Theo đó, rất nhiều bị hại mặc dù không biết đối tượng là ai nhưng vẫn dễ dàng rơi vào cạm bẫy. Trong số này, điển hình như vụ đối tượng Phạm Văn Đê (SN 1969, trú tại huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) chuyên giả danh nhân viên công ty xổ số gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt hàng trăm triệu đồng.
Được biết, đối tượng Đê không có công ăn việc làm ổn định. Từ thời còn rất trẻ, Đê đã lười lao động, ham chơi, đàn đúm với đám bạn xấu, dần dần trượt theo con đường tội lỗi.
Năm 1993, Đê bị Tòa án nhân dân huyện Tứ Lộc, tỉnh Hải Dương xử 3 năm nhưng cho hưởng án treo về tội Cướp tài sản công dân. Đến năm 1996, đối tượng này bị Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương tuyên phạt 8 năm tù cũng về tội Cướp tài sản công dân.
Vào tù ra tội, thế nhưng Đê vẫn không chịu tu chí làm ăn, trong đầu tiếp tục nung nấu ý định lừa đảo hòng chiếm đoạt tài sản của người khác lấy tiền ăn tiêu. Hành vi vi phạm pháp luật của Đê bị phát giác khi Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Thái Bình nhận được đơn của anh T (SN 1973, trú tại huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) trình báo về việc bản thân bị một đối tượng gọi điện thoại lừa đảo chiếm đoạt hơn 200 triệu đồng.
Theo nội dung trình bày của nạn nhân T, khoảng cuối năm 2017, một người đàn ông lạ đã gọi điện thoại cho T nói rằng, có người quen ở công ty xổ số và có thể cho anh T số lô để đánh trúng. Mặc dù trước đó không hề biết đối tượng là ai và như thế nào, thế nhưng anh T vẫn bị đối tượng này thuyết phục bởi tài ăn nói lưu loát, “diễn” rất sâu.
Quá trình trao đổi, đối tượng giao hẹn nếu anh T đưa đủ 500 triệu đồng thì sẽ cho anh T số lô để đánh trúng. Lúc này, anh T nói không có tiền nên đối tượng đã rút xuống còn 300 triệu đồng. Do tin tưởng, anh T đồng ý với mức thỏa thuận trên. Theo đó, anh T đã chuyển 3 lần tiền cho đối tượng với tổng tài sản bị chiếm đoạt là 265 triệu đồng. Tuy nhiên, mỗi lần nhận tiền, đối tượng “bí ẩn” không hề ra mặt mà hắn lại nhờ những lái xe taxi đi lấy hộ tại các địa điểm khác nhau.
Sau khi nhận được đơn tố giác tội phạm, Công an tỉnh Thái Bình đã nhanh chóng vào cuộc xác minh, điều tra làm rõ. Lần theo manh mối và tài liệu thu thập được, các trinh sát phát hiện tại ngã ba Đợi, xã Đông Hải, huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình, một tài xế taxi đang đưa phòng bì tiền cho Phạm Văn Đê (trú tại xã Nguyên Giáp, huyện Tứ Kỳ, tỉnh Hải Dương) với biểu hiện nghi vấn. Tổ công tác đã đưa hai người này cùng tài liệu, đồ vật về cơ quan công an lập biên bản sự việc để điều tra làm rõ.
Chỉ bằng những cú điện thoại, đối tượng Đê đã lừa các thầy bói hàng trăm triệu đồng. (Ảnh minh họa)
Quá trình đấu tranh, tài xế taxi khai nhận, được Đê thuê lái xe từ Thái Bình đến Phủ Lý (Hà Nam) để lấy phong bì tiền bên trong có 5 triệu đồng cho Đê.
Về phần đối tượng Phạm Văn Đê cũng khai, hắn không có công ăn việc làm ổn định nên nghĩ cách lừa đảo qua mạng. Đối tượng mà Đê nhắm đến đa số là những người hành nghề bói toán.
Theo lời của Đê, thông qua các mối quan hệ bạn bè hoặc bản thân từng đến nhà các “con mồi” để xem bói, sau đó, Đê xin số điện thoại của những người này để nhằm mục đích gọi điện lừa đảo chiếm đoạt tài sản bằng hình thức giả danh nhân viên công ty xổ số cho số lô, để đánh trúng.
Do từng xem bói ở nhà anh T một lần, Đê đã chủ động xin số điện thoại và sau đó gọi anh T để lừa đảo với hình thức trên. Qua trao đổi nói chuyện, Đê yêu cầu anh T đặt cọc tiền để nhận số lô. Anh T. đã chuyển cho Đê lần lượt là 70 triệu đồng, 95 triệu đồng và 100 triệu đồng.
Sau khi nhận được số tiền trên, Đê cho anh T số lô “44” rồi tắt máy. Anh T nhiều lần gọi lại nhưng không thể liên lạc được với Đê. Biết mình bị lừa, anh T đã làm đơn tố giác tội phạm gửi đến cơ quan công an.
Vào cuộc điều tra, cơ quan công an cũng phát hiện, bằng thủ đoạn trên, Đê đã lừa đảo chiếm đoạt của của một người phụ nữ trung niên trú tại tỉnh Hà Nam số tiền 5 triệu đồng. Ngoài ra, Đê còn gọi điện cho rất nhiều người ở nhiều địa phương khác nhau và đều là những thầy cúng, thầy bói với cùng hình thức lừa đảo như trên nhưng chưa chiếm đoạt được tài sản.
Đê khai, bản thân không quen biết ai làm ở công ty xổ số. Các số mà Đê cho người bị hại là Đê tự nghĩ ra để lừa đảo. Phương thức, thủ đoạn cũng do Đê xem và học được ở những phóng sự trên mạng internet. Đê thực hiện hành vi lừa đảo một mình, không bàn bạc với ai, không nói cho ai biết. Đê thường thuê một lái xe taxi đi lấy tiền, mỗi lần giao dịch, Đê thường dùng sim rác để tránh bị phát hiện.
Người dân cần nâng cao cảnh giác
Công an tỉnh Thái Bình khuyến cáo, trước khi giao dịch bất cứ dịch vụ gì qua mạng, người mua cần tìm hiểu kỹ thông tin, nâng cao tinh thần cảnh giác để tránh tiền mất, tật mang. Người dân nên bỏ qua những tin nhắn rác, tin nhận quà không rõ nguồn gốc và những đường link lạ, không nên tiết lộ địa chỉ, số điện thoại, ngày sinh trên các trang mạng xã hội…
|
Nguyễn Hường (Người Đưa Tin)
Vui lòng nhập nội dung bình luận.