Cúm virus Corona gây suy thận

Thứ tư, ngày 28/11/2012 07:39 AM (GMT+7)
(Dân Việt) - Tổ chức Y tế thế giới vừa thông báo vừa phát hiện thêm 4 trường hợp nhiễm virus Corona (COV - hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính có suy thận), trong đó có 1 trường hợp tử vong.
Bình luận 0

Như vậy tới nay, tổng số người mắc bệnh này đã bị nâng lên 6 người.

Theo Giáo sư – tiến sĩ Lê Đăng Hà (nguyên Viện trưởng Bệnh viện Nhiệt đới T.Ư) – người có công lớn trong việc ngăn chặn dịch SARS tại Việt Nam cho biết, COV đường hô hấp ở người gây nên bệnh cảm lạnh. Hầu hết COV đường hô hấp có các kháng nguyên khác nhau. Khi làm lây nhiễm cho người đều có các triệu chứng giống nhau. Những triệu chứng chủ yếu do COV đường hô hấp ở người gây bệnh cảm lạnh gồm: Sổ mũi, nhức đầu, mệt mỏi, sốt, rét run, đau họng và ho. Bệnh kéo dài trung bình từ 3- 7 ngày, một số người bệnh không sốt.

img
Nhiều người hoang mang trước thông tin phát hiện loại virus mới giống SARS, dịch bệnh hoành hành gần 10 năm về trước khiến gần 800 người khắp thế giới tử vong.

Tuy nhiên, virus gây dịch SARS năm 2003 là COV biến chủng. SARS gây viêm phổi cấp tính, tỷ lệ tử vong cao. SARS đã làm khoảng 8.000 người mắc và cướp đi mạng sống của gần 800 người khắp thế giới. SARS cũng gây lây lan rất nhanh chủ yếu qua đường hô hấp nên dịch đặc biệt nguy hiểm.

Chính vì thế, theo Giáo sư Hà, khi COV đã có biến chủng mới với các triệu chứng viêm đường hô hấp cấp dẫn đến suy thận thì vô cùng nguy hiểm, cần phải cảnh giác. “Suy thận sẽ dẫn đến tử vong rất nhanh, vì thế người bệnh cần phải được cấp cứu kịp thời và điều trị đúng bệnh” – Giáo sư Hà cho biết. Đồng thời cần phải cảnh giác cao với việc lây truyền của bệnh cúm mới này.

Trước thông tin về bệnh cúm mới, Cục Y tế dự phòng đã có thông cáo chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường công tác kiểm dịch y tế biên giới; giám sát chặt chẽ các trường hợp mắc hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng. Đồng thời, khuyến cáo người dân thực hiện tốt vệ sinh cá nhân, phòng ngừa các bệnh cúm mùa đông, khi có biểu hiện sốt, ho, đau họng thì phải đeo khẩu trang và đến cơ sở y tế để được khám và điều trị kịp thời.

Theo Giáo sư Lê Đăng Hà, thời tiết nóng ẩm, mưa nhiều, nhiệt độ thất thường, vệ sinh ăn uống không tốt, khí hậu ô nhiễm, điều kiện sống còn thấp, lười luyện tập sức khỏe, ít đầu tư vào y tế dự phòng chính là những nguy cơ khiến người Việt Nam ngày càng dễ nhiễm các bệnh nhiệt đới hơn.

“Ký sinh trùng, các virus, vi khuẩn sinh sôi trong các điều kiện thời tiết nóng ẩm, môi trường ô nhiễm, người dân lại có các thói quen ăn uống mất vệ sinh, ăn tiết canh, ăn sống, ăn thức ăn đường phố… chính là nguồn lây bệnh của vi khuẩn đường ruột, bệnh liên cầu lợn, cúm H1N1 hay H5N1, giun, sán…”- ông Hà cho biết.

Đây cũng là những lý do khiến cho các virus biến đổi thành các chủng mới, nguy hiểm hơn và xuất hiện các “bệnh lạ” mà y tế chưa thể tìm ra căn nguyên gây bệnh.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem