Đại án BIDV: Bị cáo đừng xúc phạm sự thông minh của HĐXX!
Đại án BIDV: Bị cáo đừng xúc phạm sự thông minh của HĐXX!
Nguyễn Hoà
Thứ ba, ngày 27/10/2020 12:50 PM (GMT+7)
Ở phiên tòa xét xử 12 bị cáo trong đại án xảy ra ở ngân hàng BIDV và một số công ty, 1 thành viên Hội đồng xét xử (HĐXX) đã phải rất gay gắt trước câu trả lời vòng vo của nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng.
Tại tòa hôm nay, nhiều bị cáo đã trình bày rằng ban đầu họ đã có ý kiến từ chối cho Công ty TNHH Thương mại và Du lịch Trung Dũng (Công ty Trung Dũng) vay tiền khi chưa đủ điều kiện, tuy nhiên sau đó vì áp lực từ Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà nên đã cho công ty này vay tiền.
Đứng trước bục bị cáo để trả lời các câu hỏi của HĐXX, bị cáo Đoàn Hồng Dũng – nguyên Giám đốc Công ty Trung Dũng cho biết, ông không thấy có một văn bản nào thể hiện việc BIDV từ chối cho vay theo quy định, cũng như "không có ai nói mồm" với bị cáo này về việc này.
Về bút phê trong văn bản mà ông Trần Bắc Hà có gửi xuống cấp dưới đề cập đến việc cấp L/C cho Công ty Trung Dũng, bị cáo Đoàn Hồng Dũng nói chỉ đến khi Cơ quan điều tra cho xem ông mới biết có văn bản này, trước đó hoàn toàn không biết.
Sau khi chi nhánh ký văn bản chấp thuận mở L/C cho Công ty Trung Dũng, theo lời nguyên Giám đốc công ty, toàn bộ hàng hóa nhập về phải là tài sản thế chấp để làm tài sản đảm bảo cho ngân hàng.
Tiền bán hàng phải chuyển về tài khoản của Công ty Trung Dũng mở tại BIDV - Chi nhánh Hà Thành để BIDV quản lý, thu hồi số nợ. Các bên đã có hợp đồng thế chấp về việc này.
Về việc bán thép là số hàng đang thế chấp cho BIDV – Chi nhánh Hà Thành cho một đơn vị khác, bị cáo Đoàn Hồng Dũng giải thích nếu theo phương án ban đầu sẽ không có đủ tiền để trả nợ cho BIDV.
Cụ thể, theo bị cáo Đoàn Hồng Dũng, do hàng xuống giá, kinh tế suy yếu, Công ty Gang thép Thái Nguyên thay đổi lại việc thanh toán. Theo đó, họ sẽ không thanh toán bằng tiền chuyển khoản mà bù trừ bằng thép thành phẩm.
"Lúc đó bị cáo có nợ 1 hàng hóa của Gang thép Thái Nguyên nữa,… nhận thấy thế thì không có đủ tiền thanh toán cho L/C của mình.
Kể cả có nhận được hàng hóa thành phẩm của Gang thép Thái Nguyên bù trừ, thị trường hàng hóa đang xuống thấp, nếu bù trừ thì bị lỗ vốn vài 3 triệu /tấn, không thể nào chấp nhận điều khoản đấy" – nguyên lãnh đạo Công ty Trung Dũng nói.
Và theo người này, ông đã về báo cáo với ngân hàng, ngân hàng không chấp nhận cho bù trừ với thép thành phẩm.
"Trước bối cảnh đó, để tự cứu lấy mình, mặc dù biết rằng bán cho các doanh nghiệp khách lỗ vốn nhưng còn hơn để bị lỗ trầm trọng, khả năng còn có tiền thanh toán cho L/C" – Đoàn Hồng Dũng giải thích.
Bị cáo Đoàn Hồng Dũng khai khi bán thép cho các doanh nghiệp khác đã không nói cho họ biết đó là tài sản đã thế chấp ngân hàng.
Sau khi bán được hàng, Đoàn Hồng Dũng đã dùng tiền đó để trả nợ cho các khoản vay khác của công ty, trả lãi ngân hàng và sử dụng cho mục đích cá nhân. Ông Dũng nói nhận thấy mình có lỗi trong việc này.
Cũng tại tòa hôm nay, thẩm phán Trương Việt Toàn, 1 trong các thành viên của HĐXX đã phải thể hiện thái độ gay gắt trước các câu trả lời vòng vo của bị cáo Đoàn Hồng Dũng.
Theo thẩm phán Trương Việt Toàn, HĐXX sẽ xem xét về việc có yếu tố chiếm đoạt tài sản trong hành vi bán tài sản đã thế chấp của Công ty Trung Dũng hay không.
Với việc bán hàng đã thế chấp để đảm bảo cho L/C của Công ty Trung Dũng, khi được thẩm phán Trương Việt Toàn hỏi về văn bản chấp nhận của BIDV, bị cáo Đoàn Hồng Dũng trả lời ấp úng, cuối cùng thì nói có thể là không có.
Có nghĩa là việc bị cáo bán tài sản thế chấp là sai... ông nhận thức thế nào? – ông Trương Việt Toàn hỏi. Bị cáo sai rồi – bị cáo Đoàn Hồng Dũng đáp.
"Như vậy có phải lừa đảo không? Bị cáo nói thế ngu ngơ thế thôi giả vờ không biết. Bị cáo bán tài sản của mình mà không biết là có thế chấp hay không, nghe cứ như kiểu xúc phạm sự thông minh của HĐXX" - thẩm phán Trương Việt Toàn gay gắt.
Khi được hỏi về quan hệ với nguyên Chủ tịch HĐQT BIDV Trần Bắc Hà, bị cáo Đoàn Hồng Dũng nói mọi hoạt động đều thông qua BIDV – Chi nhánh Hà Thành.
"Cái gì giấu thì nên giấu, cái gì không giấu thì nên nói ra.
Trung Dũng là ai mà ông Trần Bắc Hà sâu sát đến từng doanh nghiệp nhỏ như Công ty Trung Dũng.. ông Bắc Hà có hàng vạn khách hàng chứ đâu chỉ riêng Trung Dũng" – thẩm phán Trương Việt Toàn truy vấn.
Sau ông Đoàn Hồng Dũng, vợ ông là bà Nguyễn Thị Thanh Sơn được gọi lên bục khai báo.
Đứng trước tòa, bà Sơn nhiều lần khẳng định dù mình là Giám đốc Công ty Hà Nam nhưng thực tế mọi việc mua bán lại đều do Phó Giám đốc phụ trách.
Câu trả lời này tiếp tục bị HĐXX phản ứng vì Phó Giám đốc không phải là người đại diện theo pháp luật, mọi việc không thể đổ hết cho cấp phó. Thấy vậy, bà Sơn cười và nói đó chính là lý do mình phải đứng tại phòng xử hôm nay.
Ai vay thì người ấy trả, ai chiếm đoạt thì phải đền bù
Người đại diện bị hại là Ngân hàng BIDV tại tòa hôm nay cho biết, BIDV không có ý kiến gì và tôn trọng kết quả truy tố tại cáo trạng của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao.
Theo người này, tổng số tiền BIDV đã giải ngân cho Bình Hà gồm 2 khoản vay, hiện đơn vị này nợ BIDV hơn 1200 tỷ.
Về phương án xử lý, theo đại diện ngân hàng BIDV, hiện đã có phương án tái cơ cấu giữa Công ty Bình Hà và một số đối tác khác, đã được BIDV chấp nhận, cơ quan chức năng địa phương cũng đã đồng ý. Giai đoạn 1, BIDV quản lý, khai thác có hiệu quả dự án để doanh nghiệp có tiền trả nợ cho ngân hàng. Nếu không được thì mới phát mại.
Vị đại diện BIDV cũng mong HĐXX xem xét toàn bộ bối cảnh, nguyên nhân, điều kiện phạm tội của 8 bị cáo là những cán bộ của BIDV, bản chất đều là những người làm công ăn lương, làm việc theo phân công từ tổ chức.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.