Cuộc di dân lịch sử ở Huế: Dân không muốn chuyển đến chung cư

Trần Hòe Chủ nhật, ngày 27/01/2019 14:23 PM (GMT+7)
Người dân “sống treo” tại các di tích Kinh thành Huế (Thừa Thiên - Huế) không muốn chuyển đến sinh sống ở chung cư mà mong được tỉnh cấp đất tại nơi ở mới để làm nhà.
Bình luận 0

Ngày 27.1, theo thông tin từ UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, Chủ tịch UBND tỉnh Phan Ngọc Thọ vừa có buổi gặp mặt, tặng quà Tết cho những hộ nghèo và cận nghèo sinh sống ở khu vực Thượng Thành thuộc diện di dời trong năm 2019 để thực hiện Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng của khu vực I di tích Kinh thành Huế. 

Theo đó, đã có 52 hộ nghèo và cận nghèo thuộc 4 phường nội thành của TP.Huế (gồm các phường Thuận Lộc, Thuận Hòa, Thuận Thành và Tây Lộc) đang “sống treo” ở khu vực Thượng Thành thuộc diện di dời trong năm 2019 được ông Phan Ngọc Thọ gặp mặt, tặng quà Tết.

Tiếp xúc với người dân, ông Thọ cho biết, đến nay, tất cả thủ tục liên quan đến việc di dời hơn 500 hộ dân tại Thượng Thành trong năm 2019 đã hoàn tất, khu tái định cư đang chuẩn bị triển khai đầu tư hạ tầng kỹ thuật để đưa người dân đến nơi ở mới.

img

Ông Phan Ngọc Thọ thăm người dân sinh sống ở khu vực Thượng Thành thuộc diện di dời trong năm 2019. Ảnh: Cổng thông tin điện tử Thừa Thiên-Huế. 

Trước thông tin từ Chủ tịch UBND tỉnh Thừa Thiên - Huế, các hộ dân bày tỏ sự tin tưởng và ủng hộ chủ trương di dời của tỉnh. Đồng thời, người dân cho biết, họ không muốn chuyển đến sinh sống ở chung cư mà mong được tỉnh cấp đất tại nơi ở mới để làm nhà ở.

Trước nguyện vọng của người dân, ông Phan Ngọc Thọ khẳng định, chủ trương của tỉnh là không để người dân thuộc diện giải tỏa vào sống ở chung cư. Cụ thể, tỉnh sẽ bố trí cho mỗi hộ dân một mảnh đất cùng với một số tiền để người nghèo cũng có thể làm nhà trên đất được bố trí.

"Ra Tết, tôi cùng lãnh đạo các sở, ban, ngành, địa phương sẽ tổ chức một cuộc đối thoại với người dân trong khu vực nhằm thông báo cụ thể về chủ trương, cơ chế, chính sách, điều kiện di dời tới người dân. Đồng thời, lắng nghe nguyện vọng, đề đạt tâm tư nguyện vọng của người dân về nơi ở mới nhằm thực hiện tốt nhất đề án", ông Thọ nói.

img

Ngôi nhà vá chằng vá đụp của một hộ dân sống tại di tích Kinh thành Huế. Ảnh: Trần Hòe

Đề án di dời dân cư, giải phóng mặt bằng khu vực I di tích Kinh thành Huế là "cuộc di dân lịch sử" của tỉnh Thừa Thiên - Huế. Theo đề án, sẽ có hơn 4.200 hộ dân “sống treo” trên di tích được di dời đến nơi ở mới với kinh phí thực hiện là 2.735 tỷ đồng. Đề án sẽ được thực hiện theo 2 giai đoạn. Giai đoạn 1 (từ 2019-2021) sẽ di dời khoảng 2.938 hộ dân ở các khu vực tường thành, Eo Bầu, Hộ Thành Hào và tuyến phòng lộ. Giai đoạn 2 (từ 2022- 2025) sẽ di dời 1.263 hộ dân ở các di tích hồ Tịnh Tâm, khu Lục Bộ, Đàn Xã Tắc, Khâm Thiên Giám, Trấn Bình Đài…

Ngoài ra, phần hạ tầng kỹ thuật khu dân cư phục vụ di dời, giải phóng mặt bằng cũng được dự kiến thực hiện với kinh phí 1.362 tỷ đồng từ ngân sách địa phương, trên quy mô diện tích 105ha ở phường Hương Sơ, TP.Huế.  

Sau khi thực hiện việc di dời, địa phương sẽ bố trí kinh phí để cải tạo mặt bằng, trả lại nguyên trạng cho di tích, đồng thời triển khai trùng tu, tôn tạo và bảo tồn di tích ở khu vực Kinh thành Huế. Sẽ có các sản phẩm du lịch trải nghiệm như đi bộ ngắm cảnh trên di tích Thượng Thành, đi thuyền dọc các hồ, sông ven Kinh thành Huế… được xây dựng để thu hút du khách sau khi việc trùng tu hoàn thành.

Theo kế hoạch, riêng trong năm 2019, tỉnh hoàn thành di dời, giải phóng mặt bằng, tái định cư 523 hộ dân thuộc khu vực Thượng Thành. Bên cạnh đó, tỉnh sẽ hoàn thành việc giải phóng mặt bằng diện tích 9,98ha khu tái định cư trước ngày 30.3; đầu tư hạ tầng kỹ thuật khu tái định cư để giao đất tái định cư cho các hộ xây dựng nhà ở…  

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem