'Cổng địa ngục' khổng lồ bất ngờ xuất hiện ở thị trấn Nga

Lê Phương (Newsweek) Thứ sáu, ngày 16/12/2022 12:54 PM (GMT+7)
Một hố sụt khổng lồ, được truyền thông địa phương mô tả là "cổng địa ngục", đã xuất hiện gần một trong những khu nghỉ dưỡng trượt tuyết nổi tiếng nhất của Nga.
Bình luận 0
'Cổng địa ngục' khổng lồ bất ngờ xuất hiện ở thị trấn Nga - Ảnh 1.

Ảnh chụp màn hình về hố sụt ở Nga. Ảnh: Telegram

Hố sụt rộng 30m hình thành phía trên một mỏ quặng sắt ở Sheregesh. Đoạn phim kinh hoàng về vụ việc, được chia sẻ trên Telegram bởi tài khoản @incident_kuzbass, cho thấy một ngôi nhà chênh vênh bên rìa một hố sâu khổng lồ bốc khói.

Báo cáo không ghi nhận thương vong nào vì khu vực này đã được chính quyền địa phương sơ tán trước đó. Chính quyền quận Tashtagol cho biết trong một tuyên bố rằng đường xá và nhà cửa không bị hư hại, nhưng con đường chính tiếp cận khu vực đã bị phong tỏa và dịch vụ xe buýt bị tạm ngưng.

Evgeny Chuvilin, nhà khoa học nghiên cứu hàng đầu tại Trung tâm Khoa học và Kỹ thuật Dầu khí thuộc Viện Khoa học và Công nghệ Skolkovo, nói với Newsweek rằng các biện pháp an ninh phù hợp đã được thực hiện để giảm thiểu thiệt hại. Tuy nhiên, ở xa hơn về phía bắc, tình hình khó dự đoán hơn.

Ông Chuvilin cho biết: "Các miệng hố được tìm thấy trong lớp băng vĩnh cửu ở phía Tây Siberia được hình thành một cách vô cùng độc đáo. Chúng là kết quả của quá trình giải phóng khí từ các tầng phía trên của lớp băng vĩnh cửu ở Bắc Cực".

"Miệng hố được hình thành nhờ khí cục bộ tích tụ, chủ yếu là khí mê-tan, dưới áp suất trong lớp băng vĩnh cửu. Chúng tích tụ trong các hốc đặc trưng hình thành ở các tầng dưới của lớp băng. Sau đó, trong các hốc bão hòa khí, nồng độ khí cao sẽ dẫn đến tăng áp suất. Khi áp suất hình thành bên dưới bề mặt Trái đất, mặt đất phía trên nó bắt đầu nhô lên. Cuối cùng, đất nứt ra và tạo thành những cái hố", ông giải thích.

Theo ông Chuvilin, sự hình thành của những hố sụt này vẫn còn khá hiếm và kể từ năm 2014, chỉ có 20 hố như vậy được tìm thấy. Một số trong đó rất lớn, cá biệt một hố trên bán đảo Gydan có chiều rộng lên tới gần 200m.

Khi hành tinh nóng lên, sự xuất hiện của những hố sụt này dự kiến sẽ tăng lên. "Có thể nói rằng khí hậu nóng lên đã khiến các tầng băng vĩnh cửu phía trên gia tăng nhiệt độ, từ đó hình thành nên những miệng hố", ông Chuvilin nói.

"Cho dù đó là kết quả của hoạt động khai thác mỏ hay do tự nhiên, đất Nga đang ngày càng trở nên dễ bị tổn thương bởi những 'cổng địa ngục' này", ông kết luận.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem