Cựu Giám đốc CDC Nam Định không thỏa thuận ăn chia nhưng có tiền "bồi dưỡng" vẫn nhận

Bách Thuận Thứ năm, ngày 30/11/2023 10:08 AM (GMT+7)
Sau 1 ngày xét xử, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã tuyên án sơ thẩm với cựu Giám đốc CDC Nam Định và 7 bị cáo khác trong vụ án liên quan việc mua kit xét nghiệm của Công ty Việt Á.
Bình luận 0

Các bị cáo không đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu

Như Dân Việt đã đưa tin, ngày 29/11, Tòa án nhân dân tỉnh Nam Định đã mở phiên tòa sơ thẩm, xét xử các bị cáo ở Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Nam Định (CDC Nam Định) về các tội "Nhận hối lộ", "Tham ô tài sản", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Đây là vụ án được xác định có liên quan đến Công ty cổ phần Công nghệ Việt Á (Công ty Việt Á).

Cựu Giám đốc CDC Nam Định, cựu Kế toán trưởng CDC Nam Định Vũ Ngọc Tuyên bị truy tố 2 tội danh "Nhận hối lộ", "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Cựu Trưởng Khoa Dược – Vật tư y tế Phạm Thị Nga; cựu Trưởng phòng Kế hoạch nghiệp vụ Vũ Khánh Vân bị truy tố tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", quy định tại khoản 3, Điều 222 Bộ luật Hình sự.

Cựu Phó Trưởng Khoa Xét nghiệm Vũ Thị Ngọc Thanh, các nhân viên, kỹ thuật viên Khoa xét nghiệm Nguyễn Thị Phương Thảo, Lâm Thị Hà bị truy tố tội "Tham ô tài sản", quy định tại điểm a, khoản 3, Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Với Vũ Thị Yến - nhân viên Khoa Xét nghiệm, người này cũng bị truy tố tội "Tham ô tài sản" nhưng theo quy định tại điểm d, khoản 2, Điều 353 Bộ luật Hình sự.

Sau 1 ngày xét xử, tối muộn ngày 29/11, sau nghị án, Hội đồng xét xử (HĐXX) sơ thẩm đã tuyên án vụ án này.

Cựu Giám đốc CDC Nam Định không thỏa thuận nhưng có tiền bồi dưỡng vẫn nhận - Ảnh 1.

HĐXX tuyên án vào tối muộn ngày 29/11. Ảnh: Bách Thuận

Theo đó, HĐXX nhận định, trong thời gian dịch bệnh Covid-19 bùng phát, trước tình hình diễn biến phức tạp của dịch bệnh, các địa phương đã được yêu cầu đảm bảo đầy đủ vật tư, trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống Covid-19.

CDC Nam Định được UBND tỉnh Nam Định giao là đơn vị chủ đầu tư tổ chức mua sắm trang thiết bị y tế, hóa chất, sinh phẩm phục vụ công tác phòng chống dịch từ nguồn ngân sách tỉnh và nguồn kinh phí hợp pháp khác.

Tháng 10/2020 đến 12/2021, CDC Nam Định đã hoàn thiện 5 bộ hồ sơ chỉ định thầu trong đó có 4 hồ sơ chỉ định thầu đã được thanh quyết toán, gói thầu số 5 chưa được thanh quyết toán.

Quá trình thực hiện, Đỗ Đức Lưu – Giám đốc CDC Nam Định đã chỉ đạo Vũ Ngọc Tuyên, Phạm Thị Nga, Vũ Khánh Vân thực hiện quy trình hợp thức hồ sơ, thủ tục chỉ định Công ty Việt Á là nhà thầu cung cấp sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Bị cáo Lưu là người chỉ đạo mọi nhiệm vụ trực tiếp của CDC, nhận thức rõ trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị, nắm rõ các quy định của pháp luật về đấu thầu trong mua sắm tài sản, vật tư, sinh phẩm. Trước khi chọn nhà thầu là Công ty Việt Á, Lưu chỉ đạo Nga soạn công văn đề nghị Công ty Việt Á cho vay kit xét nghiệm Covid-19.

