Có gì trong cuốn sách được xem như “tâm hương” tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp?

Hà Tùng Long Thứ hai, ngày 05/07/2021 10:51 AM (GMT+7)
Nhân 100 ngày mất của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp, tối 4/7, lễ ra mắt cuốn sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" của 34 tác giả đã được diễn ra trực tuyến.
Bình luận 0

Cuốn sách "Về Nguyễn Huy Thiệp" dày hơn 200 trang là tập hợp những tản văn, ký, phê bình văn học, phỏng vấn và thơ của các tác giả về con người và tác phẩm của Nguyễn Huy Thiệp. Họ là những bạn, người chuyên nghiên cứu về Nguyễn Huy Thiệp, hay chỉ đơn giản là một người rất hâm mộ ông. Trong đó có các cây bút điển hình như Nguyên Ngọc, Nguyễn Duy, Nguyễn Thụy Kha, Vương Trí Nhàn, Nguyễn Thị Minh Thái, Văn Giá, Võ Thị Xuân Hà, Phan Huyền Thư, Vi Thùy Linh… Bên cạnh đó cũng có các tác giả nước ngoài như Peter Zinoman, Thomas A. Bass, Thiery Leclere… 

Đặc biệt, bài đầu tiên của tập sách cũng đồng thời là bài phê bình văn học đầu tiên về văn chương Nguyễn Huy Thiệp, được in như lời giới thiệu trong tập truyện ngắn "Tướng về hưu" (1987), cũng là cuốn sách đầu tiên của nhà văn Nguyễn Huy Thiệp: "Tôi không chúc bạn thuận buồm xuôi gió" của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến.

Cuốn sách được xem như “tâm hương” tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 1.

Bì cuốn sách "Về Nguyễn Huy Thiệp". Ảnh: Liên Việt.

Bài cuối cùng của cuốn sách là "Nói chuyện một mình", cũng là sản phẩm cuối cùng của Nguyễn Huy Thiệp, ông viết vào dịp trước Tết âm lịch 2020, một phỏng vấn tự hỏi đáp và độc thoại.

Cuốn sách cũng trân trọng lưu giữ điếu văn vĩnh biệt nhà văn Nguyễn Huy Thiệp do nhà văn Nguyễn Quang Thiều, chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam viết. Và đặc biệt, một bài viết rất thú vị của nhà văn An Hạ, soi chiếu tác giả, tác phẩm trên phương diện chiêm tinh học "Nguyễn Huy Thiệp, Bạch Hổ nước Nam đã đi rồi".

Cuốn sách là những mảnh ghép đa diện để sắp đặt thành một bức chân dung tương đối trọn vẹn về nhân vật được nhà văn Nguyễn Quang Thiều mệnh danh là "Người trị vì ngai vàng trong thế giới truyện ngắn Việt Nam đương đại" hay "Nhà văn của những con người bị sỉ nhục" theo cách gọi của nhà phê bình Hoàng Ngọc Hiến hoặc như Bảo Ninh "Nhà văn tầm châu lục".

Chỉ riêng những mảnh ghép ngồn ngộn chi tiết sinh động ấy đủ làm nên một nhân vật văn học điển hình giữa đời thực: Một Nguyễn Huy Thiệp cô đơn, lặng lẽ giữa đám đông và danh vọng, một Nguyễn Huy Thiệp đầy dằn vặt, cay đắng đi hết chặng đường của mưu sinh, hào quang, mất mát và tật bệnh, một Nguyễn Huy Thiệp kinh qua hầu hết những cái họa của kiếp người, một Nguyễn Huy Thiệp khiêm nhường và kiêu hãnh, đôn hậu và sâu cay.

Theo như nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh thì "Anh Thiệp là người giỏi che giấu cảm xúc của mình. Khi đối diện với người khác, bạn không thể dò đoán biết anh nghĩ gì! Cái này không chỉ là một năng khiếu mà còn là một thủ thuật tập luyện thượng thừa. Một lần anh nói với tôi: Những năm tháng sống và dạy học ở miền núi, bà con dân tộc dạy cho tôi sự trung thực. Nhưng sau về Hà Nội tôi phải tập nói dối và đã nói dối được như thật!. Thật quái đản và lạ lùng".

Chân dung Nguyễn Huy Thiệp trong mắt người ở lại!

