Đã bán lượng khổng lồ ra toàn cầu, doanh nghiệp Việt còn thắng thầu cấp 185.000 tấn gạo cho một nước Đông Nam Á
Đã bán lượng khổng lồ ra toàn cầu, doanh nghiệp Việt còn thắng thầu cấp 185.000 tấn gạo cho một nước Đông Nam Á
Bình Minh
Thứ ba, ngày 06/08/2024 12:40 PM (GMT+7)
Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mới đây đã công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7 với số lượng 320.000 tấn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu, với tổng số lượng gạo 185.000 tấn.
Theo chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) vừa công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7 với số lượng 320.000 tấn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu, với tổng số lượng gạo 185.000 tấn.
Trong số những doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu thì Tổng công ty Lương thực miền Bắc (VINAFOOD 1) trúng thầu nhiều nhất với 4 lô với số lượng 104.000 tấn. Có 3 đơn vị khác trúng mỗi đơn vị 1 lô thầu 27.000 tấn gồm: Tổng công ty Lương thực miền Nam (VINAFOOD 2), Công ty cổ phần quốc tế Gia, Công ty Cổ phần xuất nhập khẩu An Vi. Đây là những đơn vị sử dụng gạo có nguồn gốc Việt Nam.
Ngoài ra, Công ty Mekong Food của Việt Nam cũng trúng thầu 27.000 tấn nhưng sử dụng nguồn gạo từ Myanmar. Bên cạnh đó, 3 lô gạo còn lại chiến thắng cũng thuộc về doanh nghiệp từ Myanmar. Có 1 lô không thành công sẽ phải mở thầu lại.
Thông tin từ chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews, trong đợt tham gia thầu lần này, Tổng công ty Lương thực miền Bắc (Vinafood 1) chào giá gạo từ 567,5 - 577,5 USD/tấn. Tổng công ty Lương thực miền Nam (Vinafood 2) chào từ 579,5 - 598 USD/tấn. Các doanh nghiệp Thái Lan và Pakistan cũng tham gia thầu nhưng đều không trúng do giá chào khá cao từ 584 - 592 USD/tấn.
Các doanh nghiệp Việt Nam và Myanmar trúng thầu lần này đồng mức giá là 563 USD/tấn. Mức giá này tương đương với giá các doanh nghiệp Việt Nam trúng thầu vào tháng 5/2024.
Indonesia dự báo nhu cầu nhập khẩu gạo của nước này sẽ tăng lên 5,18 triệu tấn trong năm 2024, tạo cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo Việt Nam.
Cơ quan Hậu cần quốc gia Indonesia (Bulog) mới đây đã công bố kết quả mở thầu gạo tháng 7 với số lượng 320.000 tấn. Theo đó, các doanh nghiệp Việt Nam thắng 7 trên tổng số 12 gói thầu, với tổng số lượng gạo 185.000 tấn. Nguồn: chuyên trang thị trường lúa gạo Ssricenews
Báo cáo của Bộ NNPTNT mới đây cho biết, trong tháng 7/2024, Việt Nam xuất khẩu gần 500.000 tấn gạo, đem về 290 triệu USD. Luỹ kế 7 tháng năm 2024, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023. Giá xuất khẩu gạo trung bình đạt 632 USD/tấn, tăng 18,2% so với cùng kỳ năm trước.
Về thị trường, Philippines, Indonesia, Malaysia là 3 quốc gia nhập khẩu nhiều gạo nhất từ Việt Nam. Trong 7 tháng năm 2024, Việt Nam xuất khẩu 1,98 triệu tấn gạo sang Philippines, chiếm 38,2% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam.
Indonesia đứng ở vị trí thứ hai, với lượng gạo của Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này đạt 830.000 tấn. So với cùng kỳ năm 2023, xuất khẩu sang thị trường này tăng 44,6% về lượng và tăng mạnh 82,1% về giá trị. Thị trường Indonesia chiếm 16% trong tổng lượng gạo xuất khẩu gạo của nước ta.
Tại Singapore, trong 6 tháng năm 2024, Việt Nam vẫn giữ vị trí là quốc gia xuất khẩu gạo lớn nhất sang Singapore, chiếm 32,69% thị phần. Điều này đạt được là nhờ mức tăng mạnh kim ngạch xuất khẩu, đạt giá trị 73,40 triệu SGD (hơn 54,6 triệu USD), tăng 54,67% so với cùng kỳ năm 2023.
Hiện, Việt Nam là quốc gia chiếm thị phần lớn nhất tại Singapore đối với 3 nhóm gạo là: gạo tẻ trắng (chiếm 48,62%); gạo thơm xay xát hoặc tróc vỏ (chiếm 69,43%) và gạo nếp (78,05%).
Về sản xuất, diện tích gieo cấy lúa đạt 6,25 triệu ha, tăng 0,2% so với cùng kỳ năm trước; thu hoạch 3,82 triệu ha, tăng 1,3%; năng suất bình quân 65,6 tạ/ha, tăng 0,5 tạ/ha; sản lượng lúa trên diện tích thu hoạch đạt 25 triệu tấn, tăng 2%.
7 tháng đầu năm, Việt Nam đã xuất khẩu 5,18 triệu tấn gạo với kim ngạch 3,27 tỷ USD, tăng 5,8% về lượng và tăng 25,1% về giá trị so với cùng kỳ năm 2023.
Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam Nguyễn Văn Nam chia sẻ: “Xuất khẩu gạo của Việt Nam trong những năm gần đây đã có những bước tiến vượt bậc. Chúng tôi đã nỗ lực không ngừng để nâng cao chất lượng sản phẩm đa dạng hóa các loại hình gạo xuất khẩu và mở rộng các thị trường tiêu thụ mới. Kết quả là Việt Nam đã khẳng định vị thế là nước xuất khẩu gạo số 1 thế giới”.
Với những kết quả ấn tượng trong nửa đầu năm, các doanh nghiệp và chuyên gia đều kỳ vọng xuất khẩu gạo Việt Nam tiếp tục khởi sắc trong nửa cuối năm 2024.
Hiện nay, nhu cầu tiêu thụ và dự trữ lương thực toàn cầu vẫn đang duy trì ở mức cao, trong khi nguồn cung thắt chặt do ảnh hưởng của các bất ổn kinh tế, chính trị, và biến đổi khí hậu. Với nhu cầu nhập khẩu gạo của nhiều nước gia tăng, đặc biệt từ các thị trường truyền thống với gạo Việt Nam như Philippines, Indonesia, Malaysia và một số nước châu Phi… sẽ giúp giá gạo xuất khẩu hồi phục và tiếp tục mang lại cơ hội lớn cho các doanh nghiệp xuất khẩu gạo của Việt Nam nói riêng và cơ hội phát triển ngành hàng lúa gạo của Việt Nam nói chung.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.