Bệnh nhân là chị Dương Thị Mai Mai (27 tuổi, Hà Nội). Chị Mai có tiền sử khỏe mạnh nhưng ngày 19.3, chị bị sốt, đau mỏi người, mệt, đau ngực, khó thở. Tự điều trị bằng thuốc hạ sốt nhưng sau 3 ngày vẫn thấy mỏi mệt nên chị đã vào Bệnh viện Bưu điện Hà Nội khám.
Các bác sĩ đã chẩn đoán chị Mai bị viêm cơ tin cấp nên chuyển sang đơn vị hồi sức tích cực (Bệnh viện Bạch Mai). Sau 1 tiếng nhập viện, chị Mai có biểu hiện khó thở, nhịp tim nhanh, đau ngực, hình ảnh điện tim cho thấy nhịp nhanh thất và rung thất (mất khả năng co bóp đưa máu về các bộ phận nuôi sống cơ thể), sau đó bệnh nhân mất ý thức, mất mạch bẹn.
![img](https://danviet.mediacdn.vn/upload/2-2013/images/2013-04-12/1434786818-120413_sk_bmcsbnt_dan-viet.jpg) |
Bệnh nhân Mai và êkíp cấp cứu nhận hoa chúc mừng của Ban Giám đốc bệnh viện Bạch Mai. |
Ngay lập tức, các bác sĩ đã tiến hành ép tim ngòai lồng ngực, sốc điện 5 lần, đặt nội khí quản thở máy. Sau 20 phút cấp cứu khẩn trương, bệnh nhân đã có nhịp tim trở lại.
Theo TS Tạ Mạnh Cường (Đơn vị hồi sức tích cực) đây là ca viêm cơ tim cấp, tiên lượng rất nặng, có nguy cơ tử vong cao nên đã hội chẩn với các bác sĩ khoa Hồi sức tích cực để xem xét làm tim phổi nhân tạo sớm cho bệnh nhân.
“Điều lo lắng nhất của chúng tôi là khi chức năng tim bị ngưng, ngừng tuần hòan máu khiến cho não bệnh nhân có thể bị ảnh hưởng, thậm chí không hồi phục. Tuy nhiên, nhờ có sự ép tim liên tục của các bác sĩ mà bệnh nhân đã không bị ảnh hưởng đến thần kinh” – TS Cường cho biết.
Sau đó, bệnh nhân đã được chạy máy tim phổi nhân tạo tại giường (ECMO) và theo dõi liên tục trong vòng 7 ngày. Sau khi điều trị viêm cơ tim, kiểm tra các chức năng tim hoạt động được bình thường, các bác sĩ mới giảm dần mức hỗ trợ và ngừng hẳn ECMO.
Theo bác sĩ Dương Đức Hùng – Chủ nhiệm Đơn vị tim mạch cho biết, tim cần co bóp liên lục để đưa máu đi nuôi cơ thể, nhưng trong trường hợp viêm cơ tim, việc co bóp bị rối loạn, chức năng đưa máu hòan tòan bị ngưng trệ.
Nếu không có máu trong vòng 6 phút thì não sẽ bị chết. Trong trường hợp này, nhờ sự ép tim liên tục ngòai lồng ngực của các bác sĩ nhằm giữ cho việc đưa máu lên não không bị ngưng trệ mà bệnh nhân mới thóat khỏi nguy hiểm. Nếu không, cho dù cứu được thể xác nhưng bệnh nhân sẽ có thể rơi vào đời sống thực vật.
Bác sĩ Hùng cho biết, ECMO là giải pháp thích hợp cho những trường hợp cần hỗ trợ dài ngày, đặc biệt là những trường hợp viêm cơ tim có ngừng tim. Nhưng nếu không được cấp cứu kịp thời để cứu não, thì việc chạy ECMO cũng sẽ vô ích. “Yếu tố thành công của ca bệnh chính là sự phối hợp nhịp nhàng, ăn khớp và kịp thời giữa các khoa phòng từ cấp cứu đến điều trị” – Bác sĩ Hùng cho biết.
“Viêm cơ tim tối cấp là một tình trạng cơ tim bị viêm, thường do virus, vi khuẩn hoặc nhiễm đơn bào, độc tính của thuốc hoặc do phản ứng miễn dịch. Viêm cơ tim tối cấp thường được biểu hiện bằng tình trạng khởi phát cấp tính với những biểu hiện suy sụp tuần hòan nghiêm trọng, giảm chức năng co bóp cơ tim.
Bệnh này có tỷ lệ tử vong từ 50-70% nếu không được hỗ trợ tuần hòan ngòai cơ thể. Ngoài ra, viêm cơ tim tối cấp cũng khác viêm cơ tim, vì viêm cơ tim ít có biểu hiện suy tuần hòan nặng, tuy nhiên viêm cơ tim tối cấp thường phục hồi trong thời gian ngắn và có tiên lượng lâu dài tốt hơn viêm cơ tim”– TS Cường cho biết
Trong giai đoạn sớm của bệnh, việc chẩn đoán viêm cơ tim tối cấp rất khó khăn. Bệnh này có thể bị chẩn đóan nhầm sang sốc nhiễm khuẩn. Bệnh này cũng không có điều trị đặc biệu mà điều trợ hỗ trợ là chính.
Nếu có biểu hiện suy đa tạng nặng cần chuẩn bị nhiều biện pháp điều trị hỗ trợ tuần hòan ngòai cơ thể nhằm đảm bảo cung cấp lượng tim và tưới máu các tạng. Có nhiều biện pháp hỗ trợ tuần hòan ngòai cơ thể như bơm bóng nội động mạch chủ, dụng cụ hỗ trợ tâm thất, màng trao đổi oxy ngoài cơ thể, ECMO.
Hiện bệnh nhân Mai Mai đã hòan tòan bình phục và có thể xuất viện.
Diệu Linh
Vui lòng nhập nội dung bình luận.