Vui lòng đăng nhập hoặc đăng ký để gửi bình luận
Khi nhấn đăng nhập đồng nghĩa với việc bạn đã đồng ý với điều khoản sử dụng của báo Dân Việt
Đăng nhập
Họ và tên
Mật khẩu
Mã xác nhận
Đăng ký
Xin chào, !
Bạn đã đăng nhập với email:
Đăng xuất
Tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 6, sáng 27/10 Quốc hội tiến hành thảo luận dự thảo Luật Lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự (ANTT) ở cơ sở.
Có làm tăng ngân sách?
Báo cáo tại Phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới cho biết, tại Kỳ họp thứ 5 Quốc hội khóa XV, các vị ĐBQH đã thảo luận, cho ý kiến về dự án Luật Lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở. Trên cơ sở ý kiến của các vị ĐBQH, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã chỉ đạo Cơ quan chủ trì thẩm tra, Cơ quan soạn thảo và các cơ quan hữu quan nghiên cứu, giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật.
Theo ông Lê Tấn Tới, một số ý kiến đề nghị báo cáo đánh giá kỹ hơn về tổ chức, ngân sách khi thành lập lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở; cho rằng không chỉ dừng lại ở số lượng khoảng 300.000 người như Tờ trình dự án Luật do Chính phủ trình và sẽ tăng kinh phí, ngân sách bảo đảm; đề nghị có số liệu cụ thể chứng minh "không làm tăng biên chế", "không làm tăng ngân sách" so với thực tiễn hiện nay.
Theo UBTVQH, tính đến tháng 12 năm 2022, toàn quốc có 84.721 thôn, tổ dân phố. Nếu mỗi thôn, tổ dân phố đều thành lập Tổ bảo vệ ANTT thì với 84.721 Tổ bảo vệ ANTT thì cần có ít nhất là 254.163 người tham gia (mỗi Tổ cần ít nhất 03 người) và dự kiến mức chi tổng kinh phí cần bảo đảm để thực hiện theo quy định của dự thảo Luật là 3.505 tỷ đồng/năm.
Tuy nhiên, do dự thảo Luật quy định mỗi Tổ bảo vệ ANTT có thể phụ trách một hoặc một số thôn, tổ dân phố, nên tổng số Tổ bảo vệ ANTT có thể giảm xuống, kéo theo tổng kinh phí bảo đảm cũng sẽ giảm xuống.
"Như vậy, với cách dự tính nêu trên thì sẽ không tăng về số lượng người tham gia và không tăng về tổng kinh phí bảo đảm so với thực tiễn hiện nay. Bên cạnh đó, UBTVQH đã chỉ đạo bỏ nội dung quy định đối với địa phương khó khăn về ngân sách thì được ngân sách trung ương hỗ trợ bảo đảm thống nhất với quy định pháp luật", theo Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh Lê Tấn Tới.
Tham gia phát biểu góp ý, đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) cho biết, ông bảo lưu ý kiến đã nêu tại kỳ họp thứ 5 đó là về tuổi đời của lực lượng này. Theo ông, lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở được xem như cánh tay nối dài của công an xã, phường, có nhiệm vụ hỗ trợ tuần tra, canh gác nhưng trong dự án luật không quy định tuổi là không hợp lý.
"U70 đi tuần tra, canh gác ban đêm làm sao làm được? Hay thực hiện nhiệm vụ cùng với lực lượng công an xã điều tiết giao thông, một cụ già U70 ra điều tiết giao thông rất phản cảm", đại biểu Phạm Văn Hoà nêu ý kiến, đồng thời đề nghị ban soạn thảo có những điều chỉnh phù hợp.
Về chế độ, chính sách cho lực lượng này, theo ban soạn thảo thì cần có ít nhất là 254.163 người tham gia, ông Hoà nhẩm tính, nếu nhân cho hệ số 1.800.000 đồng/người chưa tính các khoản khác thì con số đã lên tới hơn 5.000 tỷ đồng chứ không phải 3.500 tỷ như ban soạn thảo đề cập.
Theo ông, dự thảo đang nêu chung chung chế độ cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở do ngân sách chi trả, cần quy định rõ trung ương hỗ trợ địa phương. Ông băn khoăn, không thể để "trung ương đổ cho địa phương, địa phương đổ cho Bộ Tài chính".
Đồng tình với đại biểu Hoà, đại biểu Dương Khắc Mai (đoàn Đắk Nông) cho rằng khi dự án luật được Quốc hội thông qua bảo đảm khả thi thì cần tính toán kỹ lưỡng, chặt chẽ, cân đối các vấn đề tài chính và con người, đảm bảo cho quá trình triển khai hiệu quả, góp phần bảo vệ sự bình yên cho đời sống của người dân, ngăn chặn các nguy cơ mất an toàn từ sớm và từ xa.
Còn đại biểu Hà Sỹ Đồng (đoàn Quảng Trị) cho rằng với chế độ bồi dưỡng cho lực lượng bảo vệ ANTT ở cơ sở phải bám sát nguyên tắc tự quản, giữ an ninh trật tự cho địa bàn, cộng đồng, do cộng đồng tổ chức thì nên để cộng đồng chi trả thù lao, bồi dưỡng, không nên yêu cầu ngân sách chi trả.
Đại biểu cho rằng, dưới góc độ tham gia hỗ trợ, nguyên tắc tự quản, đây là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở, nên tổ chức và hoạt động của lực lượng này phải xây dựng, triển khai phù hợp với tính chất tham gia hỗ trợ và nguyên tắc tự chủ, tự quản của cộng đồng dân cư.
"Các quy định của dự thảo còn chưa thuyết phục về vai trò, vị trí, nhiệm vụ, tổ chức hoạt động của là lực lượng tham gia bảo vệ ANTT ở cơ sở trong mối quan hệ với công an xã, thôn, tổ dân phố", đại biểu Hà Sỹ Đồng nhận xét và đề nghị cần nghiên cứu, rà soát kỹ để có những quy định phù hợp hơn.
Ở góc độ khác đại biểu Nguyễn Hải Anh (Đồng Tháp) góp ý, lực lượng tham gia bảo vệ an ninh, trật tự ở cơ sở tuy là lực lượng quần chúng được thành lập trên cơ sở tự nguyện của người dân, nhưng căn cứ tính chất nhiệm vụ quy định trong dự thảo luật thì là lực lượng có vai trò, tầm quan trọng trong phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, là lực lượng nòng cốt trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở, có mối quan hệ mật thiết với công an và các lực lượng khác.
Trong tình hình an ninh phức tạp, vai trò của lực lượng tham gia bảo vệ an ninh trật tự ở cơ sở càng trở nên quan trọng. Nếu tổ chức tốt, lực lượng này có thể phát huy vai trò của mình trong nắm tình hình về an ninh trật tự, xây dựng phong trào toàn dân bảo vệ an ninh tổ quốc, hỗ trợ đảm bảo trật tự xã hội, hỗ trợ tuần tra, bảo đảm an toàn giao thông, tăng cường đấu tranh tội phạm, hỗ trợ chính quyền giữ gìn an ninh chính trị. Đại biểu Nguyễn Hải Anh nhấn mạnh cần chú trọng đề cao tiêu chuẩn chất lượng với các cá nhân tham gia lực lượng này.
Vui lòng nhập nội dung bình luận.