Nhà thơ Lê Thiếu Nhơn cũng khắc họa: "Ai từng tiếp xúc với nhà văn Nguyễn Huy Thiệp cũng đều nhận ra bóng tối trên khuôn mặt ông. Cứ thoáng nét ảm đạm, cứ thoáng nét ngậm ngùi, cứ thoáng nét âu lo. Thậm chí, khi ông cười cũng thoáng nét buồn não như sắp khóc. Trong một truyện ngắn, Nguyễn Huy Thiệp từng hình dung thi hào Nguyễn Du có "khuôn mặt nhàu nát vì đau khổ". Tuy nhiên, câu ấy có lẽ Nguyễn Huy Thiệp tự họa bản thân".

Trong con mắt của nhà văn Mỹ Thomas A. Bass "Thiệp có gò má cao đặc trưng của người miền Bắc, trên khuôn mặt tròn với vẻ tinh quái ở tuổi 65. Ông luôn mỉm cười. Ông pha trò. Hãy tưởng tượng Picasso được cấy ghép từ Riviera đến Hà Nội với đôi mắt nâu luôn liếc nhìn. Thiệp nói lắp, như thể những câu nói được kéo dài từ tận tám trăm năm trước…"… "Bây giờ tôi mới nhận ra nguồn gốc nụ cười nhăn nhúm của Thiệp. 

Cuốn sách được xem như “tâm hương” tưởng nhớ nhà văn Nguyễn Huy Thiệp - Ảnh 3.

Chân dung nhà văn Nguyễn Huy Thiệp. Ảnh: TL.

Bị kiểm duyệt chặn kể chuyện, Picasso Hà Nội của chúng ta sinh tồn bằng cách bán những chiếc đĩa đã được ông vẽ trang trí. Ông cũng đã mở quán ăn. Từ nhiều năm nay, Thiệp mở quán ăn bình dân Hoa Ban bên bờ sông Hồng. Người dân địa phương gọi quán ăn này là Kiếm sắc, tên của một trong những câu chuyện nổi tiếng của Thiệp. Nhưng cái tên, theo tiếng lóng của Việt Nam, cũng có nghĩa là chặt chém hoặc bán quá đắt."

Trong tập sách cũng có những đối thoại dài như của tác giả Xuân Anh với Nguyễn Huy Thiệp, mà ở đó ông vua truyện ngắn bộc bạch tư duy về đời, về nghề của một người đã đi qua hằng hà trải nghiệm cuộc đời bằng lối diễn đạt mà hiếm người dám thẳng thắn, chân thành và hồn nhiên đến vậy: "Với lối xuất bản hiện nay, với thị hiếu hiện nay thì họ chỉ xứng đáng đọc tiểu thuyết ba xu thôi! Mà làm sách phải đàng hoàng, phải tử tế chứ"

Phần 2 của cuốn sách là ảnh tư liệu được Gallery 39 sưu tầm. Đó là những tấm hình chụp nhà văn cùng gia đình và bạn bè, một số tác phẩm gốm của ông và đặc biệt những bức tranh đề thơ của nhà văn khi ông đã nằm trên giường bệnh.

Bà Vũ Phương Liên, giám đốc công ty sách Liên Việt, đơn vị in ấn và phát hành cuốn sách cho biết: "Ngoài việc cá nhân tôi là một người rất hâm mộ Nguyễn Huy Thiệp, tôi còn muốn dành tác phẩm này cho những người yêu mến văn của ông, những người muốn tìm hiểu sâu hơn về con người ông (một cá nhân kín đáo và lặng lẽ) và các câu chuyện bếp núc bên lề văn chương, cũng như cung cấp một nguồn tư liệu quý cho những người công tác trong lĩnh vực nghiên cứu văn học."

Buổi ra mắt sách sẽ có sự tham dự của các diễn giả: nhà văn Nguyễn Quang Thiều, nhà thơ Nguyễn Thụy Kha, nhà phê bình Văn Giá, nhà văn Võ Thị Xuân Hà, nhà thơ Văn Công Hùng, nhà thơ Nguyễn Hữu Hồng Minh, giáo sư văn học người Hà Lan Dick Gebuys… Dẫn chương trình là nhà văn Di Li.

 

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Ý kiến của bạn
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem