"Dạ cổ hoài lang" - “bản nhạc lòng” của nhạc sĩ Cao Văn Lầu nay đã trở thành một di sản văn hóa phi vật thể của Bạc Liêu. Bảo tồn và phát huy giá trị của bản Dạ cổ hoài lang cũng là cách để khẳng định Bạc Liêu là một trong những “chiếc nôi” đã hình thành và phát triển đờn ca tài tử (ĐCTT) Nam bộ nói riêng và nghệ thuật cải lương nói chung.
Cổng chào Khu lưu niệm cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.
Về miền Tây thì đến đâu bạn cũng được nghe, thưởng thức ĐCTT vô cùng hấp dẫn. Song có thể tự hào một điều là chỉ khi nghe ĐCTT ở Bạc Liêu, du khách mới thấm thía được cái chất tài tử đúng nghĩa.
Bởi, Bạc Liêu là một trong những nơi góp công vào con đường phát triển nghệ thuật ĐCTT và là địa phương quan tâm nhiều đến việc kiến tạo các công trình tôn vinh nét văn hóa này. Nhân sự kiện Bạc Liêu đăng cai Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất – Bạc
Liêu 2014 (24 – 29.04.2014), việc khẳng định vị thế của "Dạ cổ hoài
lang" càng được xem là nhiệm vụ không thể bỏ qua…
Nhà trưng bày hình ảnh, hiện vật cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.
Gần một trăm năm qua, “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu (Sáu Lầu) đã đi theo thăng trầm của lịch sử, phù hợp với xu hướng cải lương hiện đại. Nhưng cái nguồn cội tinh túy của 20 câu “Từ là từ phu tướng. Bảo kiếm sắc phong lên đàng.Vào ra luống trông tin chàng. Năm canh mơ màng. Em luống trông tin chàng. Ôi gan vàng quặn đau.
Đường dù xa ong bướm. Xin đó đừng phụ nghĩa tào khang. Đêm luống trông tin chàng. Ngày mõi mòn như đá Vọng phu…Vọng phu… vọng phu. Luống trông tin chàng. Sao nỡ phũ phàng... Chàng là chàng có hay?. Đêm thiếp nằm luống những sầu tây. Bao thuở đó đây sum vầy. Duyên sắc cầm lạt phai. Là nguyện cho chàng. Hai chữ an bình an. Mau trở lại gia đàng. Cho én nhạn hiệp đôi” vẫn còn vẹn nguyên giá trị cho đến ngày nay.
Nhà mộ cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.
Từ câu chuyện tình yêu và nỗi khổ của mình, nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã nâng lên thành tâm trạng chung của dân tộc thời thực dân phong kiến để mọi người cùng chia sẻ. Ông Sáu Lầu sáng tác "Dạ cổ hoài lang" khoảng cuối năm 1918, đến năm 1919 thì được phổ biến trong giới tài tử Bạc Liêu.
Cũng năm ấy, ông lén đến thăm vợ và mấy tháng sau, vợ báo tin đã có thai. Cha mẹ ông vui mừng, rước vợ ông về đoàn tụ. Kết quả là cậu bé Cao Kiến Thiết ra đời. Sau đó, bản "Dạ cổ hoài lang" không dừng lại ở nguyên dạng như các bản nhạc cổ khác, mà dần dần biến đổi hình thức, phát triển thành bản vọng cổ làm thay đổi một phần lớn bộ mặt cải lương Nam Bộ.
Đây cũng là điều tối ưu của "Dạ cổ hoài lang". Có lẽ do tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị rất hợp với người Nam Bộ, hình ảnh người chinh phụ ở đây đã hòa nhập thực sự vào cuộc đời thường, phản ảnh đúng tâm trạng đau buồn của người phụ nữ khi xa chồng. Có lẽ chính cái tính đời thường đó đã làm rung cảm người nghe...
Ngoài giá trị âm nhạc, "Dạ cổ hoài lang" đă góp được tiếng nói của mình vào phong trào yêu nước, gieo vào lòng người nỗi niềm, tâm tư thương nhớ của người vợ với người chồng ra đi cứu nước. Từ tâm sự riêng tư của một đôi vợ chồng, "Dạ cổ hoài lang" đã trở thành tiếng lòng chung của hàng triệu người dân khi phải sống cơ cực lầm than dưới ách đô hộ của địa chủ, cường hào phong kiến và thực dân Pháp.
