Đại biểu Quốc hội lo cán bộ, công chức “được tăng lương nhưng giảm thu nhập”

Gia Bình Thứ năm, ngày 23/05/2024 11:37 AM (GMT+7)
Cán bộ có lương và phụ cấp nhưng theo cải cách tới đây, sẽ bỏ thu nhập khác nên Đại biểu Quốc hội cho rằng, có nguy cơ lương tăng nhưng tổng thu nhập giảm.
Bình luận 0

Trong phiên thảo luận tổ tại Quốc hội sáng 23/5, ông Đồng Ngọc Ba, Ủy viên thường trực Ủy ban Pháp luật, cho hay, Chính phủ vừa qua đã nỗ lực xây dựng vị trí việc làm, cơ cấu sắp xếp lại đội ngũ cán bộ công chức theo vị trí việc làm, đúng người đúng việc, rõ quy trình.

Tuy nhiên, chất lượng và sự phù hợp vị trí việc làm để tạo động lực, đảm bảo hoạt động bộ máy còn rất bất cập. Ông Ba phân tích: "Vị trí việc làm phù hợp là tiền đề cho cải cách tiền lương. Nếu cải cách tiền lương trên nền vị trí việc làm không chất lượng, sẽ không đảm bảo về dài hạn".

Đại biểu Quốc hội lo cán bộ, công chức “được tăng lương nhưng giảm thu nhập”- Ảnh 1.

Đại biểu Đồng Ngọc Ba trong một lần phát biểu tại nghị trường.

Thực tế, việc tinh giản biên chế chưa gắn với cơ cấu lại, nâng cao chất lượng đội ngũ công chức theo vị trí việc làm. Nhiều cơ quan, đơn vị có đề án vị trí việc làm, nhưng tỷ lệ lãnh đạo, quản lý vẫn rất cao, có nơi lãnh đạo chiếm 50% trong bộ máy, nhiều đơn vị không có nhân viên.

Nguyên nhân, theo ông Ba, quy định về thể chế chưa làm rõ về phương pháp tính toán, khối lượng công việc là bao nhiêu và cần bao nhiêu thời gian giải quyết rồi mới xác định cần bao nhiêu công chức trong một đơn vị.

Ủy viên Thường trực Ủy ban Pháp luật nói thêm, theo phản ánh cán bộ, công chức, nhiều đơn vị có công việc nặng, quan trọng nhưng họ lo thu nhập sẽ giảm khi chế độ tiền lương mới thực hiện.

"Hiện ngoài lương, còn có các thu nhập khác nhưng theo cải cách tiền lương, sẽ chỉ còn lương trong khi cán bộ, công chức quan tâm thu nhập thực tế. Từ lâu, chúng ta đã đổi mới, cải cách, tinh giản và đổi mới theo hướng tăng lương thực tế nhưng câu hỏi đặt ra là tại sao tiền chi cho lương, tinh giản biên chế nhưng tới đây, có thể thu nhập của họ sẽ giảm. Tất nhiên có nhiều nguyên nhân, song đây là lo ngại thực tế của người lao động", ông Ba nói.

Nêu ý kiến về tình hình kinh tế - xã hội, ông Đồng Ngọc Ba cho hay có 5 chỉ tiêu không đạt, gồm các chỉ tiêu quan trọng về năng suất lao động và tỷ trọng công nghiệp chế biến chế tạo trong sản phẩm công nghiệp. Giải pháp cần làm là cải thiện tinh thần, trách nhiệm, chất lượng công việc của cán bộ, công chức.

Ông cho rằng Chính phủ cần có đánh giá, thống kê sâu hơn về thực trạng tại các báo cáo nêu, vẫn được nhắc lại việc "tình trạng một bộ phận cán bộ công chức chưa quyết liệt kịp thời, có tâm lý né tránh, sợ trách nhiệm, đùn đẩy, sợ sai".

Tính tới hết 2023, theo báo cáo Chính phủ, đã xử lý kỷ luật hơn 17.800 trường hợp nhưng ông Ba cho rằng cần đánh giá, bóc tách các nhóm vi phạm, nhất là nhóm liên quan tới vi phạm Luật Cán bộ công chức, về đạo đức công vụ; cụ thể là trốn tránh trách nhiệm, thoái thách nhiệm vụ, tự ý bỏ công việc. Từ đó, có thể đưa ra giải pháp, xử lý nghiêm để chuyển biến tình hình. Trường hợp đơn vị nào có cán bộ công chức vi phạm, cũng phải xem xét trách nhiệm lãnh đạo, nhất là người đứng đầu cơ quan, đơn vị.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem