Đà Nẵng: Thuê thêm hàng chục nhân công, tất bật từ 2 giờ sáng để làm đặc sản phục vụ Tết
Đà Nẵng: Thuê thêm hàng chục nhân công, tất bật từ 2 giờ sáng để làm đặc sản phục vụ Tết
Trần Hậu - Tuyết Nhung
Thứ năm, ngày 29/12/2022 13:24 PM (GMT+7)
Tết đến Xuân về, bánh khô mè là món đặc sản được người dân Quảng Nam – Đà Nẵng dâng lên bàn thờ tổ tiên. Đây là thức bánh bình dị thể hiện nét đẹp văn hoá đặc trưng vốn có từ lâu đời.
Chính vì thế vào dịp cận Tết, các cơ sở làm bánh khô mè tại thành phố Đà Nẵng lại rộn ràng, đỏ lửa ngày đêm để phục vụ thị trường.
Đặc sản bánh "7 lửa"
Tìm về thôn Quang Châu xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng những ngày đầu tháng Chạp, chúng tôi nghe đâu đó mùi thơm ngọt của đường thắng tới, của hạt mè rang. Vào thời gian này, nhiều hộ dân trong làng đang soạn "đồ nghề" để làm bánh khô mè truyền thống biếu tặng người thân và dâng lên bàn thờ tổ tiên dịp Tết cổ truyền.
Gia đình bà Nguyễn Thị Nghĩ (62 tuổi) ở thôn Quang Châu, xã Hòa Châu, huyện Hòa Vang là hộ làm bánh khô mè được 40 năm với quy mô lớn nhất làng, hoạt động quanh năm. Để phục vụ nhu cầu của khách hàng tăng cao dịp Tết, cơ sở của bà huy động gần 10 nhân công.
Clip - Các cơ sở sản xuất bánh khô mè tất bật từ 2 giờ sáng để làm đặc sản phục vụ Tết.
Bà Nghĩ phấn khởi nói: "Ở Quang Châu ngày xưa nhà nào cũng làm bánh khô mè, đến nay chỉ còn vài hộ duy trì sản xuất vào dịp lễ Tết. Riêng nhà tôi vẫn cố gắng sản xuất quanh năm, đặc biệt từ giữa tháng 11 âm lịch là thời điểm cơ sở bận rộn với các đơn hàng Tết".
Ông bà ta ngày trước thường làm bánh khô mè từ lúa và nếp, rang giã mịn và trộn với đường, xúc ăn bằng lá mít. Sau này, với mong muốn dâng lên tổ tiên món bánh vừa ngon vừa đẹp mắt, họ đã nghĩ ra cách làm bánh khô mè với những công đoạn công phu, trải qua 7 lần lửa trên bếp than hồng.
Bà Nghĩ chia sẻ, bánh khô mè Quang Châu chỉ làm duy nhất từ loại gạo 13/2, do chính nông dân trong làng làm ra. Gạo sau khi vo sạch được xay thành bột và trộn với nước để tạo bột ẩm, tiếp tục rây mịn. Sau đó cho bột vào khuôn để tạo hình vuông, bên dưới có lót lớp vải thô, hấp cách thủy khuôn trên nồi nước đang sôi khoảng 5 phút.
Bánh từ hấp chuyển sang nướng, bằng cách tận dụng than của lò nấu, từ nướng lửa lớn sang lửa vừa, rồi nhỏ lửa để giữ cho bánh giòn và xốp. Công đoạn tiếp theo là "tắm" bánh qua nước đường và mè, ủ bánh để nguội và đóng gói.
Để cho ra lò những chiếc bánh khô mè vừa giòn vừa dẻo, vị ngọt bùi, thì người làm phải thực hiện nhiều công đoạn tỉ mỉ và cẩn thận. Vì thế, dịp cận Tết, mọi người trong gia đình sẽ tập trung lại và cùng nhau làm bánh, tạo không khí ấm cúng, sum vầy, chiếc bánh khô mè thành phẩm sẽ càng thêm ý nghĩa.
Với cách làm bánh thủ công truyền thống và bí quyết riêng, bánh khô mè bà Nghĩ được nhiều khách hàng ưa chuộng và năm nào cũng đặt mua. Bà phải dậy từ 1 giờ sáng để chuẩn bị nguyên liệu, nhân công sẽ bắt đầu làm từ 2 giờ sáng đến 2 giờ chiều.
Mỗi người được trả công 400.000 đồng/ngày, với chị em phụ nữ trong làng thì đây là công việc giúp họ có nguồn thu nhập khá để sắm Tết đủ đầy hơn.
Sản lượng dịp Tết tăng gấp đôi
"Chạy nước rút" những ngày cuối năm, các công nhân tại cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ (phường Hòa Thọ Đông, quận Cẩm Lệ) hoạt động hết công suất để đảm bảo tiến độ sản xuất đúng quy trình, kịp đáp ứng nhu cầu tiêu thụ tăng cao dịp Tết.
Anh Huỳnh Đức Sol (30 tuổi) – Quản lý cơ sở sản xuất bánh khô mè Bà Liễu Mẹ cho biết: "Tết năm nay cơ sở tăng sản lượng lên gấp đôi so với năm ngoái, mỗi ngày xuất bán khoảng 3 tấn bánh. Vì nhu cầu tiêu thụ dịp Tết tăng cao và thị trường tiêu thụ rộng lớn, nên hơn 40 nhân công phải tất bật sản xuất từ 2 giờ sáng đến 10 giờ tối mới kịp hàng".
Cơ sở sản xuất hơn 20 dòng sản phẩm bánh khô mè, khô nổ, có giá thành phù hợp với nhiều phân khúc khách hàng. Bên cạnh đó, sản phẩm có mẫu mã đẹp mắt, nhãn mác rõ ràng nên được người tiêu dùng và du khách chọn làm quà biếu trong dịp Tết đến Xuân về.
Theo anh Sol, để có được những chiếc bánh khô mè thơm ngon, giòn tan đúng "gu" của người Đà Nẵng thì phải trải qua nhiều công đoạn phức tạp và có bí quyết riêng. Bánh khô mè được làm từ bột gạo, bột nếp, đường, gừng và mè. Nếu bánh "tắm" bằng nếp rang thì gọi là bánh khô nổ, bằng mè thì gọi là bánh khô mè. Tất cả nguyên liệu do chính tay người dân xứ Quảng làm ra.
Bánh khô mè được người dân gọi tên là bánh "7 lửa", vì quá trình chế biến phải trải qua 7 lần dùng lửa. Hiện nay, cơ sở đã áp dụng máy móc hiện đại vào việc hấp, nướng, đóng gói; nhưng vẫn duy trì làm thủ công ở nhiều công đoạn để lưu giữ hương vị thơm ngon của bánh khô mè truyền thống.
Linh hồn của chiếc bánh khô mè là lớp nước đường sánh dẻo, ngọt thanh. Đường được hoà với nước theo tỷ lệ riêng, sau đó thắng cho tới, khi nào đường kéo sợi vàng óng là đạt, thêm chút gừng để dậy mùi thơm. Nếu nước đường nấu đạt thì bánh sẽ mềm dẻo, để được lâu, ngược lại bánh sẽ bị khô cứng và dễ vỡ vụn.
Với giá nguyên liệu tăng cao, nên năm nay bánh khô mè các loại có giá bán tăng khoảng 20%, dao động từ 30.000-80.000 đồng/gói (hộp). Hiện hơn 50% đơn hàng đã được cơ sở Bà Liễu Mẹ xuất bán cho các cơ quan, đơn vị làm quà Tết.
Đặc biệt, dòng sản phẩm mới bánh khô mè gạo lứt đang được khách hàng ưa chuộng nên bán rất chạy, sản lượng dịp Tết tăng gấp 3-4 lần so với ngày thường.
Anh Sol chia sẻ: "Tôi hi vọng với sự nỗ lực không ngừng, đặc sản bánh khô mè Cẩm Lệ nói chung và bánh khô mè Bà Liễu Mẹ nói riêng sẽ ngày càng lớn mạnh, có mặt ở khắp mọi miền và theo chân Việt kiều trở thành món quà quê chân chất, đậm tình.
Trong thời gian tới, tôi mong muốn được các cấp ban ngành quan tâm, hỗ trợ, tạo điều kiện để mở rộng quy mô sản xuất, đáp ứng được nhu cầu của thị trường, góp phần đưa đặc sản bánh khô mè Đà Nẵng vươn xa hơn".
Mỗi dịp Tết cổ truyền, bánh khô mè là sản phẩm không thể thiếu trên bàn thờ ông bà, tổ tiên, điều đó như nhắc nhở thế hệ sau phải luôn nhớ đến quê hương, văn hoá nguồn cội.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.