Lãnh đạo tỉnh Bạc Liêu & Hội sân khấu Việt Nam viếng mộ cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu.
Từ khi bản "Dạ cổ hoài lang" ra đời, nhanh chóng đi sâu vào lòng người mộ điệu, trở thành bài ca chính thống, "bài ca vua" trên sân khấu cải lương Nam bộ. Qua mỗi giai đoạn phát triển trở nên hay hơn và chuyển dần thành nhiều nhịp.
Năm 1924, tăng lên 4 nhịp. Năm 1934 – 1944, tăng lên 8 nhịp. Năm 1945 – 1954, tăng lên 16 nhịp. Năm 1955 – 1964, tăng lên 32 nhịp và từ 1965 đến nay tăng lên 64 nhịp. Và cứ mỗi lần phát triển, bài Dạ cổ hoài lang không dừng lại ở nguyên bản như các bài nhạc cổ khác, mà dần biến đổi hình thức, làm thay đổi một phần bộ mặt cải lương.
Rõ nét nhất là từ thập niên 1960, soạn giả Viễn Châu, đã tạo nên mối lương duyên kỳ lạ, kết hợp Tân nhạc vào Vọng cổ cho ra đời bản Tân cổ giao duyên, thu hút được khán thính giả tân và cổ nhạc. Điều này chỉ có ở vọng cổ, bởi lẽ tiếng nhạc du dương và lời ca bình dị hợp với tấm lòng người Nam bộ.
Lúc buồn, vọng cổ giúp giải bày tâm sự, vơi đi nguồn tủi, lúc vui tươi vọng cổ góp phần cho sự kiện hân hoan. Cũng chính bản vọng cổ đã góp phần mang lại ánh hào quang cho nhiều lớp nghệ sĩ, danh ca, danh cầm, soạn giả cải lương... góp phần khơi nguồn dòng chảy cho lịch sử âm nhạc nước nhà.
GS – TS Trần Văn Khê khẳng định: “Trong cổ nhạc Việt Nam, chưa có bài bản nào được như Dạ cổ hoài lang biến thành vọng cổ. Từ một sáng tác cá nhân đã biến thành sáng tác tập thể, sanh từ đầu thế kỷ, lớn lên sống mạnh, biến hóa thiên hình vạn trạng, và sẽ còn sống mãi trong lòng người Việt khắp năm châu bốn bể”.
Văn nghệ kỷ niệm 94 năm ra đời Dạ cổ hoài lang.
Tại khu lưu niệm hôm nay, ngoài bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sỹ Cao Văn Lầu, còn có nhiều hình ảnh, hiện vật về hoạt động đờn ca tài tử Nam bộ ở Bạc Liêu qua các thời kỳ; sân khấu ngoài trời có mái che và nhiều hạng mục công trình khác trong khuôn viên di tích đã nâng tầm vóc Khu di tích trong mắt du khách thập phương đến thăm quan, tìm hiểu văn hóa.
Dự án “Đầu tư, mở rộng khu lưu niệm nhạc sĩ Cao Văn Lầu” đã được triển khai nhằm một lần nữa khẳng định vị thế của bản "Dạ cổ hoài lang", tôn vinh tài hoa của nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Và quan trọng hơn hết, đây chính là công trình cốt yếu trước thềm diễn ra Festival ĐCTT quốc gia lần thứ nhất – Bạc Liêu 2014. Đặc biệt, trong lòng khuôn viên của công trình, tại biểu tượng ống tre, lối vào chính phía trên của nhà hành chính là cầu thang lên khu vực có biểu tượng đờn kìm, là nơi hành lễ tưởng niệm, nơi đặt lư hương.
Điểm nổi bật tại đây là các bậc thang được bố trí theo các cung bậc, nhịp phách của ca cổ cải lương tương ứng với từng nghệ nhân sáng tác. Nhịp 2 của Cao Văn Lầu, nhịp 4 của Trịnh Thiên Tư, nhịp 8 của Lư Hòa Nghĩa, nhịp 16 của Mộng Vân, nhịp 32 của Trần Tấn Hưng và nhịp 64 của Lý Khi, cùng với 20 bài tổ, 6 Bắc, 7 Hạ, 3 Nam, 4 Oán do ông Lê Tài Khí (hay còn gọi là Nhạc Khị) phát triển.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.