư trú được tiến hành định kỳ, đột xuất, hoặc do yêu cầu phòng, chống tội phạm, giữ gìn an ninh, trật tự.

Đối tượng kiểm tra cư trú là công dân, hộ gia đình, cơ sở cho thuê lưu trú, cơ quan đăng ký, quản lý cư trú các cấp; cơ quan, tổ chức có liên quan đến quản lý cư trú.

Nội dung kiểm tra cư trú bao gồm kiểm tra việc triển khai và tổ chức thực hiện các nội dung đăng ký, quản lý cư trú; quyền và trách nhiệm của công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức; các nội dung khác theo pháp luật cư trú.

 Cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn có quyền kiểm tra trực tiếp hoặc phối hợp kiểm tra việc chấp hành pháp luật về cư trú đối với công dân, hộ gia đình, cơ quan, tổ chức thuộc địa bàn quản lý. Khi kiểm tra được quyền huy động lực lượng quần chúng làm công tác bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở, bảo vệ cơ quan, doanh nghiệp, tổ chức cùng tham gia.

 Việc kiểm tra cư trú của Công an cấp trên tại địa bàn dân cư phải có cán bộ, chiến sĩ Công an nhân dân, Công an xã được giao quản lý cư trú tại địa bàn chứng kiến.

 Có nghĩa, quy định kiểm tra cư trú của Bộ Công an không nêu cụ thể việc kiểm tra hộ khẩu vào ban đêm như thế nào, trừ khi có quy định khác của ngành nhưng dù là thông tư hay quy định gì thì cũng không thể trái với Hiến pháp.

 Ranh với giữa kiểm tra hành chính, khám xét và kiểm tra hộ khẩu có khác nhau nhưng có điểm giống nhau là người thi hành công vụ đi vào nơi cư trú của công dân. Bởi vậy thiết nghĩ, đề nghị ngành công an và và Quốc hội xem xét, bổ sung quy định chi tiết và cụ thể việc kiểm tra hộ khẩu, kiểm tra hộ khẩu vào ban đêm…để vừa đảm bảo trật tự an toàn xã hội vừa đảm bảo quyền công dân mà Hiến pháp và luật quy định.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem