Cùng xã với ông Truyền là hàng trăm hộ nghèo, cận nghèo

Huỳnh Xây Thứ năm, ngày 27/11/2014 06:47 AM (GMT+7)
Mấy ngày qua, vấn đề thời sự được người dân tỉnh Bến Tre đặc biệt quan tâm và bàn tán xôn xao xoay quanh ngôi biệt thự xa hoa của gia đình ông Trần Văn Truyền - nguyên Tổng Thanh tra Chính phủ - vừa bị phanh phui.
Bình luận 0

Theo người dân ấp 3, xã Sơn Đông, TP.Bến Tre, kết luận của Ủy ban Kiểm tra T.Ư khẳng định việc gia đình ông Trần Văn Truyền xây biệt thự xa hoa, phản cảm là hết sức xác đáng. Trái ngược với ngôi biệt thự hoành tráng, to đẹp này, ở xã Sơn Đông hiện vẫn còn 170 hộ nghèo, cận nghèo đang sống.

Cụ thể, bà Lê Thị Ngọc Dung- cán bộ phụ trách lĩnh vực lao động - thương binh và xã hội thuộc UBND xã Sơn Đông cho biết: Hiện nay trên địa bàn xã còn 72 hộ nghèo, (chiếm khoảng 1,9% tổng số hộ dân) và 98 hộ cận nghèo (chiếm khoảng 2,6% tổng số hộ dân).

“Tiền xây mái nhà bằng mấy chục nhà tình thương...”

Ngày 26.11, phóng viên NTNN tìm đến ấp 3, xã Sơn Đông để mục sở thị ngôi biệt thự “khủng” trị giá hàng chục tỷ đồng của gia đình ông Truyền.

img

Ngôi nhà xập xệ của người dân nằm cạnh ngôi biệt thự gia đình ông Truyền. Ảnh: Huỳnh Xây

Theo ghi nhận của chúng tôi, trước ngôi biệt thự là một con đường lớn, người dân nếu có dịp một lần qua đây đều phải dừng lại để ngắm nhìn mức độ xa hoa, lộng lẫy, vẻ uy nghi, bề thế của nó. Theo người dân địa phương, suốt mấy ngày qua, sau khi dư luận báo chí thông tin về những sai phạm liên quan đến chính sách đất, nhà ở của ông Truyền thì cổng rào của ngôi biệt thự lúc nào cũng “cửa đóng then cài”.

“Mấy anh thấy đó, tiền xây cái mái nhà cũng bằng xây hàng chục cái nhà tình thương, tình nghĩa. Một số đoạn của hàng rào xung quanh biệt thự cũng được gắn một lớp đá hoa cương dày và nhiều loại đá mắc tiền khác, nhìn trông lóa mắt” – ông Trần Đại N, người dân ở xã Sơn Đông nói. 

Đối lập với căn biệt thự khủng của gia đình ông Truyền là một ngôi nhà lá xập xệ, cũ kỹ. Chị Huỳnh Thị Dung - chủ căn nhà, cho biết: “Gia đình tôi nghèo khó lắm, lúc trước ở Long An rồi về đây mượn đất để dựng nhà tạm cùng các con đi làm thuê, kiếm sống qua ngày”.

Ông Trần Văn Dũng - một cựu chiến binh ở phường 3 thông tin: “Gần đây, người dân chúng tôi rất quan tâm đến vấn đề tài sản của ông Truyền. Nhiều người bất bình vì cán bộ cao cấp về hưu có biệt thự lớn trong khi người dân xung quanh thì nghèo, đời sống còn nhiều khó khăn. Chúng tôi rất mừng khi nghe thông tin Ủy ban Kiểm tra T.Ư đã có kết luận kiểm tra đối với nhà đất của ông Truyền”.

Cần xử lý nghiêm

Để tìm hiểu rõ hơn thông tin về ông Truyền, chúng tôi đến gặp ông Nguyễn Khắc Hải - Bí thư Đảng ủy phường 1 (TP.Bến Tre). Ông Hải cho biết: “Ông Truyền sau khi nghỉ hưu đã chuyển sinh hoạt đảng về khu phố 2 thuộc phường 1. Chúng tôi chưa nhận được công văn hay chỉ thị nào của cấp trên về việc xử lý về mặt đảng đối với ông Truyền, khi có chỉ đạo, chi bộ sẽ làm đúng các bước như góp ý, làm kiểm điểm…”.

Ông Nguyễn Văn Thới - nguyên Bí thư Tỉnh ủy Bến Tre nói: “Bước đầu, các cơ quan chức năng nhà nước cấp cao đã làm rất tốt nhưng tôi mong sẽ làm chi tiết hơn, ví dụ như sai phạm của ông Truyền có vi phạm pháp luật không, đến mức nào và xử lý ra sao. Lúc tôi làm Bí thư Tỉnh ủy thì ông Truyền làm Phó Bí thư. Ông Truyền làm rất tốt công việc của mình. Ai ngờ khi tôi về hưu, dù đã có đất nhưng ông Truyền vẫn tìm mua các khu đất khác. Khi nghe các thông tin về tài sản của ông Truyền, người dân các nơi đều nghĩ đây là do tham nhũng mà có” – ông Thới lập luận.

Còn ông Trần Đông Phong – nguyên Ủy viên Thường vụ Tỉnh ủy Bến Tre, nguyên Phó ban Dân vận T.Ư thì mong rằng: “Ủy ban Kiểm tra T.Ư nên xử lý theo đúng trách nhiệm, xem có tham nhũng không, do đâu mà có nhiều khu đất, nhà ở to lớn như vậy và có biện pháp xử lý theo mức độ sai phạm. Có như vậy mới làm cho người dân tin tưởng vào công bằng của Đảng”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem