Nước Anh đang chứng kiến cuộc đình công lớn nhất trong một thập kỷ khi những người lao động, từ tài xế tàu hỏa đến giáo viên, công chức, đồng loạt nghỉ việc trong ngày.
Hôm 1/2, ước tính có tới 500.000 giáo viên, giảng viên đại học, viên chức và nhân viên lái tàu nghỉ việc để yêu cầu tăng lương và điều kiện làm việc tốt hơn,Reutersđưa tin.
Những người này tham gia cuộc đình công lớn nhất trong một thập kỷ ở Anh khi tiền lương của họ không theo kịp tình hình lạm phát.
Các cuộc đình công phản ánh thách thức ngày càng tăng giữa lúc Anh và một số nước châu Âu đau đầu tìm cách giải quyết vấn đề tiền lương, trong khi cố gắng không gây thêm lạm phát hay tổn hại tài chính công sau nhiều năm chi tiêu cao.
Tuy nhiên, theoWall Street Journal, rất ít quốc gia ở châu Âu phải hứng chịu tình trạng bất ổn lao động như Anh trong thời gian gần đây, khi nước này chứng kiến cuộc đình công đầu tiên của y tá trong nhiều thập kỷ.
Nguyên nhân
Đứng sau sự việc trên là sự kết hợp tai hại: Mức lương dựa trên giá trị thực nhận được của người lao động trong khu vực công đã giảm suốt nhiều năm, nhưng lương của khu vực tư nhân vẫn tăng.
Christian Dustmann, giáo sư khoa Kinh tế của Đại học College London cho biết trong thập kỷ qua, tốc độ tăng tiền lương trung bình ở khu vực công của Anh bị tụt lại so với các nước châu Âu khác.
Kết quả, nó dẫn đến thời kỳ kéo dài của các cuộc đình công luân phiên nghiêm trọng nhất, theo các nhà kinh tế.
Vào hôm 1/2, nhiều trường học đã đóng cửa và khoảng 1/3 số chuyến tàu không chạy.
Theo Hiệp hội Công đoàn Anh (TUC), khoảng 300.000 người tham gia đình công hôm 1/2 là giáo viên. Họ là những nhà giáo tại các trường học trên khắp nước Anh và xứ Wales.
Công đoàn Giáo dục Quốc gia Anh cho biết khoảng 23.000 trường học bị ảnh hưởng do cuộc đình công hôm 1/2, với ước tính 85% trường học đóng cửa hoàn toàn hoặc một phần,Al Jazeerađưa tin.
Trong bối cảnh đó, người phát ngôn của Bộ Giáo dục Anh tuyên bố: “Hành động đình công gây tổn hại lớn đến việc học của trẻ em, đặc biệt sau sự gián đoạn mà trẻ em đã trải qua trong hai năm qua”.
Bảo tàng Anh cũng đóng cửa sau khi một số nhân viên đồng loạt rời đi.
Marcus Davis, một tài xế xe cứu thương 50 tuổi, người đã tham gia cuộc đình công vào cuối tháng 1, chia sẻ: “Chúng tôi không yêu cầu để được giàu có. Chúng tôi chỉ yêu cầu tăng lương để theo kịp giá cả”.
Ông Davis cho biết ông làm thêm ca vào cuối mỗi tháng để đảm bảo có thể trả tiền điện nước và học phí đại học cho con gái.
Theo công ty nghiên cứu thị trường Kantar, giá năng lượng tăng vọt sau cuộc xung đột Ukraine đã góp phần gây ra cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt ở Anh.
Giá hàng tạp hóa đã tăng gần 17% trong tháng 1. Trong khi người lao động toàn nền kinh tế phải chịu sự sụt giảm tiền lương theo giá trị thực do lạm phát, thì nỗi đau đang đổ dồn lên những người được nhà nước trả lương một cách không tương xứng.
Viện Nghiên cứu Tài chính, một tổ chức tư vấn Anh, cho biết mức lương theo giá trị thực của khu vực công, sau khi được điều chỉnh do lạm phát, đã giảm trung bình 4% từ năm 2007 đến năm 2022.
Trong khi đó, ở khu vực tư nhân, mức lương này tăng trung bình 0,9%. Sự khác biệt này đã trở nên trầm trọng hơn trong hai năm qua khi lạm phát bắt đầu gây ảnh hưởng.
Theo Văn phòng Thống kê Quốc gia, mức tăng lương trung bình ở khu vực tư nhân là 7,2% trong ba tháng từ tháng 9 đến tháng 11/2022, so với 3,3% ở khu vực công.
Bất ổn có thể kéo dài
Chính phủ Anh cho biết họ đang thảo luận với các công đoàn một cách thiện chí. Bộ trưởng Giáo dục Anh Gillian Keegan cho hay trong những tháng gần đây, chính phủ đã cung cấp thêm ngân sách cho các trường học để có thể tăng lương.
“Tôi thất vọng vì mọi chuyện đến nước này, vì các công đoàn đã đưa ra quyết định này”, bà nói, đồng thời cho biết thêm rằng cả hai bên vẫn đang bàn bạc.
Chính phủ Anh, vốn đã vay và chi tiêu rất nhiều trong thời kỳ đại dịch, đang bắt đầu gặp phải những hạn chế trong việc vay thêm.
Anh đã phải từ bỏ kế hoạch cắt giảm thuế vào tháng 9/2022 sau một đợt bán tháo trên thị trường tài chính, khiến chính phủ phải thông báo cắt giảm chi tiêu và Thủ tướng khi đó là bà Liz Truss phải từ chức.
Các cuộc đình công được cho là sẽ gây thiệt hại cho nền kinh tế vốn đã tăng trưởng chậm lại của nước này, theoCNN. Anh là nền kinh tế phát triển duy nhất mà Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) dự báo suy thoái trong năm nay, với GDP giảm 0,6%.
Phó tổng thư ký Công đoàn Giáo dục Quốc gia Anh (NEU) Niamh Sweeny nói vớiCNNrằng mức tăng lương trung bình 5% cho giáo viên trong năm nay là không đủ, đặc biệt là sau một thập kỷ “xói mòn tiền lương” dẫn đến “khủng hoảng tuyển dụng và giữ chân nhân viên”.
Theo công đoàn, tiền lương theo giá trị thực cho giáo viên có kinh nghiệm đã giảm 23% kể từ năm 2010, sau khi tính đến lạm phát.
Theo Sweeny, các nhân viên hỗ trợ, như trợ lý giảng dạy, nhận thấy mức lương thực của họ giảm 27%. Thậm chí, một số người có thể kiếm được nhiều tiền hơn khi làm việc trong siêu thị địa phương so với khi làm công việc giáo dục.
Trong một dấu hiệu cho thấy tình trạng bất ổn có thể tiếp tục leo thang, các nhân viên cứu hỏa ở Anh đã bỏ phiếu đình công lần đầu tiên kể từ năm 2003. Hiệp hội cứu hỏa đã cho chính phủ thời hạn đến ngày 9/2 để đưa ra đề nghị cải thiện về lương.
Ngoài ra, đội ngũ y tá, nhân viên cứu thương, nhân viên y tế... cũng dự định tham gia làn sóng đình công mới vào tuần tới.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.