Thuở thiếu thời, cụ Kinh được chứng kiến nhiều vị quan trong triều uống trà cùng nhau, nên đã sớm tích lũy kinh nghiệm uống trà và có niềm đam mê lưu giữ những cổ vật quý hiếm.
Lên 4 tuổi, cụ Kinh đã được ông ngoại (là quan Tham tri Bộ Lễ dưới thời vua Khải Định) đưa vào Tham tri Bộ Lễ đường cho sống cùng. Cứ mỗi buổi sáng, quan Tham tri Bộ Lễ có thói quen dậy sớm thưởng trà cho minh mẫn trước khi vào triều chầu vua.
Thừa hưởng gia bảo của ông ngoại để lại, đến nay cụ Kinh đang sở hữu nhiều cổ vật quý hiếm “có một không hai”. Theo cụ Kinh cho biết, độc đáo nhất phải kể đến chiếc ấm đất nung đề hiệu Mạnh Thần cùng dòng chữ “Hà hoa mãn trì đường” (Hoa sen mọc đầy bờ ao), với tuổi đời không dưới 500 năm.
Chiếc ấm “Mạnh Thần” dùng để pha trà sen, có màu nâu đỏ, hình chum nhỏ nhắn, nằm gọn trong lòng bàn tay. Kiểu ấm này từng xuất hiện trong “Vang bóng một thời” của nhà văn Nguyễn Tuân: “Thứ nhất Thế Đức gan gà, thứ nhì Lưu Bội, thứ ba Mạnh Thần”, thì Mạnh Thần xếp thứ ba trong “tam đại lão gia” đồ trà nổi tiếng xưa nay.
Chiếc ấm trà “Mạnh Thần”.
Những chiếc ấm thông thường thì phần quai và vòi thường cao hơn miệng ấm, còn với ấm trà Mạnh Thần mà cụ Kinh đang sở hữu thì khác hẳn. Để úp trên mặt bàn thì quai, miệng và vòi ấm cùng nằm trên một mặt phẳng, đây chính là đặc điểm riêng biệt, độc đáo và hiếm có ở bất cứ nơi đâu.
Ngoài ấm ra, cụ Kinh còn lưu giữ bộ chén “nhất tống tứ quân” gồm một chén lớn và ba chén nhỏ dùng trà cổ xưa. Một hũ đựng trà. Một bình hoa nhỏ có đế gỗ. Một độc lư xông trầm. Một chiếc đũa ngà voi. Hai khay gỗ nhỏ nhắn, một khay bằng gỗ trắc, một khay bằng gỗ mun… Tất cả những thứ đó nếu xâu chuỗi lại sẽ hợp thành một bộ ấm chén uống trà đầy đủ theo phong cách thưởng trà ở đất thần kinh xưa.
Bộ ấm chén đất nung “Mạnh Thần” mà cụ Kinh đang lưu giữ.
Cụ Kinh kể: Do nhiều năm được sống bên cạnh các quan lại của triều đình, nên đã chú ý và hiểu cách thức của người xưa thể hiện sự thanh tao, trân quý nhau cũng như sự giận dữ với người đối diện bằng tách trà - thứ mà họ thường dùng để kết giao bạn hữu trong đời sống thường nhật. “Những khi bàn cãi, không bằng lòng nhau về việc gì đó, các cụ thường có hành động dừng uống, cầm chén trà đổ ngay vào ống nhổ như để tỏ thái độ phản đối với người đang đối thoại”, cụ Kinh cho biết.
Không chỉ là chủ nhân của bộ đồ trà vô giá, cụ hiện còn sở hữu một cây “Kim chi ngọc diệp” (cành vàng lá ngọc) còn nguyên vẹn. Trên cây được bố trí nào là cẩm thạch, hột xoàn, lá ngọc bích, mã não nhiều màu sắc… được xâu chuỗi và gắn lên bằng một sợi chỉ vàng mười thành những cành lá, hoa, quả nằm so le, chi chít trên cây. Dưới gốc cây cũng toàn là lá ngọc đủ màu sắc nằm xen lẫn với lớp đá cuội nõn nà, trắng tinh. Cành vàng lá ngọc tượng trưng cho sự giàu sang, thanh cao, quý phái, đài các của lối sống vương giả trong chốn cung đình phong kiến xưa. Được biết hiện ở Thừa Thiên - Huế chỉ có ba cây (2 cây ở bảo tàng lịch sử-cách mạng tỉnh đang trưng bày và 1 cây của cụ Kinh, bảo vật do vua Khải Định ban tặng cho ông ngoại của cụ).
Nghệ nhân L.V.Kinh cũng đang sở hữu một cổ vật quý hiếm khác mà mức độ “độc”, hiếm không phải loại vừa, nếu không muốn nói là tầm cỡ cả nước, đó là chiếc ấm trà đề hiệu Tuyên Đức đường, hình quả quýt, bằng đất nung…, được sản xuất đời Minh thế kỷ 14. Nét độc đáo của ấm trà này là có quai bằng đồng được gắn vào thân bằng gốm, mà mãi cho đến nay vẫn chưa có sự lí giải khoa học, thỏa đáng về cách gắn để thuyết phục người nghe. Vì thực tế cho thấy, độ nung của gốm và độ nóng chảy của đồng cách nhau cả ngàn độ. Điều này đã thực sự gây hấp dẫn, thu hút sự chú ý của không ít du khách gần xa khi đến nhà cụ để chiêm ngưỡng cái cổ vật quý hiếm này.
Đã có nhiều người săn cổ vật ở trong và ngoài tỉnh tìm đến nhà cụ đòi mua độc lư “Tam khí” cũng như các “đồ cũ” khác với giá cao hấp dẫn nhưng cụ nhất định không bán. “Đây là đồ gia bảo được lưu giữ qua nhiều đời, nên sau này tôi sẽ để lại cho con trai. Tuy nhiên, nếu các nhà nghiên cứu hay những ai đam mê cổ vật muốn đến tìm hiểu, chiêm ngưỡng tôi sẵn sàng tiếp đón và giúp họ hiểu hơn về nguồn gốc, giá trị lịch sử-văn hóa-khoa học của những cổ vật này”, cụ Kinh tâm sự.
>> XEM TIẾP: Tận mắt ngắm cổ vật "độc nhất vô nhị" của cụ ông “U90”
Vui lòng nhập nội dung bình luận.