Da LAB, Ngũ Cung, Khánh Linh sẽ khác lạ như thế nào trong Solla Music - Hòa nhạc sân trường?
Da LAB, Ngũ Cung, Khánh Linh sẽ khác lạ như thế nào trong Solla Music - Hòa nhạc sân trường?
Khánh Đăng
Chủ nhật, ngày 26/02/2023 14:13 PM (GMT+7)
Ca sĩ Khánh Linh, ban nhạc Da LAB, Ngũ Cung sẽ cùng biểu diễn trong chương Solla Music – Hoà nhạc sân trường diễn ra hôm 25/3 tới tại trường Chu Văn An, Hà Nội.
Solla Music – Hoà nhạc sân trường là một chuỗi Festival âm nhạc được tổ chức tại các sân trường PTTH và THCS trên toàn quốc với sự hỗ trợ về chuyên môn và tham gia biểu diễn của hơn 100 nghệ sĩ/nhà giáo trong lĩnh vực âm nhạc. Mục tiêu của chương trình là đưa nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc tới trường học, tạo lập sân chơi dành cho các nghệ sĩ trẻ, sinh viên/học sinh yêu âm nhạc và năng khiếu, nhằm phát triển một cộng đồng cảm thụ âm nhạc - nghệ thuật làm nền tảng cho một xã hội văn minh, phát triển thịnh vượng…
Chương trình do nhạc sỹ Trí Minh (em trai diva Thanh Lam) đóng vai trò Tổng đạo diễn, Tiến sỹ âm nhạc Triệu Tú My – Giám đốc âm nhạc và Co-founder Phạm Trần Thọ - Giám đốc Sản xuất. Ngày 25/3 tới đây, Solla Music – Hoà nhạc sân trường sẽ chính thức mở màn tại trường Chu Văn An – Hà Nội.
Theo đó, chuỗi Solla Music – Hoà nhạc sân trường sẽ được tổ chức theo hình thức của một Festival. Bất kỳ ai tham gia sự kiện này đều được hòa mình vào không gian âm nhạc rất mở. Màu sắc âm nhạc sẽ là đa thể loại, âm nhạc truyền thống cùng âm nhạc cổ điển sẽ hòa trộn với các loại hình âm nhạc đương đại như: Pop, Rock, Jazz…
Đó cũng là cơ hội để các bạn trẻ đến gần hơn với âm nhạc cổ điển và âm nhạc dân tộc. Trong đó, điều đặc biệt là ca sĩ/ban nhạc chuyên nghiệp sẽ biểu diễn học sinh – sinh viên để các em học sinh có cơ hội được thể hiện mình. Đây cũng là cách để tạo động lực cho các em học sinh có cơ hội được hòa mình trong không khí âm nhạc và được truyền cảm hứng từ những nghệ sĩ đã thành danh.
Nhạc sĩ Trí Minh chia sẻ với Dân Việt: "Solla Music – Hòa nhạc sân trường thể hiện rõ nhất concept đưa âm nhạc đến với cộng đồng, đặc biệt là cộng đồng học sinh, sinh viên, phụ huynh. Thông qua hoạt động này, các loại hình âm nhạc khó tiếp cận như âm nhạc cổ điển, nhạc dân tộc sẽ đến gần hơn với các khán giả trẻ. Các em học sinh – sinh viên sẽ được tham gia biểu diễn cùng các các nghệ sĩ tên tuổi, dàn nhạc thính phòng, dàn nhạc dân tộc… để có cơ hội được thể hiện mình.
Có một điều rất đặc biệt mà tôi muốn chia sẻ đó là sự trình diễn của âm nhạc cổ điển sẽ rất đồ sộ và hoành tráng. Có những sự kết hợp, có thể không phải là mới nhưng sẽ rất đặc biệt. Ví dụ như phần kết hợp giữa âm nhạc cổ điển với phần biểu diễn của ca sĩ. Chúng tôi đang trong quá trình thuyết phục nhóm Ngũ Cung kết hợp biểu diễn với nhạc cổ điển. Hoặc nhóm Da LAB cũng sẽ trình diễn những tác phẩm có sự giao thoa với âm nhạc dân tộc.
Chúng tôi đang nghĩ tới chuyện tạo ra một sự giao thoa giữa âm nhạc cổ điển và nhạc dân tộc để tạo ra một sự mới mẻ. Đây là những hoạt động mang đến những chiều khác của âm nhạc. Thông qua hoạt động này, các bạn học sinh – sinh viên sẽ nhận thấy hoạt động rất mở chứ không phải chỉ đóng khung trong nhạc Pop, Rock, Jazz…", nhạc sĩ Trí Minh nói.
Solla Music – Hòa nhạc sân trường diễn ra vào 25/3 tới tại trường Chu Văn An – Hà Nội
Tiến sỹ âm nhạc Triệu Tú My cũng cho biết, chương trình Solla Music – Hòa nhạc sân trường diễn ra vào 25/3 tới tại trường Chu Văn An – Hà Nội sẽ có sự tham gia của bạn Hà Nguyên Thái (16 tuổi) người dân tộc Thái (Bá Thước, Thanh Hóa). Thái sẽ biểu diễn nhạc cụ dân tộc cùng các bạn học sinh đang học âm nhạc dân tộc ở Học viện Âm nhạc Quốc gia. Đây là một cậu học sinh dù hoàn cảnh gia đình rất khó khăn nhưng đam mê âm nhạc mãnh liệt. Cậu tự mày mò học biểu diễn nhạc cụ dân tộc (sáo mèo) qua mạng và biểu diễn theo lời mời của một khu resort ở Pù Luông để phụ giúp gia đình.
"Solla Mucsic ngoài các chương trình biểu diễn ra thì còn gắn với các hoạt động xã hội, cộng đồng. Cụ thể là trong chương trình Solla Music hôm 25/3 tới tại trường Chu Văn An, chúng tôi sẽ trao học bổng cho em Hà Nguyên Thái, 16 tuổi, người dân tộc Thái. Nhìn thấy niềm đam mê âm nhạc quá lớn của em, Solla Music đã quyết định tài trợ kinh phí cho em đi từ Thanh Hóa ra Hà Nội vào cuối tuần tuần để theo học lớp bổ tung nhằm thi vào hệ Trung cấp Khoa Nhạc cụ dân tộc của Học Viện Âm nhạc, từ tháng 1 đến tháng 7 năm nay. Đây là hoạt động mang tính cộng đồng, gắn kết với các giá trị nhân văn của Solla Music. Tức là khi chúng tôi đến biểu diễn ở đâu cũng sẽ tìm kiếm các nhân tố tài năng và giúp đỡ để họ có cơ hội được phát triển tài năng", Tiến sỹ âm nhạc Triệu Tú My bày tỏ.
Theo Giám đốc Sản xuất chuỗi Solla Music – Hoà nhạc sân trường - Phạm Trần Thọ thì đối tượng tham gia biểu diễn trong các đêm nhạc của chuỗi chương trình này sẽ không chỉ có các nghệ sĩ/ban nhạc nổi tiếng biểu diễn mà còn có các nhóm/ban nhạc đến từ các trường đại học, phổ thông trung học và cơ sở. Trên sân khấu sẽ có nhiều thành phần và lứa tuổi cùng tham gia biểu diễn để âm nhạc thực sự mang tính tiếp nối thế hệ và truyền cảm hứng.
Mong muốn của ê-kíp Solla Music – Hoà nhạc sân trường là âm nhạc sẽ trở thành sợi dây kết nối cảm xúc, mang đến nhiều thông điệp thay đổi nhận thức của cộng đồng (nhất là với các bậc phụ huynh), phát triển cộng đồng cảm thụ âm nhạc.
Sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia biểu diễn trong chuối sự kiện Solla Music - Hòa nhạc sân trường tối 25/2. Clip: Hòa Nguyễn.
Solla Music – Hoà nhạc sân trường tại PTTH Chu Văn An sẽ bắt đầu bằng các hoạt động mang tính trải nghiệm và hướng nghiệp từ 8h sáng. Chương trình âm nhạc với sự tham gia biểu diễn của ban nhạc Ngũ Cung, Dalab và nhiều nghệ sĩ tên tuổi sẽ bắt đầu lúc 20h tối. Chương trình dự kiến sẽ có khoảng 5000 người tham dự, bao gồm học sinh và phụ huynh đến từ các trường trên địa bàn Hà Nội và các tỉnh lân cận. Sân khấu và hệ thống âm thanh ánh sáng sẽ được đầu tư công phu nhằm mang đến cho khán giả những trải nghiệm đỉnh cao về âm nhạc.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.