Cổng làng, nơi hồn quê trong phố

Thứ sáu, ngày 26/12/2014 08:00 AM (GMT+7)
Đang đi trên một con phố hiện đại, bỗng thấy như hẫng đi, bỗng như giật mình khi bắt gặp một ngôi chùa, một mái đình hay cái cổng làng cổ kính bên đường. Những "cổ tích" ấy như những nốt lặng ai bỏ quên trong cái bản "tân nhạc" đương ồn ào xô bồ của phố phường thời hiện đại.
Bình luận 0
Hà Nội mới đây thôi, mươi năm cuối thế kỷ XX còn vô số cổng làng. Ngay mấy năm trước đi trên phố Hà Nội ta vẫn gặp đâu đó những cái cổng làng tuyệt đẹp, nhưng lâu lâu trở lại thì nó đã biến mất…

Tôi nhiều lúc ngẩn ngơ tiếc những cái cổng làng nơi kinh đô vạn thuở, như sự mất mát của dấu cũ làng xưa… Ông Vũ Kiêm Ninh ở khu Nam Đồng, Hà Nội nổi tiếng là nhờ... cái cổng làng. Lúc về già, ông đã bỏ công đi chụp lại những cái cổng làng đặng để mong lưu dấu cho mai sau. Ông bảo: “Lưu giữ được hình ảnh của những chiếc cổng làng Hà Nội xưa, để sau này nó có bị phá đi, thì nhìn vào cũng thấy phần hồn Hà Nội xưa kia còn đấy".
img Cổng làng lưu dấu xưa (Ảnh minh hoạ)
10 năm tâm huyết với cái cổng làng Hà Nội, ông đã có một cuốn sách 300 trang và 109 tấm ảnh về cổng làng Hà Nội. Đô thị hóa đã len lỏi từng ngõ ngách làng quê. Những chiếc cổng làng xưa không còn hợp với những con đường bê tông mở rộng, những chiếc xe công nông, ô tô ra vào thường ngày phục vụ nhu cầu cuộc sống của người dân.

Và để xây dựng những công trình hoành tráng, người ta đưa cả xe cẩu lớn, xe tải nặng vào làng. Vậy thì cái cổng làng cổ kính phải phá đi lấy lối xe to đi. Và khi cuộc sống càng hiện đại, khi tốc độ đô thị hóa chóng mặt thì chiếc cổng làng lại càng hiếm. Còn đâu hình ảnh buổi sáng buổi chiều cổng làng mở ra để người làng bắt đầu công việc của ngày mới. Người ra đồng, kẻ đi chợ, trẻ con tíu tít cắp sách đến trường…

Họa sĩ Quách Đông Phương cũng vì ám ảnh cổng làng mà bỏ một phần đời đi sưu tập các cổng làng dựng thành những bộ ảnh đẹp về di sản kiến trúc văn hóa tâm linh này. Rồi anh mở hẳn một triển lãm sắp đặt hoành tráng với những cái cổng làng của mình...

Cái cổng làng là hiện diện của một nếp làng. Dù hoành tráng tam quan, có chạm khắc, rồng chầu, hổ phục hay đơn giản, khiêm nhường chỉ là hai cái cột gạch mộc, nhưng đó là một thái độ, một sự tự trọng của cả cộng đồng.

Cổng làng là một biểu tượng của cộng đồng về quyền uy của làng. Nhiều cổng làng không có cánh cổng, nhưng người ra kẻ vào vẫn có cái cảm giác bước qua cổng làng, tức là đi vào một thế giới của những người sống cùng nhau phía sau cổng ấy. Họ phải làm sao cho xứng đáng người ngôi làng. Và kẻ ngoài đi vào làng phải tôn trọng nếp làng, tập quán, phong tục…

Nhìn thấy trụ đá đặt bên cổng đề hai chữ Nho “hạ mã”, tức thì quan, tướng đi vào làng qua cái cổng đều phải xuống ngựa. Một cách gián tiếp, người làng thể hiện quyền uy của cộng đồng. Và nét đẹp văn hóa ấy thể hiện sự nền nếp của xã hội xưa… Hà Nội vốn là đất tụ nhân, tụ thủy. Hà Nội sẽ mang nét đẹp bí ẩn nếu còn giữ được những kiến trúc đình chùa, hay những cái cổng làng trong phố.

Dù nó “vướng víu”, thành “chướng ngại vật” khi người ta làm quy hoạch cho đô thị, nhưng hãy để lại những dấu tích làng trong phố. Nó không làm xấu đi, làm nhếch nhác đi những con phố hiện đại mà ngược lại, nó chỉ làm thâm trầm hơn, sâu sắc hơn, cổ kính hơn, làm tăng lên giá trị văn hóa và tầm vóc của thành phố.
(Theo TT&VH)
Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem