Bị cáo Phạm Công Danh tại tòa.
Theo lời khai của ông Phan Thành Mai (Tổng Giám đốc VNCB), đã được xác nhận tại phần thẩm vấn của luật sư tại tòa chiều 4.8, việc Phạm Công Danh phải sử dụng lượng tiền lớn để chi chăm sóc khách hàng có nguyên nhân do nhóm Phú Mỹ không thực hiện việc chi chăm sóc khách hàng trước khi nhóm Thiên Thanh nhận chuyển nhượng ngân hàng là có thật.
Theo bị cáo Mai, về khoản tiền chi chăm sóc khách hàng, có thời điểm năm 2012 lên đến 10-12%, giữa năm 2012 thì khoảng 8-10% và cuối năm 2012 thì thấp đi, còn khoảng 6%. Con số này trên tổng dư nợ thị trường 1 không dưới 1 nghìn tỷ đồng, còn tính chung số lên đến khoảng 3.600 tỷ đồng.
“Tình trạng này thực chất xuất phát từ “luật bất thành văn”: Các ngân hàng cạnh tranh nhau đều phải chi trả chênh bên ngoài 7-8% và phải trả bằng tiền mặt! Đó là thực tế cạnh tranh không lành mạnh mà bất cứ ngân hàng nào cũng phải đối diện. Chi chăm sóc khách hàng không bao giờ có giấy tờ, có tham khảo vào mức tương ứng của các ngân hàng khác”, bị cáo Mai nói.
Còn theo bị cáo Mai Hữu Khương khai về nhu cầu chi chăm sóc khách hàng rất lớn, nên ngay từ tháng 3.2012, ngân hàng đã có chủ trương phân công bị cáo Khương trực tiếp phụ trách khâu chăm sóc khách hàng từ tháng 3.2013 đến 10.2013. Trong thời gian này, qua kiểm tra, theo dõi Khương được biết lượng tiền gửi trên thị trường 1 của VNCB bình quân khoảng 28 - 30 nghìn tỷ đồng, chi chăm sóc khách hàng khoảng 1-6% tháng tùy từng thời điểm. Tỷ lệ này tương đương với việc Tập đoàn Thiên Thanh phải chi khoảng 60 tỷ đồng một tháng để duy trì lượng tiền gửi trên thị trường 01 nhằm đảm bảo thanh khoản cho VNCB.
Chỉ trong 8 tháng, bị cáo Khương theo dõi kiểm tra chăm sóc khách hàng thì Tập đoàn Thiên Thanh chi khoảng 400 - 500 tỷ đồng.
Bị cáo Phạm Công Danh cũng khai rõ thực trạng và nhu cầu cấp thiết về việc tìm kiếm nguồn tiền chi chăm sóc khách hàng để duy trì khả năng thanh khoản do tình trạng NH Đại Tín ở trong tình trạng mất thanh khoản nghiêm trọng, nợ xấu lên đến 95%. Cụ thể, theo trình bày của bị cáo Danh với cơ quan điều tra, để có thể duy trì khả năng thanh khoản của VNCB, Danh phải tìm nguồn thanh toán các khoản chi phí chăm sóc khách hàng rất lớn (tương đương 3 - 4%/tháng, có lúc lên đến 6%/tháng để huy động được khoảng 40.000 tỷ trong suốt 3 năm, bình quân không dưới 5.000 tỷ đồng).
Phạm Công Danh cũng thừa nhận, các khoản chi nói trên không có giấy tờ chứng minh nhưng là chi thực, việc huy động vượt trần trái quy định của Ngân hàng Nhà nước là có thực, phù hợp với cáo trạng đề cập Phạm Công Danh và nhiều bị cáo cũng khai rằng ngân hàng đã phải huy động vượt trần lãi suất 2-4%/năm và không có giấy tờ gì, tiền là do phía Tập đoàn Thiên Thanh chi trả. Riêng ông Danh và Phan Thành Mai khai đã chi lãi suất ngoài lên đến 2.500 tỷ đồng cho nhóm Trần Ngọc Bích.
Theo cáo trạng, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng.
Cụ thể, Danh đã chỉ đạo, tổ chức thực hiện lập hồ sơ khống về việc nâng cấp hệ thống Corebanking gây thiệt hại cho VNCB hơn 63 tỷ đồng; lập hồ sơ khống thuê hai trụ sở ở quận 10, TP.HCM gây thiệt hại hơn 581 tỷ đồng và chỉ đạo rút gần 5.500 tỷ đồng không có sự chấp thuận của chủ tài khoản mở tại VNCB; phát hành, ủy thác đầu tư trái phiếu trái quy định, gây thiệt hại cho VNCB hơn 900 tỷ đồng.
Ngoài ra, nhóm này sử dụng pháp nhân của 14 doanh nghiệp để lập khống hồ sơ mua bán nguyên vật liệu, nâng giá trị 13 lô đất tại Sân vận động Chi Lăng (Đà Nẵng) và bất động sản của Tập đoàn Thiên Thanh làm tài sản đảm bảo để vay VNCB số tiền là 4.700 tỷ đồng. Theo kết quả thẩm định, khối tài sản thế chấp có tổng giá trị khoảng 2.604 tỷ đồng. Trừ phần thu được từ giá trị của tài sản thế chấp, đến nay VNCB không thu hồi được số tiền 2.100 tỷ đồng.
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.