Cuối năm, thợ mổ gà thuê mệt “bở hơi tai” vì số đơn hàng “khủng”

Trung Hiếu - Thùy Anh Thứ năm, ngày 08/02/2024 09:14 AM (GMT+7)
Những ngày cuối năm, dịch vụ mổ gà thuê để cúng tất niên luôn đông khách. Giá dịch vụ theo đó cũng cao hơn so với ngày thường, nhưng nhiều thợ mổ gà vẫn mệt “bở hơi tai” vì khối lượng công việc thường xuyên trong tình trạng quá tải.
Bình luận 0

Cuối năm, thợ mổ gà thuê mệt “bở hơi tai” vì số đơn hàng “khủng”. Clip: Trung Hiếu.

Nghề mổ gà thuê: Ăn mì cầm hơi những ngày cuối năm

Cuối năm, mỗi gia đình có một mối lo riêng, nhưng hầu như nhà nào cũng phải chuẩn bị vài con gà để cúng tất niên, mời người thân, bạn bè liên hoan trước thềm năm mới. Các điểm mổ gà thuê cũng từ đó trở nên đắt khách, nhiều cơ sở làm dịch vụ này luôn trong tình trạng quá tải những ngày cận Tết.

Đang ngồi buộc gà cánh tiên, bà Đỗ Thị Hoa (60 tuổi, Hưng Thành, Tuyên Quang) lại tất bật chạy đi múc gáo nước đổ vào chiếc nồi gang đang được bắc trên bếp để chuẩn bị làm mẻ gà tiếp theo. Trước cái nhìn tò mò của phóng viên, bà Hoa giải thích: “Lượng mà tôi mổ ngày cận Tết gấp khoảng 5 - 6 lần ngày thường. Cứ luôn chân luôn tay thế mà có thời điểm phải tạm ngưng không nhận thêm đơn nữa vì quá tải”.

Theo bà Hoa, giá mổ gà ngày Tết cao hơn 5.000 đồng so với ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu

Theo bà Hoa, giá mổ gà ngày Tết cao hơn 5.000 đồng so với ngày thường. Ảnh: Trung Hiếu

Chỉ chừng mười phút, bà Hoa đã mổ xong xuôi một con gà. Bên cạnh, ông Hùng (chồng bà Hoa) cũng ngồi làm lòng gà không ngơi nghỉ. Cả ngày trời cặm cụi với công việc, bữa cơm của gia đình bà trở nên tạm bợ trong những ngày này: “Chúng tôi làm việc không có thời gian nghỉ mà ăn cơm được, nhiều khi bữa sáng thành bữa trưa, bữa trưa thành bữa chiều. Mà gọi là ăn cơm chứ thực ra toàn nấu mì với bánh đa ăn qua loa để cầm hơi”.

Từng động tác nhanh nhẹn và dứt khoát của người phụ nữ 60 tuổi khiến một vị khách đem gà tới mổ thuê đùa rằng: “Bác làm thoăn thoắt thế này thì giao thừa đếm tiền mệt lắm đây!”. Bà Hoa cười đáp: “Làm đến tối 30 Tết là hết sức rồi, không còn sức đâu mà làm việc khác, chỉ muốn đi nghỉ thôi”.

Khách thường có nhu cầu thuê thợ mổ gà và buộc cánh tiên dịp cuối năm. Ảnh: Trung Hiếu

Khách thường có nhu cầu thuê thợ mổ gà và buộc cánh tiên dịp cuối năm. Ảnh: Trung Hiếu

Trao đổi với phóng viên báo Dân Việt, bà Hoa cho biết: “Giá mổ gà ngày thường so với giá ngày Tết cũng có chênh lệch nhau một chút. Nếu ngày thường tôi lấy của khách 20.000 đồng/con thì thời điểm Tết tăng lên thành 25.000 đồng/con. Ngày xưa là phải vặt lông gà bằng tay, bây giờ có máy hỗ trợ nên mình cũng tiết kiệm được chút thời gian và công sức, cho vào máy là con gà sẽ được vặt sạch gần hết lông, mình chỉ cần nhặt sơ qua lông cánh với đuôi thôi là được”.

Theo bà Hoa, để tránh nhầm lẫn gà của khách đem đến, từ chiều ngày 29 Tết, bà không nhận mổ thuê nữa mà chỉ mổ và bán sẵn gà của gia đình. “Những hôm nhiều khách thuê mổ gà, tôi cũng phải cẩn thận ghi chú hàng của từng khách. Đến ngày 30 là tôi phải thuê thêm 5 - 6 người làm nữa mới đáp ứng đủ nhu cầu của khách, giá thuê thì cứ khấu hao đi 10.000 đồng/con. Số lượng gà mổ và bán lên tới 150 con/ngày cuối năm, mỗi con giá dao động từ 250.000 - 300.000 đồng, tùy cân nặng”.

Cuối năm nghe thợ mổ gà kể chuyện “lùa gà” trước giao thừa

Gần 10 năm gắn bó với công việc mổ gà thuê, chị Phạm Thị Thanh (37 tuổi, Minh Xuân, Tuyên Quang) cho biết, bản thân chị cũng mệt “bở hơi tai” trong những ngày cuối năm vì khối lượng công việc quá lớn. “Những ngày trước còn có chút thời gian nghỉ ngơi, chứ từ sáng 29 Tết tới tận 19 giờ tối 30 Tết là tôi làm việc quên ăn, quên ngủ”.

Vừa xếp 15 con gà đã mổ xong xuôi cho khách thành hàng lối lên chiếc bàn gỗ, người phụ nữ 37 tuổi vừa tâm sự: “Dù hơi mệt, suốt ngày loay hoay trong một không gian, người ám đầy mùi gà, nhưng bù lại, thu nhập ngày cận Tết của tôi cũng cao hơn nhiều so với ngày thường”.

Chị Thanh phải nhờ người thân ra phụ mổ gà trong những ngày đông khách. Ảnh: Trung Hiếu

Chị Thanh phải nhờ người thân ra phụ mổ gà trong những ngày đông khách. Ảnh: Trung Hiếu

Khi được hỏi về kỷ niệm làm nghề những ngày cận Tết, chị Thanh bật cười: “Tôi khó mà quên được chuyện có đợt cuối năm, lượng gà mà khách mang đến nhiều quá, nhưng họ không buộc kỹ chân nên chúng bị xổng ra. Lúc đấy 5 - 6 thợ đang mổ gà chúng tôi bắt đầu nháo nhác chạy đi đuổi gà. Đã vội thì chớ, lúc ấy lại càng vội hơn, giờ nhớ lại vẫn thấy buồn cười”.

Mang một chú gà trống tới để đợi mổ và đang ngồi chờ “thành phẩm”, anh Phạm Thanh Dương cho hay: “Con gà hôm nay tôi đem đi mổ dùng để thắp hương tổ tiên và liên hoan dịp tất niên. Ngày thường thì chờ khá nhanh nhưng hôm nay cận Tết nên phải chờ lâu hơn một chút, khoảng gấp đôi thời gian chờ ngày thường. Tôi ngồi đây đợi luôn để đỡ công đi lại lần nữa”.

Những chú gà trong lồng đang chờ để “được” buộc cánh tiên. Ảnh: Trung Hiếu

Những chú gà trong lồng đang chờ để “được” buộc cánh tiên. Ảnh: Trung Hiếu

Chia sẻ về lý do đem gà tới hàng mổ thuê, anh Dương bộc bạch: “Ngày Tết, biết dịch vụ này có giá cao hơn ngày thường nhưng tôi vẫn vui vẻ vì biết khối lượng công việc của những người thợ mổ gà trong những ngày này rất lớn. Sau khi mang về nhà, tôi sẽ rửa sạch sẽ lại gà là yên tâm thắp hương vì bên dịch vụ họ làm vừa nhanh, vừa chuyên nghiệp rồi”.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem