Cuối năm, coi chừng mất tiền trong tài khoản

  Lê Yến Thứ sáu, ngày 18/10/2019 09:30 AM (GMT+7)
Hàng loạt vụ lừa đảo khiến người dùng bị mất tiền từ tài khoản, mất tiền qua thẻ diễn ra vào những tháng cuối năm khiến các ngân hàng cũng liên tục cảnh báo khách hàng.
Bình luận 0

Mới đây, Công an quận Bình Tân (TP.HCM) cho biết đang phối hợp cùng các đơn vị nghiệp vụ điều tra, truy xét vụ việc đối tượng giả mạo cán bộ công an nhằm chiếm đoạt 17 tỉ đồng của người dân.

Mất tiền tỉ vì điện thoại lạ

Cụ thể bà N.V.Q (46 tuổi, ngụ quận Bình Tân) cho biết ngày 3/10, bà nhận được cuộc gọi từ số máy lạ. Một người đàn ông tự xưng là nhân viên của một ngân hàng chi nhánh tại TP.Hà Nội hăm dọa, nói bà Q có hành vi lạm dụng tín nhiệm, chiếm đoạt của ngân hàng số tiền gần 40 triệu đồng và “hù” công an đã khởi tố vụ án.

Bà Q chưa hiểu chuyện gì xảy ra thì người này chuyển máy cho một người tự xưng tên Đạt, chức danh “điều tra viên”. Người này yêu cầu bà Q cung cấp số tài khoản và mật khẩu của 2 ngân hàng để tiến hành giám định, phục vụ công tác điều tra. Đến ngày 7/10, bà Q đến ngân hàng kiểm tra thì phát hiện bị mất 17 tỉ đồng trong 2 tài khoản ngân hàng mà bà cung cấp cho người tự xưng là “điều tra viên”. Biết mình bị lừa, bà Q đến Công an phường Bình Trị Đông B (Bình Tân) trình báo vụ việc.

Đây là một trong những trường hợp bị lừa đảo mất tiền lớn nhất qua hình thức mạo danh công an từ trước đến nay. Chiêu thức này không phải mới nhưng kẻ gian vẫn lấy được số tiền “khủng” trên tài khoản của bà Q khiến dư luận chấn động.

Đánh vào tâm lý cuối năm cần tiền, chiêu thức giả danh nhân viên ngân hàng hướng dẫn cho vay để lừa lấy tiền phí đã quay trở lại. Một số đối tượng lừa đảo bằng cách lấy các hình ảnh hội thảo, bản tên cán bộ giả mạo, các hoạt động có logo ngân hàng… gửi cho người dân qua các trang mạng Zalo, Facebook... Sau khi khách hàng tin tưởng, kẻ lừa đảo hứa có thể hỗ trợ khách hàng làm thủ tục vay vốn dưới 100 triệu đồng và yêu cầu khách hàng nộp phí bảo hiểm rủi ro cho khoản vay từ 1 - 2 triệu đồng. Ngoài ra, cũng với thủ đoạn giả mạo cơ quan chức năng, người thân, bạn bè khách hàng… các đối tượng lừa đảo sẽ đánh cắp thông tin và tiền trong tài khoản của khách. Một số khách đã bị kẻ gian lừa dẫn đến mất tài khoản Internet banking và mất tiền.

Ngoài việc mạo danh, các hình thức đánh cắp thông tin thẻ tín dụng cũng liên tục xảy ra. Mới đây, chị Q.A (TP.HCM) chia sẻ hiện đang làm việc với ngân hàng vì thẻ tín dụng chị không dùng nhưng bị ai đó đánh cắp thông tin  để mua tiền ảo trên mạng hơn 750 euro (khoảng 20 triệu đồng). Trường hợp khác, ông Park (du khách Hàn Quốc) bị lấy mất 3 thẻ tín dụng quốc tế, kẻ gian đã quẹt thẻ chi tiêu hơn 11.000 USD (tương đương 250 triệu đồng).

Không tin kẻ lạ, giữ thẻ như giữ tiền

Trước tình trạng lừa đảo gia tăng, đặc biệt vào dịp cuối năm, các ngân hàng liên tục đưa ra các cảnh báo khách hàng về những chiêu lừa đảo mà tội phạm thường sử dụng để lấy tiền trong tài khoản. Ví dụ ngân hàng BIDV khuyến cáo khách hàng tuyệt đối cảnh giác với những lời mời chào từ những người lạ, có dấu hiệu khả nghi và cần xác minh lại. Trong trường hợp có nhu cầu sử dụng dịch vụ ngân hàng, khách hàng có thể liên hệ trực tiếp qua tổng đài hoặc điểm giao dịch gần nhất. Hơn nữa, khi ngân hàng thu phí sẽ cung cấp các chứng từ hợp lệ, cũng như công khai biểu phí dịch vụ, do đó khách hàng không chuyển tiền phí qua cá nhân hay tổ chức nào.

Ngân hàng Vietcombank cũng thông báo khách hàng cảnh giác về thủ đoạn lừa đảo đánh cắp thông tin và chiếm đoạt tiền. Một số phương thức lừa đảo mới mà tội phạm đang sử dụng như mạo danh nhân viên ngân hàng hoặc nhân viên của các đơn vị cung cấp dịch vụ liên quan đến ngân hàng (đặc biệt là ví điện tử) yêu cầu khách hàng xác thực thông tin để nâng cấp dịch vụ, từ đó đánh cắp thông tin tài khoản của khách hàng, thực hiện hành vi rút tiền trái phép.

Người dùng ví điện tử khi đăng tải câu hỏi lên website/fanpage sẽ bị đối tượng lừa đảo mạo danh là nhân viên của ví rồi liên hệ, hỏi về vướng mắc khi sử dụng dịch vụ, sau đó yêu cầu khách hàng cung cấp thông tin tài khoản ngân hàng như 1 bước để khắc phục lỗi dịch vụ. Đối tượng lừa đảo còn mạo danh là cơ quan công an, tòa án, viện kiểm sát thông báo khách hàng có liên quan đến vụ án buôn lậu, rửa tiền, mua bán ma túy để yêu cầu cung cấp các thông tin dịch vụ ngân hàng hoặc cài đặt dịch vụ theo yêu cầu của đối tượng lừa đảo...

img

Khách hàng đang giao dịch tại một chi nhánh ngân hàng Vietcombank. Ảnh: Đào Ngọc Thạch.

Để đảm bảo an toàn cho tài khoản, Vietcombank đưa khuyến cáo khách hàng tuyệt đối giữ bí mật thông tin các dịch vụ ngân hàng điện tử như tên truy cập, mật khẩu, mã xác thực giao dịch một lần - OTP và các thông tin trên thẻ. Tuyệt đối không cung cấp các thông tin trên cho bất kỳ ai thông qua bất kỳ phương thức giao tiếp nào (email, tin nhắn, trao đổi miệng...).

Ông Nguyễn Trí Hiếu, cố vấn HĐQT Ngân hàng TMCP Quốc Dân, nhận định các chiêu thức giả mạo, lừa đảo không mới vì đã được nhiều ngân hàng, cơ quan điều tra cảnh báo từ lâu, thế nhưng vẫn có nhiều người bị sụp bẫy. Vì vậy, người dùng phải nâng cao cảnh  giác, đặc biệt với những cuộc điện thoại lạ tự xưng người của ngân hàng hay công an. Còn với việc thẻ tín dụng cũng phải bảo quản kỹ, không cung cấp thông tin và thanh toán qua các đường link, trang web lạ vì dễ bị gặp trang web giả mạo.

“Các ngân hàng không bao giờ yêu cầu người dùng cung cấp mật mã truy cập, mã OTP, mật khẩu internet banking qua điện thoại… Tương tự cơ quan điều tra cũng không bao giờ yêu cầu đối tượng đang bị điều tra làm theo các yêu cầu như chuyển tiền, cung cấp thông tin qua điện thoại. Nếu nhận được những yêu cầu này nghĩa là có kẻ gian đang tìm cách lừa đảo để chiếm đoạt thông tin hay tiền của mình”, TS Hiếu chia sẻ thêm.

(Theo Thế Giới Tiếp Thị)

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem