Cung ứng nông sản Tết: Đảm bảo đủ 5 mặt hàng thiết yếu

Thanh Xuân Thứ sáu, ngày 23/01/2015 15:08 PM (GMT+7)
Hôm qua (22.1), hai Bộ NNPTNT và Công Thương đã có buổi làm việc về tình hình cung ứng thực phẩm phục vụ Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015. Theo khẳng định của lãnh đạo hai bộ, các mặt hàng nông sản thiết yếu phục vụ tết sẽ đảm bảo đủ về lượng và cân đối cung- cầu.
Bình luận 0

Không lo thiếu thịt

Ông Võ Thành Đô - Phó Cục trưởng Cục Chế biến, thương mại nông lâm thuỷ sản và nghề muối (Bộ NNPTNT) cho biết, theo số liệu báo cáo từ các địa phương, đến thời điểm này 5 mặt hàng thiết yếu là gạo, thịt, rau, đường, muối đều dồi dào, thậm chí còn dư thừa để cung ứng cho thị trường trong dịp tết. Cụ thể, đối với lúa, sản lượng đã tăng tới 1 triệu tấn (đạt 45 triệu tấn) so với năm 2014. Như vậy, sau khi trừ nhu cầu tiêu dùng trong nước (27,8 triệu tấn), lượng lúa hàng hoá cả năm khoảng 17 triệu tấn - tương đương khoảng 8,5 triệu tấn gạo. “Theo dự báo của các đơn vị, trong thời gian tới, do nguồn cung trong nước sẽ được bổ sung từ vụ thu hoạch mới (khoảng hơn 1,5 triệu tấn trong tháng 1 và 2.2015), trong khi nhu cầu xuất khẩu chưa có dấu hiệu khả quan nên giá lúa gạo ổn định, trừ một số loại gạo chất lượng cao và gạo nếp có thể tăng giá nhẹ do nhu cầu tiêu dùng cao trong dịp Tết Nguyên đán” - ông Đô nói.

img
Theo Cục Chăn nuôi, nguồn cung thịt các loại đảm bảo phục vụ nhu cầu tiêu dùng dịp tết. (Ảnh chụp tại phố Hàng Bè, Hà Nội). Ảnh: Đàm Duy
Đối với mặt hàng thịt, theo đại diện của Cục Chăn nuôi, năm 2014 ngành chăn nuôi khởi sắc, sản lượng các sản phẩm chính đều tăng. Ước cả năm, tổng sản lượng thịt hơi các loại đạt 4,47 triệu tấn, tăng 2,7%. Sản lượng trứng và sữa tươi tăng lần lượt là 3,8% và 15,6%. Theo dự báo của Cục Chăn nuôi, trong tháng 1 và tháng 2 là vào thời điểm Tết Nguyên đán, nhu cầu sử dụng thực phẩm như thịt trâu, bò, trứng, sữa tươi đều tăng khoảng 20% so với thông thường. Tuy nhiên, do đã có sự chuẩn bị nguồn cung từ trước nên hoàn toàn có thể đáp ứng cho nhu cầu của thị trường.

Hiện tại, giá thịt lợn hơi ở mức 48.000- 50.000 đồng/kg, gà ta phổ biến ở mức 110.000 - 120.000 đồng/kg; thịt bò loại I ở mức 240.000 -260.00 đồng/kg. Ông Tống Xuân Chinh – Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi cho biết: “Do nhu cầu tiêu dùng trong thời gian tới sẽ tăng để phục vụ cho dịp tết, nên giá các loại thực phẩm sẽ có xu hướng tăng nhẹ. Tuy nhiên, giá nhiều sản phẩm chăn nuôi đang có lợi cho người sản xuất, nguồn cung bảo đảm”.

Riêng đối với mặt hàng rau xanh, củ quả, theo đại diện Cục Trồng trọt, năm 2014 diện tích sản xuất rau khoảng 881.000ha, tăng 32.800ha so với năm 2013. Tổng sản lượng rau cả nước ước đạt 15,4 triệu tấn, tăng 796.000 tấn so với năm 2013. Trong đó, miền Bắc đạt 6,4 triệu tấn và miền Nam đạt 9 triệu tấn. Theo nhận định của Cục Trồng trọt, thời gian qua, do thời tiết lạnh nên nhìn chung giá các loại rau ở mức trung bình khá: Su hào tại ruộng 2.500 – 3.000 đồng/củ; bắp cải 5.000 đồng/kg; cà chua 8.000-9.000 đồng/kg…. Với thời tiết như hiện nay, lượng rau xanh cung ứng dịp tết cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu.

Chú ý công tác bình ổn giá

Quan điểm

Thứ trưởng Vũ Văn Tám
  Thời điểm cận tết này điều kiện thời tiết thuận lợi cho dịch bệnh bùng phát, cần có phương án sẵn sàng phòng chống dịch bệnh. Mặt khác, cung cầu về lượng tuy không thiếu nhưng chất lượng cần được kiểm soát, nhất là các mặt hàng thực phẩm nhập khẩu như rau, củ, quả, thịt bò…”.  
Tại cuộc họp, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải cho biết, công tác bình ổn giá là rất quan trọng trong dịp tết, nên ở các thành phố có nhu cầu lương thực, thực phẩm lớn, ngành công thương đã chỉ đạo triển khai các biện pháp bình ổn giá quyết liệt. Cụ thể, TP.Hà Nội đến thời điểm này đã tạm ứng 276 tỷ đồng với lãi suất 0% cho doanh nghiệp đưa hàng vào chương trình bình ổn giá. Dự kiến tổng giá trị hàng hoá phục vụ tết khoảng 16.000 tỷ đồng, tập trung vào các mặt hàng thiết yếu và có nhu cầu cao trong dịp tết. Ngoài ra, các doanh nghiệp cũng sẽ thực hiện khoảng hơn 100 chuyến bán hàng lưu động về vùng sâu, vùng xa, khu công nghiệp; triển khai trên 600 điểm bán hàng cố định, 1.600 điểm bán hàng lưu động bình ổn giá trong dịp Tết Nguyên đán.

 

Ông Hải cũng cho biết, đối với TP.Hồ Chí Minh, chương trình dự trữ hàng hoá bình ổn giá cũng được thực hiện rất tốt. Hiện tại, đã kết nối được 72 doanh nghiệp với 8.300 tỷ đồng tiền vốn. Riêng chương trình bình ổn lương thực thực phẩm dịp tết đã xây dựng được 3.600 điểm bán hàng. “Những mặt hàng thiết yếu như bánh kẹo, nước giải khát nhu cầu tăng từ 5-20% tuỳ mặt hàng nhưng do có sự chuẩn bị trước nên đến thời điểm này đều dồi dào, đủ cung ứng cho thị trường” - ông Hải khẳng định.

Trong khi đó, theo khẳng định của Thứ trưởng Bộ NNPTNT Vũ Văn Tám, sản xuất nông nghiệp năm 2014 thắng lợi cả lượng và giá, nhìn chung bà con nông dân được mùa, được giá ở mọi lĩnh vực. Cung cầu 5 mặt hàng thiết yếu rất yên tâm về lượng, nhưng vấn đề kiểm soát dịch bệnh và chất lượng hàng hoá dịp tết cần được triển khai quyết liệt, không thể chủ quan.



Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem