Nhằm giảm thiểu tình trạng các loại nông sản đội lốt nhãn mác Đà Lạt, UBND TP.Đà Lạt (Lâm Đồng) đã ban hành nội quy riêng phù hợp với đặc thù của chợ nông sản Đà Lạt, với mục tiêu bảo vệ thương hiệu “Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành”.
Theo đó, quy chế mới với 8 điều, nếu các quầy kinh doanh trong chợ không thực hiện đúng, nếu vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật.
Khẳng định đúng luật
Ông Nguyễn Đức Cứ - Phó Trưởng phòng Kinh tế Đà Lạt cho biết, hệ thống nội quy của chợ nông sản đã có và thực hiện từ năm 2015. Tuy nhiên, thời gian gần đây trước tình trạng tràn lan các loại hàng giả danh nông sản địa phương được nhập và sơ chế tại chợ nên UBND TP. Đà Lạt cương quyết thực hiện.
Chợ nông sản Đà Lạt. Ảnh: Doi Kuro
"Giải pháp căn cơ để bảo vệ thương hiệu Đà Lạt – kết tinh kỳ diệu từ đất lành là đẩy mạnh liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm. Hiện nay tại Lâm Đồng có khoảng 120 đơn vị liên kết và đều có đầu ra ổn định tại các siêu thị trong cả nước. Tuy nhiên, các hộ gia đình tham gia liên kết chỉ đạt khoảng 10%, sở sẽ cố gắng đẩy mạnh làm sao để đến năm 2020 sẽ đạt 50%”.
Ông Hoàng Sĩ Bích -
Phó Giám đốc Sở NNPTNT
tỉnh Lâm Đồng
|
Trong đó, tại điểm 4, điều 3 của quy định ghi rõ: “Chợ nông sản Đà Lạt là chợ đầu mối rau Đà Lạt, hỗ trợ các hoạt động xúc tiến thương mại, mở rộng thị trường tiêu thụ cho các mặt hàng của địa phương. Việc kinh doanh các mặt hàng không có xuất xứ từ Đà Lạt là không đúng chủ trương, định hướng của việc thành lập chợ nông sản Đà Lạt.
Vì vậy tiểu thương kinh doanh các mặt hàng nông sản tại chợ chỉ được kinh doanh các mặt hàng nông sản có xuất xứ từ Đà Lạt, nghiêm cấm mọi hành vi vận chuyển, lưu trữ hàng hóa nông sản có xuất ngoài địa phương Đà Lạt để mạo danh hàng nông sản Đà Lạt”.
Ông Cứ lý giải: “Vấn đề này buộc phải làm và cương quyết, nếu chúng ta không cho các tiểu thương lưu trữ các loại nông sản ngoại tỉnh vào chợ nông sản thì họ sẽ phải mang về gia đình hoặc kho riêng. Đến đây, thành phố sẽ có biện pháp xử lý khác, chúng tôi sẽ có đoàn kiểm tra về giấy phép kinh doanh, kiểm tra môi trường, theo đó cứ căn cứ vào luật sẽ xử lý mạnh tay”.
Tại điểm này, có nhiều ý kiến cho rằng nếu chỉ cấm ở chợ nông sản Đà Lạt mà không thực hiện ở các địa phương khác thì sẽ không triệt để và ngăn chặn được. Tuy nhiên, ông Bùi Thế - Phó Giám đốc Sở Công Thương cho biết, tại các huyện khác trong tỉnh thì sở sẽ phối hợp với các ban ngành để thành lập đoàn liên ngành để thường xuyên trinh sát về tình trạng quá khổ quá tải, hóa đơn… để kiểm tra đột xuất, nếu phát hiện sai phạm sẽ xử lý.
Theo ông Hoàng Sỹ Bích – Phó Giám đốc Sở NNPTNT, giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng trên là phải đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất để sản phẩm vừa đạt chất lượng tốt vừa giảm được giá thành cạnh tranh.
“Trong vài năm gần đây, tỉnh đã nhập khẩu khoảng 100 loại giống mới, đặc biệt, sở cũng phối hợp với trung tâm nghiên cứu khoai tây đã lai tạo ra khoảng 5 giống khoai mới có những thế mạnh và ưu điểm khi trồng tại Đà Lạt”- ông Bích cho biết.
Ông Đặng Mậu Nhi – Phó ban phụ trách Ban quản lý chợ nông sản Đà Lạt cho rằng thành phố làm quyết liệt bộ nội quy đối với chợ là rất phù hợp với thực trạng hiện nay để bảo vệ thương hiệu nông sản Đà Lạt. Ban quản lý chợ cũng phối hợp để thực hiện giám sát đối với 115 quầy thực hiện đúng nội quy trong chợ. Đơn vị cũng đã lắp thêm 4 camera theo dõi tại chợ có kết nối với công an phường 11.
“Lực lượng bảo vệ túc trực tại cổng, khi xe nhập hàng vào chợ phải xuất trình được giấy tờ liên quan, cung cấp địa chỉ nơi bán hàng, tên người cung cấp cùng số điện thoại để đơn vị xác minh luôn, nếu đúng với quy định thì mới cho hàng vào chợ”- ông Nhi nhấn mạnh.
Hàng “ngoại” tràn lan
Mới đây nhất là hai vụ mà lực lượng công an TP.Đà Lạt đã thu giữ hàng tấn khoai tây được đấu trộn đất của địa phương vào để giả danh nhãn mác của khoai tây Đà Lạt. Cụ thể, chỉ trong 2 ngày 21 – 22.8, các cơ quan chức năng ở Lâm Đồng liên tiếp bắt quả tang nhiều vụ trộn đất đỏ vào khoai tây Trung Quốc để mạo danh khoai tây Đà Lạt, đánh lừa người tiêu dùng.
Đó là 2 cơ sở của Đoàn Thị Chè (quầy số 19, chợ nông sản Đà Lạt) và Nguyễn Thị Kim Hiệp (số 340 Tự Phước, phường 11, TP.Đà Lạt). Qua kiểm tra một lượng lớn khoai tây trong tổng số 4 tấn khoai tây có nguồn gốc Trung Quốc đã được nhuộm đất xong.
Bà Chè và bà Hiệp đều cho biết, việc nhuộm đất đỏ Đà Lạt vào khoai tây Trung Quốc là theo yêu cầu của mối hàng, để họ dễ bán. Riêng bà Hiệp mỗi tháng cung cấp khoảng 6 - 12 tấn khoai tây Trung Quốc về chợ đầu mối nông sản thực phẩm Thủ Đức (TP.HCM).
Chính vì những hành vi làm mất thương hiệu của nông sản Đà Lạt như vậy nên vừa qua Sở Công Thương tỉnh Lâm Đồng đã có đợt tổng kiểm tra hoạt động kinh doanh nông sản tại TP.Đà Lạt, huyện Đơn Dương và Đức Trọng.
Kết thúc đợt kiểm tra, các cơ quan chức năng đã công khai 17 cơ sở kinh doanh các mặt hàng nông sản Trung Quốc, chủ yếu là khoai tây, hành tây, cà rốt, tỏi… Trong đó, Đà Lạt có 6 cơ sở, đều tập trung trong chợ đầu mối nông sản Đà Lạt, tại Đơn Dương có 4 cơ sở kinh doanh nông sản Trung Quốc và Đức trọng có 7 cơ sở tương tự.
* Việt Nam là tự do giao thương, tự do buôn bán nên việc cấm khoai tây Trung Quốc vào chợ của Lâm Đồng cho thấy đã can thiệp bằng mệnh lệnh hành chính vào thị trường.
Việc cấm bằng mệnh lệnh hành chính theo tôi là không phù hợp, cơ quan chức năng của Lâm Đồng chỉ nên yêu cầu nghi rõ xuất xứ khi mang vào chợ chứ không nên đưa ra lệnh cấm. Hoặc ngay bản thân khoai tây Đà Lạt để phân biệt thì hoàn toàn có thể ghi rõ, ở đây bán khoai tây Đà Lạt để khẳng định thương hiệu khoai tây của vùng Đà Lạt nhằm chứng minh nguồn gốc xuất xứ cho người tiêu dùng.
LS Hoàng Ngọc - Văn phòng Luật sư Nhiệt Tâm và cộng sự
* Các cơ quan chức năng đưa ra quy chế đặc thù này là rất đúng và đáng ra phải làm từ lâu. Nếu làm được như vậy các loại nông sản do người Đà Lạt sản xuất ra sẽ được ưu tiên hơn, không bị chèn ép giá như một vài năm trở lại đây.
Anh Tâm cũng cho rằng, hiện nay nhà nông đang gặp khó khăn lớn khi phải cạnh tranh với các loại nông sản của Trung Quốc. Với 1ha trồng các loại rau, củ, quả, và atiso, các sản phẩm này đều là sản phẩm chất lượng và có tiếng ở Đà Lạt thế nhưng hàng “made in China” lại có mẫu mã đẹp hơn, đều hơn nhưng chất lượng không thể bằng. Đặc biệt là khoai tây, chỉ có Đà Lạt, Đơn Dương và Đức Trọng có thể trồng được tại Việt Nam.
Tuy nhiên, khoai chỉ có thể tích trữ được đến tháng 6 tháng (thời gian khoảng 3 tháng), nếu quá thì sẽ bị nứt mầm, củ mềm nên rất khó bán. Đến khoảng tháng 6 là không thể có hàng Đà Lạt, vì vậy hàng nhái là rất lớn.
Anh Nguyễn Thiện Tâm (phường 7, TP.Đà Lạt)
* Tôi nhập hàng của Trung Quốc về phải trải qua quãng đường rất dài, mất rất nhiều chi phí. Trong khi đó, tôi phải gặp nhiều rủi ro như khoai hỏng, hàng không bán được, khi đưa về kho chúng tôi phải phân loại ra để bán chứ không đổ đống để bán được. Hàng tôi nhập về vẫn có đầy đủ nhãn mác là hàng Trung Quốc, không hề thay đổi để làm giả hàng Đà Lạt, kiểm tra dư lượng vẫn nằm trong ngưỡng cho phép.
Tôi mong muốn thành phố cũng tạo điều kiện cho các tiểu thương có một địa điểm tập kết, kho bãi để kinh doanh các mặt hàng nông sản có xuất xứ ngoài địa phương.
Anh Vũ Kim Tùng (tiểu thương kinh doanh khoai tây tại quầy 19)
* Cơ quan chức năng cấm không được rửa nông sản tại chợ là quyết định vô lý. Tôi và các hộ làm cà rốt đều chấp hành mọi nội quy của Ban quản lý chợ. Nếu cấm thì công việc của mọi người sẽ bị gián đoạn, trong khi đó việc cung cấp hàng cho các chợ và bạn hàng thì không thể dừng lại. Nếu dừng lại sẽ gây tồn đọng, hư hỏng vào mùa mưa gây thiệt hại lớn cho người kinh doanh. Tôi và mọi người làm cà rốt cũng đã thực hiện nạo vét cống, xử lý vệ sinh sau khi thực hiện rửa nông sản.
Chị Đỗ Thị Ngọc (tiểu thương kinh doanh cà rốt)
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.