Ngày 16.1, phiên tòa phúc thẩm xét xử Phạm Công Danh (cựu Chủ tịch HĐQT Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB), Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Thiên Thanh ) cùng đồng phạm về các hành vi gây thất thoát cho Ngân hàng Xây dựng Việt Nam (VNCB) hơn 9.000 tỷ đồng tiếp tục phần tranh tụng.
Các bị cáo tại tòa
Tại tòa, đại diện VKS giữ quyền công tố đã bảo lưu quan điểm khi khẳng định Phạm Công Danh cùng các đồng phạm đã sai phạm trong việc lập khống hồ sơ đề án Corebanking rút 63 tỷ đồng, thuê trụ sở Tô Hiến Thành và Sư Vạn Hạnh, ủy thác đầu tư thông qua Quỹ Lộc Việt… Còn với bà Hứa Thị Phấn, nhóm Phú Mỹ, một số lãnh đạo Ngân hàng Đại Tín, VKS cho rằng có dấu hiệu phạm tội nên cần khởi tố. Trường hợp bà Quách Kim Chi có đóng góp 20% cổ phần tại tập đoàn Thiên Thanh, vì vậy VKS cho rằng cần buộc bà Chi liên đới bồi thường thiệt hại của vụ án.
Riêng với số tiền giao dịch 5.190 tỷ đồng, VKS khẳng định bà Trần Ngọc Bích và Phạm Công Danh là có sự đồng thuận. Giao dịch vay tiền là giả tạo để giúp sức cho Phạm Công Danh thực hiện hành vi phạm tội. Do vậy, VKS nhận định có dấu hiệu tội phạm giúp sức Phạm Công Danh, đồng thời khẳng định thu hồi 300 tỷ đồng từ các hợp đồng vay không chứng từ là có cơ sở. Ngoài ra VKS cũng cho rằng bà Bích, ông Thanh có dấu hiệu trốn thuế.
Trước quan điểm trên, luật sư Kiều Vũ Thụy Uyên (bảo vệ quyền lợi cho ông Trần Quý Thanh, bà Trần Ngọc Bích và 16 người liên quan) khẳng định bà Trần Ngọc Bích không phải đồng phạm giúp sức Phạm Công Danh trong vụ rút 5.190 tỷ đồng, đồng thời khẳng định bà Bích không trốn thuế. VKS chỉ phụ thuộc vào lời khai của các bị cáo khác mà quy kết vậy là không đúng. Luật sư cho rằng VNCB đã tự ý rút tiền 5.190 tỷ đồng ra khỏi ngân hàng mà không có sự đồng thuận của bà Trần Ngọc Bích thì phải chịu trách nhiệm. Luật sư cũng cho rằng đề nghị truy thu một số khoản tiền từ bà Trần Ngọc Bích và những người liên quan là không có căn cứ.
Còn luật sư bảo vệ quyền lợi cho bà Hứa Thị Phấn phản bác đề nghị khởi tố bà Phấn. Đồng thời cho rằng đề nghị thu hồi số tiền 851 tỷ đồng và 135 tỷ đồng (xác định là tang vật vụ án) theo quan điểm của VKS là vi phạm tố tụng. Bởi trong bản án sơ thẩm đã không xem xét nội dung nhưng tại tòa phúc thẩm lại đề nghị xem xét trách nhiệm của bà Phấn là vượt quá phạm vi xét xử.
Tương tự, luật sư của bà Quách Kim Chi (vợ bị cáo Phạm Công Danh) đã nêu luận cứ phản bác lại VKS. Luật sư cho rằng tài sản của bà Chi không liên đới đến hành vi của cựu Chủ tịch VNCB. Luật sư cũng đề nghị HĐXX giải tỏa kê biên một số bất động sản để trả lại cho bà Chi.
Trong khi đó, nhóm luật sư bào chữa cho Phạm Công Danh cho rằng, cơ quan tố tụng vẫn còn nhiều thiếu sót khi đánh giá nội dung vụ án, đặc biệt là chưa xem xét tới nguyên nhân bối cảnh phạm tội của Phạm Công Danh. Các luật sư cho rằng phải thu hồi số tiền 5.490 tỷ đồng vì có đầy đủ chứng từ cho thấy 300 tỷ đồng là vật chứng của vụ án, số tiền lãi ngoài mà ông Danh chuyển cho ông Thanh và 3.610 tỷ đồng của nhóm bà Phấn cũng cần phải được thu hồi…
Các luật sư bào chữa cho bị cáo Phan Thành Mai (Tổng Giám đốc VNCB) Mai Hữu Khương (cựu Giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn), Hoàng Đình Quyết (Phó giám đốc VNCB chi nhánh Sài Gòn) cũng phản bác lại VKS khi cho rằng bản án sơ thẩm chưa xem xét toàn bộ nội dung vụ án. Trong khi đó, luật sư bào chữa cho một số bị cáo khác phản bác lại VKS, đồng thời đề nghị xem xét lại thân chủ của họ có vai trò đồng phạm giúp sức cho Phạm Công Danh hay không.
Trong thời gian điều hành VNCB, Phạm Công Danh đã chỉ đạo cấp dưới thực hiện các hành vi phạm tội, gây tổng thiệt hại cho VNCB hơn 9.000 tỷ đồng. Vào tháng 9.2016, TAND TP.HCM đã tuyên phạt Phạm Công Danh mức án 30 năm tù về tội Cố ý làm trái quy định trong quản lý kinh tế gây hậu quả nghiêm trọng và tội Vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng. Cùng với hai tội danh này, Phan Thành Mai bị tuyên phạt 22 năm tù; Mai Hữu Khương bị tuyên phạt 20 năm tù; Hoàng Đình Quyết bị tuyên phạt 19 năm tù. Còn 32 bị cáo khác liên quan đến vụ án này chịu mức án từ 3 năm tù cho hưởng án treo đến 9 năm tù
|
Vui lòng nhập nội dung bình luận.