Bị cáo Lưu ký 6 công văn vay sinh phẩm xét nghiệm của công ty này, đồng thời chỉ đạo Tuyên, Nga, Vân hoàn thiện các thủ tục đề nghị vay sinh phẩm của Công ty Việt Á sử dụng trước khi ký hợp đồng, sau đó thực hiện quy trình hợp thức hồ sơ, thủ tục chỉ định Công ty Việt Á là nhà thầu cung cấp sinh phẩm bằng hình thức xin 3 báo giá có mặt hàng kit xét nghiệm Covid-19 có nguồn gốc do Công ty Việt Á sản xuất từ các công ty khác nhưng giá cao hơn giá Công ty Việt Á. Mục đích là để Công ty Việt Á là nhà thầu cung cấp sinh phẩm xét nghiệm Covid-19.

Việc vay sinh phẩm của Công ty Việt Á thì Lưu không báo cáo Sở Y tế, UBND tỉnh Nam Định; không tổ chức thương thảo hợp đồng 2, 3, 4 xác định giá làm căn cứ ký hợp đồng.

Bị cáo Tuyên được nhận định nắm rõ các quy định của Luật Đấu thầu, là thành viên của Hội đồng mua sắm, tổ chuyên gia đấu thầu, là người tham mưu cho lãnh đạo trung tâm trong việc mua sắm, quản lý tài sản chung nhưng vẫn cùng Nga, Vân hợp thức hồ sơ, chỉ định Công ty Việt Á là nhà thầu cung cấp sinh phẩm cho CDC Nam Định.

Cựu Giám đốc CDC Nam Định không thỏa thuận nhưng có tiền bồi dưỡng vẫn nhận - Ảnh 2.

Tòa sơ thẩm xác định, hành vi của các bị cáo tại CDC Nam Định khi vay sinh phẩm của Công ty Việt Á để sử dung trước khi ký hợp đồng rồi sau đó hợp thức, hoàn thiện thủ tục, hồ sơ là vi phạm. Ảnh: D.X

Tuyên biết Lưu chỉ đạo Nga vay hàng kit xét nghiệm Covid-19 của Công ty Việt Á sử dụng trước khi chưa có phê duyệt của Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch.

Với Nga, người này bị xác định đã thực hiện chỉ đạo của Lưu soạn 6 công văn vay sinh phẩm; cùng Vân soạn báo giá cạnh tranh hợp đồng; xin báo giá các hợp đồng để chuyển cho Vân làm căn cứ lập tờ trình phê duyệt kế hoạch, dự toán kế hoạch lựa chọn nhà thầu gói thầu mua sinh phẩm Covid-19; hợp thức hồ sơ chỉ định Công ty Việt Á là nhà thầu cung cấp…

Vân là thư ký HĐMS, thành viên tổ chuyên gia đấu thầu, thực hiện chỉ đạo của Lưu đã cùng Nga soạn thảo báo giá như trên; hợp thức hồ sơ chỉ định Công ty Việt Á là nhà thầu cung cấp sinh phẩm cho CDC Nam Định.

Hành vi nêu trên của Lưu, Tuyên, Nga, Vân được HĐXX nhận định là không đảm bảo nguyên tắc công bằng, minh bạch trong đấu thầu; có hành vi gian lận trong đấu thầu, vi phạm các hành vi bị cấm trong đấu thầu gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước khi thanh toán 4 hợp đồng với Công ty Việt Á là hơn 14,6 tỷ đồng. Hành vi của các bị cáo đủ yếu tố cấu thành tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

Lý do cựu Giám đốc CDC bị quy kết nhận hối lộ dù không liên hệ, thỏa thuận

Vũ Ngọc Tuyên đã gọi điện cho Vũ Đình Hiệp – Phó Tổng Giám đốc Công ty Việt Á, được Hiệp đưa ra thỏa thuận công ty sẽ trích lại số tiền tương đương 10% giá trị hợp đồng cho CDC Nam Định và cá nhân Tuyên 4% khi CDC Nam Định mua sản phẩm của Công ty Việt Á.

Thực tế, CDC Nam Định đã ký 5 hợp đồng mua sinh phẩm của công ty này từ tháng 10/2020 đến tháng 12/2021. CDC Nam Định nghiệm thu, thanh lý 4 hợp đồng với tổng tiền là gần 29 tỷ; hợp đồng số 5 năm 2021 giá trị gần 31 tỷ CDC Nam Định chưa thanh toán.

Cựu Giám đốc CDC Nam Định không thỏa thuận nhưng có tiền bồi dưỡng vẫn nhận - Ảnh 3.

Vũ Ngọc Tuyên mặc dù nhận tiền % ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á là 3,1 tỷ nhưng báo cáo cho Đỗ Đức Lưu là hơn 1,2 tỷ; số còn lại Tuyên giữ riêng cho mình. Ảnh: BCA

Hiệp được xác định đã chuyển cho Tuyên 4 lần, tổng số tiền 3,1 tỷ đồng. Sau mỗi lần thanh toán hợp đồng với Công ty Việt Á, Tuyên báo cáo Lưu thực hiện chuyển tiền "bồi dưỡng" chống dịch cho CDC với số tiền hơn 1,2 tỷ đồng. Tuyên chi riêng cho Lưu 60 triệu đồng, Vân 12 triệu đồng, còn lại hơn 1,77 tỷ đồng Tuyên giữ riêng cho cá nhân.

Lưu đồng ý để Tuyên nhận tiền của Công ty Việt Á chi "bồi dưỡng" ngoài hợp đồng, chỉ đạo chuyển cho Vân, chi tiền bồi dưỡng cho HĐMS, tổ chuyên gia đấu thầu tổng 573 triệu; số 682 triệu đồng còn lại giữ tại CDC Nam Định.

Tòa xác định, Lưu biết Công ty Việt Á trích lại tiền cho CDC Nam Định khoảng 5% giá trị hợp đồng khi mua sản phẩm của công ty, điều này thể hiện ở các lời khai của Lưu trong quá trình điều tra.

Bị cáo Lưu không phải là người trực tiếp liên hệ, thỏa thuận nhận tiền % ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á, không biết Tuyên nhận 3,1 tỷ từ công ty đó, nhưng sau khi nghe Tuyên báo cáo đã được Hiệp chuyển tiền tổng hơn 1,2 tỷ đồng, Lưu đã không thông báo cho tập thể lãnh đạo, cán bộ CDC mà chỉ đạo Tuyên chuyển tiền cho Vân, nhận tiền sau đó chi theo đề xuất của Tuyên. Lưu được xác định hưởng lợi 85 triệu đồng.

Cựu Giám đốc CDC Nam Định không thỏa thuận nhưng có tiền bồi dưỡng vẫn nhận - Ảnh 4.

Bản án sơ thẩm xác định, cựu Giám đốc CDC Nam Định không trực tiếp liên hệ, thỏa thuận nhận tiền % ngoài hợp đồng từ Công ty Việt Á nhưng khi được Tuyên báo cáo có tiền, bị cáo Đỗ Đức Lưu đã chỉ đạo một người khác nhận tiền từ Tuyên và sau đó chi theo đề xuất của Tuyên. Ảnh: BCA

HĐXX nhận định, Đỗ Đức Lưu, Vũ Ngọc Tuyên đều là những người có chức vụ, quyền hạn, đủ năng lực trách nhiệm hình sự nhưng vì động cơ vụ lợi đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn để thỏa thuận, nhận tiền chi % ngoài hợp đồng cho tập thể, cá nhân khi mua sinh phẩm của Công ty Việt Á như nêu trên. Hành vi của Lưu, Tuyên đủ yếu tố cấu thành tội "Nhận hối lộ". Trong đó Tuyên nhận 3,1 tỷ đồng nhưng báo cáo Lưu là hơn 1,2 tỷ.

Ở một diễn biến khác, từ tháng 5/2021 đến tháng 9/2021, lợi dụng được giao trực tiếp quản lý sinh phẩm mua của Công ty Việt Á, Vũ Ngọc Thanh đã chỉ đạo Thảo, Hà, Yến đóng gói các sinh phẩm do Khoa xét nghiệm bớt xén được trong quá trình xét nghiệm bán cho Công ty Việt Á, tổng trị giá 791 triệu.

Thanh là người trao đổi với Hiệp bán kit xét nghiệm; Hiệp thỏa thuận với Thanh số tiền được nhận là 1,2 tỷ, trong đó Thanh đã được thanh toán 750 triệu đồng, số tiền còn lại Hiệp chưa kịp thanh toán thì bị bắt.

Hành vi lợi dụng chức vụ quyền hạn, chiếm đoạt sinh phẩm xét nghiệm của Thanh đủ yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản". Các nhân viên khoa xét nghiệm cũng được xác định có hành vi vi phạm, đủ yếu tố cấu thành tội "Tham ô tài sản".

Theo HĐXX, hành vi phạm tội của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thực hiện lỗi cố ý, trực tiếp xâm phạm đến trật tự, quản lý kinh tế của Nhà nước trong lĩnh vực đấu thầu; xâm phạm đến hoạt động đúng đắn của cơ quan Nhà nước.

Các bị cáo là người có đầy đủ năng lực, trách nhiệm hình sự, nhận thức được việc làm của bản thân là vi phạm nhưng do động cơ tư lợi cá nhân, do nể nang vẫn cố tình thực hiện.

Xét vị trí, vai trò của các bị cáo trong vụ án, HĐXX sơ thẩm xét thấy, ở tội "Nhận hối lộ", Tuyên là người chủ động thỏa thuận với Hiệp, trực tiếp nhận tiền từ Hiệp nên xét vai trò đầu, tiếp theo là Đỗ Đức Lưu.

Đối với các bị cáo phạm tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", Lưu là Giám đốc, là người đứng đầu trực tiếp chỉ đạo nên giữ vai trò đầu vụ, tiếp theo lần lượt là các bị cáo Tuyên, Nga, Vân giữ vai trò thực hành giúp sức.

Với các bị cáo phạm tội "Tham ô tài sản", Thanh là người khởi xướng bán lại kit test dôi dư, là người liên hệ bán lại kit test cho Hiệp nên giữ vai trò đầu vụ, tiếp đến là Thảo, Hà, Yến là đồng phạm giúp sức với vai trò tương ứng số kit đã giúp Thanh chiếm đoạt của CDC Nam Định.

HĐXX quyết định, tuyên bố các bị cáo phạm tội như Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nam Định đã truy tố. Về hình phạt, HĐXX tuyên xử phạt các bị cáo mức án như sau:

1. Đỗ Đức Lưu: 13 năm tù tội "Nhận hối lộ"; 3 năm 6 tháng tù tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hợp hình phạt, buộc bị cáo chấp hành hình phạt 16 năm 6 tháng tù.

2. Vũ Ngọc Tuyên: 15 năm tù về tội "Nhận hối lộ", 3 năm tù tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt 18 năm tù.

3. Phạm Thị Nga: 21 tháng tù tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

4. Vũ Khánh Vân: 21 tháng tù tội "Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng".

5. Vũ Thị Ngọc Thanh: 15 năm tù tội "Tham ô tài sản".

6. Nguyễn Thị Phương Thảo: 36 tháng tù tội "Tham ô tài sản".

7. Lâm Thị Hà: 36 tháng tù tội "Tham ô tài sản".

8. Vũ Thị Yến: 27 tháng tù tội "Tham ô tài sản".

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem