Đại biểu Quốc hội lo "lạm phát" cơ chế đặc thù và xin - cho ưu đãi kiểu "té nước theo mưa"

An Linh Thứ bảy, ngày 25/05/2024 15:13 PM (GMT+7)
Đại biểu Quốc hội cho rằng có tình trạng "té nước theo mưa" tranh thủ ưu đãi như giảm thuế cho ngành ô tô trong nước, rồi tình trạng cơ chế đặc thù xuất hiện ở nhiều nơi, dự án và có nguy cơ hàng loạt địa phương, cơ quan xin ưu đãi đặc thù.
Bình luận 0

Lo "lạm phát" cơ chế đặc thù

Thảo luận tại Hội trường Quốc hội về Báo cáo kết quả giám sát thực hiện Nghị quyết số 43/2022 của Quốc hội, nhiều đại biểu Quốc hội tán đồng với đánh giá khách quan về hiệu quả, tác dụng lớn của chính sách Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ đã xây dựng để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp vượt qua đại dịch và phục hồi sản xuất, đời sống.

Tuy nhiên, những tồn tại, hạn chế của hiệu quả chính sách đã đặt ra nhiều bài toán lớn cho đất nước trong bối cảnh chính sách cần thực thi hiệu quả, thực thi kịp thời.

Đại biểu Quốc hội lo "lạm phát" cơ chế đặc thù và xin - cho ưu đãi kiểu "té nước theo mưa"- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương

Đại biểu Nguyễn Quang Huân, Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho rằng, nhiều chủ trương, chính sách ưu đãi của Nghị quyết 43 đang gải ngân chậm, hầu như kỳ họp nào chúng ta cũng nêu giải ngân chậm, nhưng phân tích hơi định tính.

Theo ông Huân, phải định lượng rõ chậm giải ngân do nền kinh tế hấp thụ được bao nhiêu và không hấp thụ được bao nhiêu. Hiện nay chúng ta chưa làm rõ để có chính sách phù hợp.

Ông Huân nhấn mạnh, về thủ tục, nhiều nơi đề xuất có cơ chế đặc thù để giải quyết cho nhanh, điều đó cho thấy nếu không có cơ chế đặc thù thì rất lâu. Vị đại biểu này lo ngại nguy cơ sắp tới sẽ có nhiều nơi xin chính sách đặc thù. Vì vậy, đề nghị Quốc hội, Chính phủ xem xét lại quy trình thủ tục như thế nào để triển khai các chính sách cấp bách nhanh trong điều kiện bình tường.

Đại biểu Huân cho rằng, riêng gói hỗ trợ lãi suất cho vay doanh nghiệp khó khăn (gói lãi suất ưu đãi 2%) sau thời gian dài mới chỉ giải ngân được hơn 3%.

"Trong lúc cấp bách đã không giải ngân được, thì hiện tại bình thường rồi có nên duy trì gói này không. Nếu cưỡng ép tiêu được gói ưu đãi lãi suất 2%, nguy cơ nảy sinh những vấn đề không mong muốn", ông Huân nhấn mạnh.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị) đánh giá việc triển khai Nghị quyết 43 vào đầu 2022 với các giải pháp hợp lý đã giúp "Việt Nam hạ cánh mềm". Tức là, nền kinh tế không lâm vào tình trạng lạm phát cao, kinh tế vĩ mô ổn định, trong khi nhiều nước phát triển phải tìm cách hạ lạm phát, lãi suất.

Tuy vậy, ông nêu bất cập thực tế là có tình trạng "té nước theo mưa". Tức là, nhân việc Quốc hội, Chính phủ đang có gói hỗ trợ phục hồi kinh tế, có ngành xin thêm hỗ trợ. Ví dụ, ô tô xin gia hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt, giảm lệ phí trước bạ, khiến năm 2022 là năm ngành ô tô có doanh số kỷ lục.

Ông Đồng cho rằng, Chính phủ đang đề xuất kéo dài một số chính sách, trong đó có giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) thêm 2% 6 tháng cuối năm 2024.

Đại biểu Quốc hội lo "lạm phát" cơ chế đặc thù và xin - cho ưu đãi kiểu "té nước theo mưa"- Ảnh 2.

Đại biểu Hà Sỹ Đồng (Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Trị)

"Đại biểu Quốc hội đồng tình nhưng đề nghị cần nới rộng thêm ngành, lĩnh vực hoặc giảm 10% thay vì cứng nhắc 8% như các năm trước đây", ông Đồng nêu.

Theo ông Đồng, có chính sách đúng tháng 1 nhưng không đúng tháng 3, đúng và trúng thì phải phù hợp với từng thời điểm. Chính sách giãn nộp thuế đến cuối năm, nhiều ý kiến đề nghị giảm thêm vài tháng sang năm sau - đây là thời điểm "giáp hạt" đối với doanh nghiệp, song điều này lại phụ thuộc thẩm quyền của Quốc hội, Chính phủ lại ngại điều chỉnh dự toán ngân sách nên không trình.

Còn nữ Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) nhấn mạnh kinh nghiệm thực thi chính sách "cấp bách" thì hiệu quả và hiệu lực cũng phải cấp bách, có như vậy chúng ta mới có kinh nghiệm, bài học nếu trong tương lai có một đại dịch tương tự như vậy chúng ta sẽ chủ động đối ứng.

Bà Lưu Mai cho rằng: "Tính kịp thời trong tổ chức thực hiện cần được đặt ra đối với Nghị quyết 43. Có lẽ đây là yêu cầu quan trọng nhất của Nghị quyết khi đưa ra. Trong bối cảnh dịch bệnh, Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội quy định rất rõ, các giải pháp phải kịp thời, các chính sách phải khẩn trương, và nguồn vốn phải được hấp thụ ngay", bà Mai đề cập.

Theo Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội, nhiều nhiệm vụ chưa rõ ràng về kết quả, hiệu quả đề ra. Điều này giảm tính thời sự, ảnh hưởng đến hiệu quả chính sách của Đảng, Nhà nước.

Bà Mai cho rằng, cần xem xét rõ bài học về sự lựa chọn và tính khả thi chính sách. Chính sách hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại, quỹ viễn thông công ích… cùng thực hiện, nhưng hiệu quả không cao.

Bài học về tính kịp thời của chính sách

"Chúng ta không cần nhiều chính sách như vậy, chỉ cần thực hiện một chính sách và nâng cao tính khả thi của chính sách để biết người dân cần gì, doanh nghiệp muốn gì?", bà Mai nêu.

Đại biểu Quốc hội lo "lạm phát" cơ chế đặc thù và xin - cho ưu đãi kiểu "té nước theo mưa"- Ảnh 3.

Đại biểu Quốc hội Vũ Thị Lưu Mai (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội)

Đại biểu cho hay, hiện có đề xuất không cho phép kéo dài chính sách hỗ trợ nếu không hiệu quả, chậm giải ngân. Tuy nhiên, đối với những dự án có hiệu quả, đang thực hiện dở dang, nếu không kéo dài sẽ ảnh hưởng đến tiến độ, hiệu quả. Cần cân nhắc chinh sách nào duy trì, thực hiện tốt cho làm tiếp.

Bên cạnh đó, những chính sách nào không thực hiện hiệu quả thì có thể huỷ để làm rõ trách nhiệm liên quan.

Bà Mai nhấn mạnh, về phân cấp phân quyền chủ trương xây dựng đường bộ cao tốc. Thời gian qua nhiều địa phương thực hiện tốt, nhưng nhiều địa phương lúng túng. Theo bà Mai, nếu nhân rộng mô hình này, cần nâng cao năng lực thực hiện của địa phương, đi đôi với quyền hạn là phải gắn với trách nhiệm người đứng đầu.

Đối với các dự án trọng điểm quốc gia, bà Mai khẳng định đây là điểm nhấn trong thời gian qua, thể hiện sự quyết tâm, đáng trân trọng của Chính phủ. Tuy nhiên, kỳ vọng huy động nguồn lực ngoài ngân sách như hợp tác công tư (PPP) cho các dự án để giảm vốn đầu tư của Nhà nước và huy động vốn toàn xã hội không đạt được mục tiêu.

Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem