Đặc sản nộm hoa ban bùi béo có 1-0-2 thơm nưng nức "gây thương nhớ"

Bích Hội Thứ bảy, ngày 02/03/2019 19:00 PM (GMT+7)
Món nộm hoa ban dậy mùi thơm sực nức của mắc khén hòa quyện cùng vị bùi giòn của những cánh hoa ban rừng đã tạo nên một hương vị riêng biệt trong văn hóa ẩm thực của người vùng cao Tây Bắc, trở thành món ăn không thể thiếu trong mâm cỗ của bà con nơi đây mỗi độ xuân về.
Bình luận 0

Tháng 2, khi những cây đào, cây mơ đã lụi hết hoa, chỉ còn những chồi non xanh biếc chính là thời điểm mà những cánh hoa ban đua nhau nở trắng trời Tây Bắc. Hoa ban là loài hoa mang đậm bản sắc núi rừng. Từ lâu, loài hoa này đã đi vào thơ ca, nhạc họa, gắn bó mật thiết với đời sống của đồng bào các dân tộc.  Đặc biệt, với đồng bào người Thái ở Sơn La, hoa ban còn thể hiện nét văn hóa ẩm thực đặc sắc.

img

Hoa ban Tây Bắc không chỉ khiến du khách ngẩn ngơ vì vẻ đẹp nhẹ nhàng tinh khôi mà còn khiến nhiều người nhớ mãi bởi mùi vị hấp dẫn mà các món ăn từ loài hoa này. 

Từ những cánh ban trắng muốt, người Sơn La đã sáng tạo ra các món ăn độc đáo như: đồ xôi hoa ban, làm nộm cùng cá suối, nấu canh xương hoặc xào cùng tỏi.  Trong đó ấn tượng nhất là nộm hoa ban cùng cá suối nướng và măng rừng bởi món ăn này hội tụ đầy đủ nhất các loại gia vị và nguyên liệu đặc trưng của vùng đất Tây Bắc.

Nộm hoa ban chế biến khá cầu kì và quan trọng nhất là phải đủ nguyên liệu, bao gồm: Hoa ban tươi, cá suối, măng tươi, tỏi, ớt, riềng, mắc khén, muối…

img

Hoa ban được rửa sạch và giữ nguyên cả cuống để trộn nộm.

Hoa ban sau khi hái từ rừng về sẽ được người Thái rửa sạch sau đó luộc chín rồi để nguội. Măng rừng có thể chọn loại măng đắng hoặc măng ngọt, bóc sạch lớp vỏ ngoài, thái mỏng củ măng và luộc chín. Trong lúc đợi luộc hoa ban và măng thì lại tranh thủ nướng cá. Dưới lớp than hồng, những con cá suối dần chuyển màu đen xém và tỏa mùi thơm khó cưỡng. Bà con thường nướng cá vừa chín tới sau đó gỡ lấy phần thịt nạc trắng ngần để làm nộm, có như vậy mới đảm bảo cá vẫn giữ được vị ngọt tự nhiên.

img

Những con cá suối sống tự nhiên, có mùi thơm, thịt ngọt, dai sẽ được lựa chọn để làm món nộm hoa ban.

Khi các nguyên liệu được sơ chế xong sẽ được người Thái cho vào một cái nồi lớn để trộn nộm. Hoa ban, măng, thịt cá suối sẽ được trộn cùng với muối, riềng giã nhỏ, tỏi, ớt và hạt mắc khén xay nhỏ sau đó sẽ để khoảng 15p cho ngấm đều gia vị là có thể thưởng thức.

Khác với các loại nộm chua ngọt của người miền xuôi, khi làm món nộm hoa ban người Thái ở Sơn La chỉ cho thêm chút muối tạo vị mặn vừa phải. Đó cũng là một trong những nét văn hóa ẩm thực của người dân nơi đây khi muốn giữ lại tối đa mùi vị nguyên bản của các loại nguyên liệu trong chế biến món ăn.

img

Nộm hoa ban là sự tổng hòa các nguyên liệu đến từ sông suối, núi rừng tạo nên mùi vị thơm ngon khó cưỡng.

Khi thưởng thức nộm hoa ban, điểu đầu tiên thực khách cảm nhận được là mùi rất thơm, đấy là mùi thơm trộn lẫn của riềng và mắc khén rừng – một loại hạt gần giống như hạt tiêu của người miền xuôi, sau đó vị bùi ngậy của hoa ban, giòn ngon của măng cùng vị ngọt béo của cá suối cứ thế “gây thương nhớ” cho vị giác khiến thực khách ăn một lại muốn ăn hai. Đặc biệt cái vị bùi bùi cùng màu trắng tinh khôi, mỏng manh của những cánh hoa ban cứ lưu lại trong trí nhớ khiến thực khách mãi không quên.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem