Trắng tay
Chị Lê Thị Hồng (Lương Sơn, Hòa Bình) lấy chồng được 10 năm. Bố mẹ chị cho chị một khoản hồi môn kha khá. Bố mẹ chồng chuyển về quê sinh sống nên vợ chồng chị bỏ 200 triệu đồng mua lại mảnh đất của ông bà, làm trang trại. Hai vợ chồng còn dựng một ngôi nhà khang trang để sinh sống. Nói là tiền của hai vợ chồng, nhưng có đến 90% là vốn liếng hồi môn của chị.
Vì tin tưởng "người nhà" nên chị không lấy giấy biên nhận khi giao tiền cho bố mẹ chồng, cũng chưa kịp sang tên Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (sổ đỏ). Ba năm sau, bố mẹ chồng chị lại lên Lương Sơn. Chị bỏ thêm 15 triệu đồng để cất cho bố mẹ chồng gian nhà nhỏ để 2 người sống trên chính mảnh đất ông bà đã bán lại cho vợ chồng chị.
Năm 2009, chồng nghiện nặng, chị Hồng xin ly hôn. Chị tưởng tài sản mà chị gây dựng bấy lâu nay sẽ được chia đôi. Nhưng đất vẫn đứng tên bố mẹ chồng, giao dịch mua bán vật liệu xây nhà đều đứng tên em chồng, chị không có bằng chứng nào là đã bỏ tiền ra mua đất, xây nhà. Bố chồng chị khăng khăng "đất này là của tôi". Chồng chị Hồng cũng trở mặt "tôi ở với bố mẹ tôi".
Chị Nguyễn Bích Thúy (Đống Đa, Hà Nội) khi ly hôn cũng khóc ròng. Hai vợ chồng làm ra tiền đều mua bất động sản. Mỗi lần mua, chồng chị Thúy là người đi giao dịch, làm “sổ đỏ” đứng tên mình. Có những lúc cao điểm, vợ chồng chị mua được 5 cái nhà nhưng chị không quan tâm giấy tờ đứng tên ai mà đưa cả cho chồng giữ.
Khi chị phát hiện chồng có bồ, phải tính đến chuyện ly hôn, sờ đến giấy tờ nhà thì không còn cái nào. Chồng chị đã bán hết những căn nhà anh ta mua và nói làm ăn thua lỗ cả. Anh ta còn chìa vào mặt chị một xấp những tờ vay nợ của chị gái, em trai và thách chị kiện ra tòa.
Có Luật vẫn nhầm
Việc cấp “sổ đỏ” chỉ ghi một tên rất dễ gây hiểu lầm, vô tình tước đi quyền tiếp cận tài sản của phụ nữ. Chính vì không thực sự được thể hiện rõ quyền của mình, đã làm cho người phụ nữ luôn ở vị thế phụ thuộc, từ đó không thể phát huy khả năng của mình trong gia đình và xã hội. Luật sư Đào Ngọc Chuyền
Luật Đất đai năm 2003 quy định: "Trường hợp quyền sử dụng đất là tài sản chung của vợ chồng thì giấy chứng nhận quyền sử dụng đất phải ghi cả họ tên vợ và họ tên chồng". Tuy nhiên, trên thực tế, đa số phụ nữ vẫn chưa được đứng tên trong “sổ đỏ”.
"90% đất đã được cấp “sổ đỏ” và đa số đàn ông đứng tên sổ đỏ" - Báo cáo khảo sát quyền tiếp cận đất của phụ nữ nhìn từ thực trạng cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của Action Aid Việt Nam tại một số tỉnh khu vực miền núi phía Bắc, cho biết.
Đa số những người được phỏng vấn (cả vợ và chồng) đều cho biết chưa biết có “sổ đỏ” 2 tên. Rất nhiều phụ nữ ngỡ ngàng: "Cứ tưởng chỉ có chồng - chủ hộ mới được đứng tên trong sổ đất nên không dám hỏi".
Tâm lý "của chồng công vợ”, hơn nữa khi đó hai vợ chồng yêu thương nên chị em không băn khoăn về việc mình có đứng tên trong sổ đỏ hay không. Trong khi đó, nếu mang “sổ đỏ” ra ngân hàng vay tiền để kinh doanh, dù không đứng tên trong “sổ đỏ” thì người vợ vẫn phải ký vào văn bản vay vốn với tư cách là thừa kế, chịu rủi ro trong kinh doanh cùng chồng. Hoặc người vợ có muốn vay tiền để kinh doanh độc lập cũng không được vì “sổ đỏ” chỉ mang tên chồng.
Luật sư Đào Ngọc Chuyền - Văn phòng Luật sư Đào và đồng nghiệp (Hà Nội) cho biết, rất nhiều người ngạc nhiên khi được tư vấn cần phải có người vợ tham gia việc ký hợp đồng. Có người thắc mắc: "Trên “sổ đỏ” chỉ ghi mỗi tên tôi, sao vợ tôi lại có quyền ở đây?", hay chị em cũng bất ngờ: "Chỉ cần chồng em đứng ra thôi chứ, “sổ đỏ” ghi mỗi tên chồng, em cứ tưởng mình ông ấy có thể làm tất".
Nhiều ông chồng khi đi làm thủ tục mua nhà chỉ khăng khăng muốn đưa mỗi tên mình vào “sổ đỏ”, không tạo điều kiện cho vợ được cùng ghi tên. Họ suy nghĩ rất đơn giản rằng, trên giấy tờ chỉ ghi một tên thì chỉ mình người chồng có quyền.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.