Tốc độ tăng trưởng chăn nuôi bình quân 10 năm qua đạt từ 6 đến 8%, tổng sản lượng thịt cả nước năm 2011 đạt 4,3 triệu tấn, nhiều tiến bộ khoa học kỹ thuật được áp dụng trong sản xuất, lai tạo nhiều giống mới cho năng suất cao, thu nhập của người nông dân ngày càng được nâng cao, cuộc sống dần ổn định.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu đạt được, thực tế cho thấy còn tồn tại nhiều khó khăn và thách thức cần giải quyết, trong đó ô nhiễm môi trường nông thôn do chăn nuôi là vấn đề bức xúc của nhiều địa phương hiện nay. Hầu hết các hộ gia đình chăn nuôi theo hướng đơn lẻ, không ổn định, chưa có biện pháp xử lý chất thải chăn nuôi mà thải trực tiếp ra môi trường, từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến môi trường sống và sức khỏe của con người.
Công nghệ khí sinh học như một làn gió mới trong lĩnh vực chăn nuôi, giúp làm giảm mức độ nguy hại của chất thải chăn nuôi đến môi trường và tạo ra nguồn năng lượng sạch phục vụ cho sinh hoạt hàng ngày của người dân nông thôn.
Với sự hỗ trợ vốn vay của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB), Hợp phần phát triển Chương trình Khí sinh học, một trong bốn hợp phần quan trọng thuộc dự án “Nâng cao chất lượng, an toàn sản phẩm nông nghiệp và phát triển chương trình Khí sinh học” (QSEAP - BD), do Cục Chăn nuôi thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chủ trì thực hiện đã mang lại nhiều kết quả khả quan, được giới chuyên môn đánh giá cao, góp phần làm thay đổi bộ mặt ngành chăn nuôi hiện nay.
Với mục tiêu góp phần phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới thông qua việc sử dụng công nghệ khí sinh học trong xử lý chất thải chăn nuôi, đã góp phần giảm thiểu mức độ nguy hại của chất thải chăn nuôi đến môi trường, tạo nguồn năng lượng sạch thay thế chất đốt truyền thống cho hộ gia đình và hạn chế một trong những nguyên nhân gây hiệu ứng nhà kính.
Hợp phần hiện đang được triển khai với 3 tiểu hợp phần chính gồm đầu tư cơ sở hạ tầng phát triển khí sinh học, dịch vụ nghiên cứu và phát triển khí sinh học, cho vay tín dụng phát triển khí sinh học. Qua đó, người dân sẽ được hưởng lợi trực tiếp từ dự án, giúp thay đổi căn bản cuộc sống hiện nay.
Hai loại công nghệ đang được áp dụng là công trình khí sinh học nắp cố định xây bằng gạch kiểu KT1 và KT2 theo tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn ban hành, và công nghệ khí sinh học bằng vật liệu Composite được hội đồng khoa học công nghệ của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn thẩm định và Cục Chăn nuôi công nhận tiến bộ kỹ thuật.
Dự án được triển khai tại 16 tỉnh, thành phố trên cả nước, Hợp phần phát triển chương trình khí sinh học đã và đang phối hợp với nhiều chuyên gia, cán bộ nghiên cứu các Viện, trường Đại học tiến hành nghiên cứu nhằm hoàn thiện quy trình sử dụng phụ phẩm khí sinh học trong trồng trọt, chăn nuôi để khuyến cáo các hộ gia đình khai thác tối đa các lợi ích của công trình khí sinh học trong phát triển nông nghiệp bền vững.
Bên cạnh đó, Hợp phần cũng góp phần trong việc thực hiện Chiến lược Quốc gia về Bảo vệ môi trường của Chính phủ giai đoạn từ 2010 đến 2020 và phù hợp với mục tiêu phát triển của Việt Nam như tập trung giảm nghèo các dân tộc thiểu số, tiếp cận các nguồn tài chính ưu đãi, thông tin và tri thức và hướng tới bình đằng giới cũng nằm trong các mục tiêu ưu tiên của Dự án.
Hợp phần phát triển chương trình khí sinh học đang mang lại một cuộc sống xanh và sạch, làm thay đổi bộ mặt nông thôn mới, tạo cho người dân thói quen sinh hoạt theo hướng thân thiện với môi trường, vì sự phát triển bền vững của hành tinh xanh chúng ta đang sống.
Mọi thông tin chi tiết, xin liên hệ:Ban quản lý Hợp phần phát triển Chương trình Khí sinh họcSố 107 đường Nguyễn Tuân, Thanh Xuân, Hà Nội - Điện thoại: 043. 5579861 – 043. 5579060
P.V
Vui lòng nhập nội dung bình luận.