Ngày 24.4, lần đầu tiên, Hội thảo đánh giá chất lượng, thiết lập hệ thống cấp chứng chỉ nghề quốc gia (do Tổng cục Dạy nghề phối hợp với Tổ chức Quốc tế Hàn Quốc) tổ chức đã đề cập tới vấn đề này.
Tin vui cho lao động nông nghiệp
Theo ông Cao Xuân Đại - Vụ trưởng Vụ Kỹ năng nghề (Tổng cục Dạy nghề, Bộ LĐTBXH), hiện nay Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng được tiêu chuẩn nghề cho 109 nghề, còn một số nghề đang trong giai đoạn hoàn thiện. Riêng đối với nhóm nghề nông nghiệp, Tổng cục Dạy nghề đã bước đầu thiết lập hệ thống đánh giá những kỹ năng cơ bản của một số nghề như trồng trọt, đánh bắt thuỷ sản, chế biến cà phê - ca cao, mây tre đan…
Ông Đại cho rằng: “Lâu nay việc đánh giá chất lượng để cấp chứng chỉ cho lao động - nhất là lao động nông thôn hầu như chưa được thực hiện. Vì thế, lao động nông nghiệp chưa qua đào tạo, hoặc đã đào tạo lâu năm tham gia sản xuất tự do, hoặc làm chủ hợp tác xã chưa được quan tâm”. Chính vì vậy, Dự án nâng cao năng lực thiết lập hệ thống đánh giá và cấp chứng chỉ kỹ năng nghề quốc gia cho lao động Việt Nam lần này sẽ ưu tiên “nhắm” tới đối tượng lao động này.
Mới đây nhất, Bộ LĐTBXH ban hành Quyết định 826/QĐ-LĐTBXH phê duyệt nghề trọng điểm và trường được lựa chọn nghề trọng điểm để hỗ trợ đầu tư từ Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011-2015. Trong quyết định này, có hơn chục nhóm nghề nông nghiệp được đưa vào danh mục đầu tư trọng điểm, phát triển kỹ năng nghề ở tầm quốc gia, khu vực ASEAN và cả thế giới. PGS - TS Mạc Văn Tiến- Viện trưởng Viện Nghiên cứu khoa học dạy nghề nhận định: “Đây thật sự là tin vui cho lao động làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp vì lần đầu tiên lao động nông thôn, làm nông nghiệp sẽ được đánh giá để cấp chứng chỉ nghề quốc gia”.
Còn nhiều khó khăn
Tuy nhiên, cũng theo ông Cao Xuân Đại, hiện nay việc thành lập hệ thống đánh giá để cấp chứng chỉ kỹ năng nghề cho lao động nông nghiệp đang còn rất ngổn ngang, chưa thể thực hiện ngay được. Về phía lao động làng nghề, rất nhiều ý kiến hoài nghi về việc đánh giá chuẩn nghề, kỹ năng nghề cho lao động.
Theo Quyết định 826, các nghề chế biến cà phê, ca cao; chế biến lương thực sẽ được xây dựng chuẩn nghề ở tầm quốc tế các nghề trùng tu di tích lịch sử, kỹ thuật điêu khắc gỗ, khai thác… được xây dựng chuẩn nghề ở tầm khu vực ASEAN. Các nghề trồng rau, trồng cây lương thực, thực phẩm, trồng cây công nghiệp, thú y, sản xuất mây tre đan, nuôi trồng thuỷ sản nước ngọt, mặn, lợ, mộc mỹ nghệ, được xây dựng chuẩn nghề tầm quốc gia.
Ông Bùi Công Hạnh, thợ giỏi nghề mộc ở Phú Xuyên (Hà Nội) cho biết: “Ở làng nghề, chúng tôi chủ yếu học nghề của nhau. Nếu xét về tay nghề, chúng tôi không thua kém thợ bậc 5,6/7 trong thang bảng đánh giá tay nghề của Bộ LĐTBXH, nhưng vì chúng tôi không qua trường lớp nào nên không ai công nhận cả”.
Đối với nhóm nghề nông nghiệp đây cũng là một thách thức. Anh Nguyễn Văn Bình - chủ trang trại bò sữa tại xã Vân Hoà (Ba Vì, Hà Nội) cho hay: “Nuôi bò sữa theo quy trình chuẩn thì ở Mộc Châu hay Ba Vì cũng phải giống nhau, nhưng thực tế là rất khó, chúng tôi chủ yếu làm theo tay quen. Còn thế nào là chuẩn nghề nuôi bò sữa thì tôi cũng chịu”.
“Việc xây dựng chuẩn nghề, đánh giá kỹ năng nghề là xu thế hợp với sự phát triển kinh tế trong nước và quốc tế. Muốn hội nhập quốc tế, bản thân người làm nghề cũng phải đạt chuẩn nhất định của khu vực và quốc tế. Dù khó nhưng chúng tôi sẽ nỗ lực để hướng tới điều đó” – ông Mạc Văn Tiến khẳng định.
Minh Nguyệt – Lê An
Vui lòng nhập nội dung bình luận.