Nhiều năm qua,sản phẩm bánh phồng tôm Cà Mau đang vươn mình trở thành sản phẩm ẩm thực đặc trưng. Đây được xem là một trong những đặc sản không thể không nhắc đến khi nói về ẩm thực Cà Mau.
Chính nhờ nguồn tôm nguyên liệu dồi dào, chất lượng, nông dân Cà Mau đã làm nên đặc sản bánh phồng tôm thơm ngon được cả nước biết đến.
Năm nay, dù ảnh hưởng của dịch bệnh, nhưng không khí sản xuất bánh phồng tôm tại các cơ sở ở huyện Năm Căn, Ngọc Hiển vẫn khá nhộn nhịp.
Theo ông Đào Văn Hòa (ngụ xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), ở ngày bình thường, mỗi tháng vợ chồng ông chỉ sản xuất khoảng 2 tấn bánh phồng tôm cung cấp cho các bạn hàng. Nhưng vào thời điểm cận Tết, công việc tất bật hơn vì đã có nhiều bạn hàng đặt bánh.
Gia đình ông phải gọi thêm người thân hỗ trợ làm bánh, để có đủ lượng hàng chuyển đi TP.HCM. Ngoài khoảng thời gian giãn cách xã hội vừa qua, sản phẩm bánh phồng tôm của gia đình ông Hòa chưa bao giờ bị tắc về đầu ra nên cho nguồn thu nhập rất ổn định.
"Nếu tình hình ổn định, với lượng bánh 2 tấn/tháng, gia đình có lãi khoảng 25 – 30 triệu đồng. Ở vài tháng sát Tết là đơn đặt hàng càng nhiều, mỗi tháng sản lượng có thể tăng gấp đôi. Dịp này, các cơ sở thường sẽ tranh thủ làm sẵn hàng để giao mối, đại lý, còn những tháng còn lại thì làm ít hơn để bán lẻ", ông Hòa chia sẻ.
Theo ông Bùi Văn Chương - Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Tân Phát Lợi (xã Tân Ân Tây, huyện Ngọc Hiển), sản lượng vụ bánh phồng tôm Tết năm nay của HTX bán ra không giảm so với năm rồi, ổn định ở mức khoảng 8 tấn. Trong đó giá ở mức từ 220.000-280.000/kg.
Trong khi đó, ông Mai Sáu - Giám đốc Công ty TNHH Vĩnh Hòa Phát (xã Hàng Vịnh, huyện Năm Căn), cho hay: Để cung ứng hàng cho khách vào dịp Tết, cơ sở có nhiều loại bánh phồng tôm. Hiện bánh phồng tôm loại ngon nhất (50% tôm) được bán với giá 240.000 đồng/kg, loại thấp nhất 55.000 đồng/kg. Do ảnh hưởng của dịch bệnh, lượng hàng khách đặt giảm khoảng 30% so với các năm trước. Nhưng tính riêng vụ Tết thì lại không giảm, vẫn tương đương so với năm rồi với khoảng 13 tấn.
"Năm nay, cũng do ảnh hưởng dịch bệnh, nên cơ sở chỉ cung ứng nội địa, chứ không xuất đi nước ngoài. Tuy nhiên, hiện giá bánh phồng tôm đang tăng khoảng 10% do nguồn nguyên liệu tôm giảm và có giá cao", ông Sáu cho biết.
Nguyên liệu làm nên đặc sản bành phồng tôm Cà Mau ngon
Theo nhiều hộ theo nghề, để làm bánh phồng tôm không khó nhưng để tạo ra sản phẩm thơm ngon đặc trưng như của người dân Cà Mau thì không phải ai cũng làm được. Bánh phồng tôm Cà Mau ngon không chỉ bởi bí quyết pha chế các loại gia vị mà còn đến từ chất liệu con tôm.
Ông Mai Sáu chia sẻ: "Bánh muốn ngon thì gia vị phải hòa quyện, vừa miệng. Và quan trọng nhất là khi chiên lên người ăn phải thấy thơm ngon và xốp, mềm".
Bên cạnh đó, người dân Cà Mau sử dụng con tôm thiên nhiên còn tươi để làm bánh phồng tôm. Đặc biệt nói không với phẩm màu.
"Tôm ở vuông người ta bán mình mang về sơ chế, cấp đông liền để bảo quản được độ tươi ngon. Thêm nữa là con tôm đất, bạc ở vuông nuôi tự nhiên, thịt con tôm rất thơm", ông Sáu cho hay.
Bà Lữ Hồng Phúc - Phó Chủ tịch UBND xã Hàng Vịnh nhận định: "Nguồn nguyên liệu tại chỗ dồi dào và có chất lượng tốt là một trong những lợi thế để người dân phát triển nghề làm bánh phồng tôm. Chính quyền địa phương cũng quan tâm đầu tư, cùng doanh nghiệp nâng chất lượng sản phẩm".
Trước đây, bà con làm nhỏ lẻ, nguồn cung luôn không đủ cầu. Tuy nhiên, hiện đã có những HTX, doanh nghiệp sản xuất quy mô nên vấn đề xúc tiến thương mại, tạo điều kiện về đầu ra cần được quan tâm hơn.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.