Kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên dồn vào các DN sản xuất nông, lâm ngư nghiệp và người dân khu vực nông thôn - nơi tạo ra nhiều việc làm và đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn.
Trong bối cảnh chỉ số giá tiêu dùng tháng 2.2014 tăng 0,55% - thấp nhất trong 10 năm trở lại đây, nhiều ý kiến đã đề xuất cần có gói kích cầu đầu tư, tiêu dùng ngay trong năm 2014 này để vực dậy sức mua giúp tiêu thụ hàng hóa, hỗ trợ doanh nghiệp.
Chuyên gia kinh tế Vũ Đình Ánh: Dồn cho các doanh nghiệp nông, lâm nghiệp
Kích cầu đầu tư và tiêu dùng nên dồn vào các doanh nghiệp sản xuất nông, lâm ngư nghiệp và người dân khu vực nông thôn - nơi tạo ra nhiều việc làm cho người lao động và đây cũng là thị trường tiêu thụ lớn. Người dân sống ở nông thôn đang chiếm khoảng 70% dân số và vấn đề đầu ra cho sản phẩm, bao gồm cả thị trường và giá là cái mà họ đang "tắc".
Đang có một khoảng cách rất lớn giữa giá mà người nông dân bán ra và giá bán mặt hàng đó trên thị trường, đến tay người tiêu dùng. Tầng lớp trung gian thu được khá nhiều. Nếu xử lý được vấn đề này sẽ tăng thu nhập thực được cho nông dân và như thế rõ ràng sẽ tạo ra một thị trường nội địa lớn.
Nếu thị trường thành thị tăng 10% thì thị trường nông thôn chỉ cần tăng một nửa số đó cũng đã tạo ra quy mô thị trường khổng lồ cho tiêu dùng nội địa.
Chuyên gia kinh tế Võ Trí Thành -Phó viện trưởng Viện quản lý kinh tế T.Ư:Đảm bảo 3 mục tiêu
Chúng ta đã có nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, hỗ trợ thị trường kích thích tiêu dùng, giải quyết nợ xấu, nhưng triển khai thực hiện còn quá chậm chạp, như vậy sẽ cản trở nhiều nếu tung ra một gói kích cầu nào đó.
Theo tôi, muốn kích cầu để nâng tổng cầu lên trong bối cảnh hiện nay thì phải bảo đảm 3 mục tiêu: Ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát được rủi ro nợ công và đầu tư phải hiệu quả.
Hiện nay nợ xấu còn đó; đầu tư vào thị trường và niềm tin vào thị trường chưa cao; tốc độ tăng tiêu dùng giảm, các thị trường xuất khẩu gặp khó khăn nên tổng cầu giảm mạnh. Các DN vẫn đang không có hoặc ít có cơ hội kinh doanh nên chăng chúng ta cần tập trung tháo gỡ để cải thiện những vấn đề này thì kích cầu (nếu có) mới mang lại hiệu quả.
Chuyên gia kinh tế Phạm Tất Thắng:Trọng tâm nên là nông nghiệp,nông thôn
Nếu có kích cầu hiện nay, tôi cho rằng, kích cầu phải có trọng tâm, trọng điểm, hiệu quả. Các lĩnh vực trọng tâm cần ưu tiên kích cầu là những lĩnh vực có độ lan tỏa nhanh và lĩnh vực sử dụng nhiều lao động, ngành và vùng nghèo, yếu thế, luôn gặp khó khăn vì thiếu vốn nhưng nhiều tiềm năng phát triển. Với tiêu chí này, trọng tâm ưu tiên kích cầu hiện nay tôi cho là khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản, khu vực kinh tế tư nhân, các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Tăng cường và ưu tiên kích cầu cho nông nghiệp và kinh tế - xã hội nông thôn; cần ưu tiên cả đầu tư trực tiếp và đầu tư gián tiếp thông qua hỗ trợ lãi suất tín dụng.
Khu vực nông thôn, nông nghiệp, thủy sản chiếm hơn 70% dân số và lao động xã hội nên nếu được ưu tiên đầu tư thỏa đáng sẽ có bước phát triển mới, không chỉ tăng nhanh nông sản hàng hóa phục vụ tiêu dùng trong nước, xuất khẩu, tăng giá trị GDP bù đắp phần nào cho sự giảm sút từ công nghiệp và dịch vụ, mà còn tạo thêm chỗ làm mới để thu hút lao động thất nghiệp (hàng trăm nghìn người) từ thành phố, từ các khu công nghiệp trở về nông thôn làm việc. Hiệu quả của gói kích cầu của Chính phủ phải đến được từng người dân. Kích cầu được triển khai đồng bộ trên cả 2 góc độ sản xuất và tiêu dùng. Sản xuất và dịch vụ làm tăng cung sản phẩm, còn tiêu dùng của người dân và Nhà nước tăng cầu hàng hóa và dịch vụ.
Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:Cải cách các doanh nghiệp nhà nước
Năm nay sự hồi phục kinh tế còn hết sức mong manh, chưa bền vững và không nên quá lạc quan về sự hồi phục này. Ở nông thôn, thu nhập của nông dân vấn tiếp tục giảm sút nên sức mua của nông dân hết sức hạn chế. Ở các thành phố, lực lượng lao động thất nghiệp gia tăng do số doanh nghiệp (DN) phá sản và cắt giảm biên chế lớn. Nhiều DN cắt giảm lương công nhân viên để duy trì hoạt động nên thu nhập giảm mạnh. Trong khi đó, các mặt hàng thiết yếu chỉ tăng giá mà không hề giảm hoặc tăng nhiều giảm ít, ảnh hưởng lớn đến cuộc sống người dân, nhất là người lao động có thu nhập thấp. Nền kinh tế đang ở trạng thái mà cả đầu tư và tiêu dùng cá nhân đang tiếp tục bị thu hẹp. Hậu quả là làm nguồn cầu hạ thấp, DN lâm vào khó khăn do hàng hóa tồn kho lớn…
Do vậy, để có thể kích cầu thì cần phải thực hiện mạnh mẽ trước hết các cải cách, đặc biệt là đầu tư công và cải cách DNNN. Nếu như đẩy mạnh tái cấu trúc đầu tư công và tái cấu trúc DNNN thì tình hình ngân sách sẽ bớt khó khăn, khả năng đầu tư của Nhà nước cũng lớn hơn, nhiều DN được tháo gỡ khó khăn, phát triển sản xuất. Đi liền với sự hồi phục của DN là tạo nhiều việc làm, giảm thất nghiệp cũng như cải thiện thu nhập. Như vậy, cầu trong xã hội có thể tăng đáng kể.
Mai Hương (thực hiện) (Mai Hương (thực hiện))
Vui lòng nhập nội dung bình luận.