|
Nhiều nông dân ở Điện Biên Đông được vay vốn Ngân hàng CSXH để phát triển sản xuất. |
Mong ước giản đơn
Trong ngôi nhà nhỏ bé, mái lợp fibrô xi măng nóng như lửa đốt ở bản 3 xã Na Son (huyện Điện Biên Đông, Điện Biên), chị Lường Thị Thinh, tâm sự: “Tôi sinh ra, lớn lên ở mảnh đất này, đã có hơn 15 năm làm nông và muốn có thật nhiều ngô, thóc, có cái nhà vững, xe máy, TV... nhưng cố gắng mãi mà vẫn cứ nghèo.
ND vùng cao vất vả lắm, đã ít kinh nghiệm, thiếu vốn lại bị hạn chế đất sản xuất; bước ra khỏi nhà là thấy dốc cao, suối sâu, đất lâm nghiệp. Muốn làm nhiều, thoát nghèo nhanh cũng khó. Vừa qua, tôi được Ngân hàng CSXH cho vay mấy chục triệu đồng để cho con đi xuất khấu lao động ở Hàn Quốc, mong sớm thoát cảnh nghèo”.
Điện Biên có nhiều lợi thế để phát triển nông sản với số lượng lớn. Nhưng ngặt một nỗi đầu ra cho sản phẩm ở nơi vùng cao này đâu có dễ. Chính vì thế mà một số loại nông sản có giá trị kinh tế cao đã được ND đưa vào sản xuất thành công mà vẫn không thể phát triển lớn được.
Bà Vũ Thị Hà - Chánh văn phòng Hội ND tỉnh Điện Biên
Trưởng bản Chóp PLy (xã Kéo Lôm) - anh Giàng A Tùng không giấu vẻ băn khoăn: "Không chỉ riêng 60 hộ ở Chóp PLy này mà hàng nghìn ND trong huyện cũng đang rất nghèo khó, vất vả, lam lũ kiếm ăn; không ít hộ phải hỗ trợ lương thực khi giáp hạt.
Thế nhưng làm gì để người dân bớt nghèo thì quả là khó. Ngay như nhà tôi tiếng là vững nhất bản nhưng nếu mất một vụ ngô hoặc lúa là cũng lo sốt vó lên rồi".
Đến với vùng cao Điện Biên Đông mới thấu hiểu những khó khăn trong đời sống vật chất, tinh thần của ND. Thiếu điện, đường, nước sinh hoạt... đã đành nhưng ngay đến cả bát cơm, manh áo hàng ngày cũng là nỗi lo của nhiều gia đình.
Con cá, con cua dưới suối, cái rau, cái cỏ trên rừng... trở thành mục tiêu săn đuổi trong những ngày đợi vụ ngô, lúa mới. Được ăn no quanh năm đã trở thành khát vọng của nhiều ND vùng cao. Ngay như ở Chóp PLy này, gần 400 nhân khẩu nhưng cũng chỉ có 65ha nương ngô, lúa và gần 5ha lúa nước khai hoang theo kiểu ruộng bậc thang. Vì thế, ND có chăm chỉ thì cũng không có đất "dụng võ".
Hội có công lớn
Lão nông Lường Văn Lấm, 65 tuổi ở bản Na Son, xã Na Son, gật gù: “Cuộc sống của chúng tôi giờ đây đang được cải thiện nhờ sự chăm lo của Đảng, Nhà nước và Hội ND. Trước hết là tập huấn khuyến nông, hướng dẫn ND bỏ lối sản xuất độc canh, chuyển sang trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con để tránh mất mùa và đáp ứng nhu cầu sinh hoạt nội vùng.
Hội vừa phối hợp với ngành khuyến nông huyện đưa vào đây cây mía tím Mãn Đức, chuối tiêu hồng, gà, vịt, lợn lai... Hội còn giúp hội viên vay vốn, ứng giống, phân bón để phát triển sản xuất với nhiều loại hình khác nhau. Đã khó khăn mà còn độc canh, chỉ gặp phải một năm thiên tai khắc nghiệt như năm nay là dễ đói lắm. Nhưng mất đàn gà, còn con lợn; mất vụ ngô còn vườn mía... thì đỡ hơn nhiều”.
Chủ tịch Hội ND huyện Điện Biên Đông - ông Giàng A Tủa, cho biết: Điện Biên Đông là huyện miền núi nằm trong vùng cao dốc nhất của Việt Nam (trung bình 800-1.000m so với mực nước biển). ND trong huyện nghèo, trình độ hạn chế, canh tác lạc hậu.
Mặc dù còn rất nhiều khó khăn nhưng nhờ được hướng dẫn, giờ đây ND đã biết canh tác đa dạng hoá nông sản với nhiều loại cây con: Lúa, ngô, đậu, lạc, vừng, mía; cam, quýt, xoài; trâu, bò, dê, lợn... Những năm qua, nhiều mô hình Hội xây dựng được đông đảo ND hưởng ứng. Nhờ vậy, đời sống của ND ngày càng được cải thiện.
Kiều Thiện
Vui lòng nhập nội dung bình luận.