Công trình trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp tại Lương Sơn (Hòa Bình) lập biên bản nhưng chưa xử lý triệt để

Nhóm PV Thứ hai, ngày 08/07/2024 10:32 AM (GMT+7)
Công trình có tên "Khu sinh thái Nhà tôi" đã xây dựng một số hạng mục trái phép trên diện tích 490m2 đất rừng sản xuất và 1500m2 đất nông nghiệp. Cơ quan chức năng đã lập biên bản xử lý nhưng đến nay chưa triệt để.
Bình luận 0

Phản ánh tới Báo điện tử Dân Việt, nhiều người dân tại xã Liên Sơn (huyện Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình) bức xúc vì công trình xây dựng trái phép trên đất rừng và đất nông nghiệp.

Anh Nguyễn Văn V (Liên Sơn) cho biết, khu vực này được xây dựng từ lâu và ghi rõ ở ngoài là khu sinh thái. 

"Nơi đây thường xuyên đón khách, cuối tuần là đông nhất, rất ồn ào. Mọi người nói có vi phạm, nhưng qua thời gian dài không thấy xử lý triệt để", anh V nói.

Công trình trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp tại Lương Sơn (Hòa Bình) lập biên bản nhưng chưa xử lý triệt để- Ảnh 1.

Khu vực có tên "Khu sinh thái Nhà tôi" có địa chỉ tại xóm Ngành, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn.

Theo tài liệu Dân Việt có được, khu vực được phản ánh trên có tên là "Khu sinh thái Nhà tôi" có địa chỉ tại xóm Ngành, xã Liên Sơn, huyện Lương Sơn.

Khu vực trên được xây dựng tại nhiều thửa đất. Trong đó có thửa số 01 có diện tích 2912 m2, tờ bản đồ số 222-ao2, loại đất LNK (loại đất thuộc đất trồng cây lâu năm).

Thửa đất số 02 có diện tích 2944 m2, tờ bản đồ số 222-ao2. Trong đó có 400 m2 đất ở.

Thửa đất số 07 có diện tích 1608 m2, tờ bản đồ số 222-ao2. Trong đó có 400 m2 đất ở, 1208 m2 đất LNK.

Thửa đất số 183 có diện tích 3006 m2, tờ bản đồ số 222-ao2, là đất ao.

Thửa đất số 185a có diện tích 11.450 m2, tờ bản đồ số 222-ao2, loại đất là đất LNK.

Những thửa đất trên được ông N.Đ.C (trú tại Hoài Đức, Hà Nội) nhận chuyển nhượng lại của người dân trên địa bàn.

Lực lượng chức năng đã phát hiện một số sai phạm của khu vực trên và ban hành văn bản số 192/BC - UBND của UBND xã Liên Sơn vào tháng 10/2023.

Theo đó, ngày 13/8/2022, UBND xã Liên Sơn đã tiến hành kiểm tra phát hiện sử dụng đất sai mục đích tại thửa đất tại khu vực thuộc "khu sinh thái".

"Diện tích vi phạm 490m2 (thuộc đất RSX (loại đất rừng sản xuất) - PV), tự ý xây dựng 2 bể chứa nước để phục vụ tưới cây và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 15/BB-VPHC ngày 31/8/2022, yêu cầu trả lại hiện trạng như ban đầu.

Ngày 26/4/2023 UBND xã Liên Sơn tiếp tục kiểm tra lần 2 và phát hiện sử dụng đất sai mục đích tại thửa số 01, diện tích 2912 m2 đất CLN. Diện tích vi phạm là 1500m2, tự ý xây dựng nhà tạm bằng khung sắt, mái lợp bằng tấm nilon trắng khi chưa được cơ quan thẩm quyền cho phép và tiến hành lập biên bản vi phạm hành chính số 07/BB-VPHC ngày 26/4/2023 và quyết định xử phạt VPHC số 08/QĐ-XPVPHC. Đồng thời yêu cầu tháo dỡ công trình trên", văn bản nêu.

Công trình trái phép trên đất rừng, đất nông nghiệp tại Lương Sơn (Hòa Bình) lập biên bản nhưng chưa xử lý triệt để- Ảnh 2.

Theo biên bản, 2 bể nước phục vụ tưới cây, thế nhưng theo ghi nhận, một phần diện tích được dùng làm bể bơi với mục đích kinh doanh.

Chưa dừng lại, theo đó, ngày 25/10/2023 UBND xã Liên Sơn đã thành lập tổ công tác phát hiện hộ ông N.Đ.C đang xây dựng 1 nhà hình vòm, có diện tích thiết kế là 400m2. Qua kiểm tra hồ sơ và các tài liệu liên quan, hộ chưa cung cấp được giấy phép xây dựng. UBND xã Liên Sơn đã yêu cầu hộ gia đình ông Chí tạm dừng việc xây dựng và chờ khi nào có giấy phép xây dựng mới được thi công.

Theo ghi nhận của phóng viên Dân Việt, khu vực có tên "Khu sinh thái Nhà tôi" được xây dựng trên một diện tích lớn. Phía trên đồi, nơi là khu vực rừng sản xuất, xuất hiện 2 bể nước.

Theo thông tin đây là bể chứa nước, thế nhưng có một bể được sử dụng vào mục đích du lịch, sinh thái, là nơi để người dân bơi và chụp ảnh.

Khu vực này hiện vẫn chưa trả lại hiện trạng như yêu cầu của văn bản nêu trên. Bên cạnh đó, khu vực đất nông nghiệp dựng nhà tạm vừa tháo dỡ được một phần.

Trao đổi với phóng viên Dân Việt, ông Bùi Viết Thường - Chủ tịch UBND xã Liên Sơn khẳng định, đất rừng và đất nông nghiệp là không được xây dựng, cũng như không được dùng để kinh doanh dịch vụ trên khu vực này.

"Bể chứa nước nhưng họ kinh doanh, làm bể bơi là không được. Chúng tôi đang cho kiểm tra và xử lý. Xong sẽ thông tin với quý báo.

"Nếu làm khu du lịch thì phải đăng kí với cơ quan chức năng, sẽ được hướng dẫn. Diện tích đất nông nghiệp xây dựng sai cũng phải tháo dỡ, sau đó làm thủ tục chuyển mục đích sử dụng. Nếu cơ quan cấp trên đồng ý, cấp phép mới được làm", vị lãnh đạo xã nói.

Sau khi phóng viên liên hệ với UBND xã Liên Sơn, một người tên là Đ - tự nhận là chủ khu vực sinh thái trên đã liên hệ qua điện thoại.

Ông Đ cho biết, về công tác xây dựng, sử dụng đất, đơn vị đang phối hợp với xã, huyện và tỉnh làm hồ sơ thủ tục để chuyển đổi, nhưng hiện tại chưa được cấp.

PV đã trao đổi thông tin với lãnh đạo Phòng TNMT huyện Lương Sơn, vị này cho biết sẽ kiểm tra và thông tin lại. 

Được biết, huyện Lương Sơn (Hòa Bình) tiếp giáp Hà Nội có nhiều vị trí đất đẹp được các nhà đầu tư "săn đón" mua bán, chuyển nhượng đất để làm trang trại, nghỉ dưỡng. Tuy nhiên, xuất hiện những trường hợp vi phạm trật tự xây dựng, sử dụng, chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp, lâm nghiệp, ... chưa đúng quy định cần được cơ quan chức năng địa phương vào cuộc xử lý triệt để. 

Báo điện tử Dân Việt sẽ tiếp tục thông tin về việc này.

Liên quan đến vấn đề này, luật sư Nguyễn Trọng Nghĩa - Đoàn LS TP Hà Nội khẳng định, xây dựng công trình trên đất rừng sản xuất và đất nông nghiệp là trái quy định pháp luật.

Muốn xây dựng trên đất rừng sản xuất thì cần phải chuyển đổi mục đích sử dụng đất, và cần phải có sự chấp thuận của cơ quan có thẩm quyền. Việc này quy định rõ tại điểm c khoản 1 Điều 57 Luật Đất đai 2013.

Mức phạt xây dựng trái phép trên đất rừng sản xuất được quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều 10 Nghị định 91/2019/NĐ-CP.

Với diện tích dưới 0,5ha, người vi phạm sẽ bị phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng, đồng thời buộc phải khôi phục lại tình trạng ban đầu của đất trước khi vi phạm và nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm (nếu có).

Bên cạnh đó, việc xây dựng công trình trên đất nông nghiệp cũng không được phép và sẽ bị xử phạt theo Nghị định 91/2019/NĐ-CP với mức phạt có thể lên tới 200 triệu đồng nếu ở khu vực nông thôn và 400 triệu đồng ở khu vực thành thị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem