Cuộc dạo chơi một mình

Thứ tư, ngày 17/11/2010 15:54 PM (GMT+7)
(Dân Việt) - Trước khi có một Trần Việt Văn của nhiếp ảnh thì đã có một Việt Văn nhà báo với những bài viết sắc sảo về điện ảnh, nhiếp ảnh, cùng những phóng sự luôn luôn mới trước những vấn đề thời sự của xã hội trên tờ báo Lao Động, nơi anh công tác đã ngót 20 năm nay.
Bình luận 0
img
Một tác phẩm của Việt Văn tại triển lãm ảnh Hà Nội - động và tĩnh.

Bởi vậy, Việt Văn cầm máy là lẽ đương nhiên, ống kính của Việt Văn ngay từ những ngày đầu đã có một góc nhìn khác cũng là lẽ đương nhiên.

Khác với tất cả các loại hình nghệ thuật, nhiếp ảnh là sự giác ngộ trong một chớp mắt trước cái dòng chảy vô tận của đời sống. Cái thời khắc đó giá trị đến đâu tùy thuộc vào kinh nghiệm sống, vào kinh nghiệm nghề, vào hành trang văn hóa của người cầm máy đến đó. Ngôn ngữ nhiếp ảnh của chúng ta đôi khi vẫn sa vào ngôn ngữ của hội họa, của thi ca, lúc thì ruộng bậc thang, khi thì cồn cát rồi cả những con chim đậu trên dây điện!

Ống kính của Việt Văn né tránh được những khuôn hình đèm đẹp dễ chịu con mắt người xem. Anh đi thẳng vào đời sống không phải để mô tả có mà để tìm ra mối tương quan giữa thân phận con người với sự vận hành không ngừng nghỉ, không khoan nhượng của xã hội, của trời đất. Đôi khi anh lại muốn tìm lời giải thích cho chính mình về một ý nghĩa đích thực của hạnh phúc trần gian, về lẽ vô thường của kiếp sống. Anh đang trưng bày những bức ảnh của anh tại không gian sáng tạo Trung Nguyên, 54 Điện Biên Phủ, Hà Nội. Triển lãm có tên: “Hà Nội - động và tĩnh”.

Đúng như tên gọi của nó, Việt Văn đã trình bày một Hà Nội sống động, bề bộn, lẫn lộn mới cũ, lẫn lộn tây ta. Một Hà Nội hối hả đấy, lười nhác đấy. Một Hà Nội thực ra ai cũng từng nhìn thấy hôm nay, nhưng dừng lại ở những bức ảnh của Việt Văn lại ngỡ như mình vừa đi đâu xa về, quen, nhưng gắn bó hơn, yêu thương hơn. Trong cái động của số đông có cái tĩnh của tâm khảm.

Có lẽ cũng bởi Việt Văn có cái duyên với Phật giáo nên những bức ảnh chụp chùa chiền, chụp chân dung các vị tu hành đều có một thông điệp riêng. Dưới con mắt của Việt Văn - Đạo và Đời không hề xa cách. Đạo đã đưa cuộc đời trở về sự hồn nhiên bản thể, về niềm vui an bình tự tại giữa chốn xô bồ. Ý nghĩa văn hóa của tác phẩm là ở đó.

Như một người dạo chơi một mình, Việt Văn đã thâu lượm rất nhiều ý tứ trong sự mâu thuẫn hiển nhiên của Hà Nội hôm nay với quá khứ, của những dòng đời đang hối hả bước đến ngày mai. Một cuộc dạo chơi nhiều bao dung.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem