Đại biểu Quốc hội: Có thẩm phán xử xong bị tạt axít vào mặt

Hồng Ngọc Thứ ba, ngày 07/11/2017 10:38 AM (GMT+7)
Phát biểu tranh luận, đại biểu Nguyễn Mai Bộ (An Giang) cho rằng trong thực tiễn hoạt động xét xử của toà án có nhiều gương sáng. Về tố tụng, vụ án Trương Hồ Phương Nga, vụ VN Pharma, nguyên tắc tranh tụng của Bộ luật Hình sự mới được thể hiện rõ nét, kết quả đưa ra phán quyết cũng khiến nhiều người hài lòng.
Bình luận 0

img

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ. (Ảnh: VPQH)

Sáng nay (7.11), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về các báo cáo về công tác của Chánh án TAND Tối cao, Viện trưởng VKND Tối cao năm 2017; công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật; công tác thi hành án; công tác phòng, chống tham nhũng năm 2017.

Đại biểu Nguyễn Mai Bộ - Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng An ninh của Quốc hội - đã có phát biểu tranh luận với đại biểu Lưu Bình Nhưỡng. Ông Bộ cho rằng với phát biểu của ông Nhưỡng chiều qua thì ông có nguy cơ không có quyền tự hào vì 27 năm cống hiến trong sạch trong ngành toà án.

Ông Bộ cho biết, đội ngũ công chức ngành toà án, đặc biệt là thẩm phán chịu giám sát nhiều nhất cả cơ chế tiền kiểm và hậu kiểm. "Không phủ nhận trong ngành toà án có tiêu cực, nhưng tiêu cực đó chỉ là một bộ phận nhỏ. Số cán bộ toà án đi tù về tội tham nhũng không phải là tổng số 14.000 cán bộ toà án", đại biểu Bộ nói.

Vẫn theo đại biểu Bộ, trong thực tiễn hoạt động xét xử của toà án có nhiều gương sáng. Về tố tụng, vụ án Trương Hồ Phương Nga, VN Pharma, nguyên tắc tranh tụng của Bộ luật Hình sự mới được thể hiện rõ nét. Kết quả đưa ra phán quyết cũng khiến nhiều người hài lòng.

Nói về rủi ro của cán bộ làm công tác xét xử, đại biểu Bộ dẫn chứng có vị thẩm phán TAND quận Đống Đa xử vụ án dân sự, bên không thắng trong vụ án tranh chấp đất đai đó đã tạt axít vào mặt thẩm phán. Vị này đã trải 12 năm chữa trị, 41 lần phẫu thuật, đến giờ gương mặt chỉ lấy lại được phần nào.

"Giá như đại biểu Lưu Bình Nhưỡng đưa ra được những vụ án cụ thể, cái sai ở thẩm phán nào thì phát biểu sẽ thuyết phục hơn. Từ đó sẽ có địa chỉ để điều tra, giám sát và xử lý nghiêm minh", đại biểu Bộ nói.

Trước đó vào tại buổi thảo luận chiều qua, đại biểu Lưu Bình Nhưỡng cho rằng: Theo tinh thần Nghị quyết 49, ngày 26.5.2005 của Bộ Chính trị về chiến lược cải cách tư pháp đến năm 2020, tòa án nhân dân phải là trung tâm xét xử, là trọng tâm và tranh tụng là khâu đột phá của các hoạt động tư pháp. Tuy nhiên, bên cạnh những cố gắng và kết quả đạt được thì nơi nương náu của công lý vẫn là nơi còn nhiều nguy hiểm, là nơi người dân thiếu tin cậy.

Đại biểu Nhưỡng cho rằng cán bộ tòa án là nghề rất rủi ro, vì họ phải đối mặt với rủi ro công việc nhạy cảm, căng thẳng. Có thẩm phán do xét xử chạy kế hoạch đã gục ngay sau khi tuyên án và chết. Nhưng một số thẩm phán, cán bộ tòa án do những cám dỗ và thiên vị đã tạo nên một phần rủi ro cho bản thân và đã từ bỏ hoặc thực hiện sai lệch chuẩn mực của người cầm cân. Họ tự sửa chữa cân công lý, một cái cân thiêng liêng nhất, một điều hết sức kiêng kỵ.

Vẫn theo đại biểu Nhưỡng, người dân vẫn kêu ca về án từ, thái độ, tác phong, việc kéo dài, trì hoãn, chỗ thì vi phạm tố tụng, nơi thì vòi vĩnh tiền bạc. Tình trạng báo cáo xin chỉ đạo thành chỉ thị án vẫn chưa có dấu hiệu giảm bớt, thậm chí ngày một phức tạp, đến mức có thẩm phán chính trực không chịu nổi.

“Tuy nhiên, đối với một số thẩm phán đó lại là mong muốn của họ, vì như vậy rất an toàn, được lòng lãnh đạo, giảm bớt khả năng bị hủy án, ảnh hưởng đến thi đua. Qua nhiều trường hợp cho thấy nguyên tắc độc lập xét xử dường như còn mới chỉ tồn tại trên văn bản pháp luật, trong khi đó lại là nguyên tắc cốt tử của tố tụng tư pháp. Điều nguy hiểm nhất là những thói xấu và căn bệnh tiêu cực ấy luôn được người bệnh giấu kín nên không ai chế ra thuốc giải, cứ thế trượt mãi chưa có điểm dừng”, đại biểu Nhưỡng nói.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem