Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Cần coi né tránh, sợ trách nhiệm là dạng tiêu cực, cần chỉ ra và kỷ luật

An Linh Thứ bảy, ngày 25/05/2024 12:40 PM (GMT+7)
Cho rằng việc đùn đẩy công việc, né tránh, sợ trách nhiệm ở một số công chức thực thi công vụ hiện nay là một loại "dịch", Đại biểu Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) đề nghị coi đây là một dạng tiêu cực, cần chỉ ra và thực thi kỷ luật.
Bình luận 0

"Nạn đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm như loại "dịch" lan rất nhanh"

Đây là ý kiến, quan điểm của Đại biểu Quốc hội Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH TP. Hà Nội) về những nguyên nhân khiến một số chính sách tại Nghị quyết 43/2022 của Quốc hội triển khai chậm, nhiều chính sách kém hiệu quả.

Sáng 25/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về Báo cáo của Đoàn giám sát và dự thảo Nghị quyết của Quốc hội về kết quả giám sát chuyên đề "việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 ngày 11/01/2022 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội và các nghị quyết của Quốc hội về một số dự án quan trọng quốc gia đến hết năm 2023".

Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Cần coi né tránh, sợ trách nhiệm là dạng tiêu cực, cần chỉ ra và kỷ luật- Ảnh 1.

Đại biểu Nguyễn Anh Trí đánh giá cao báo cáo của Đoàn giám sát, báo cáo rất đầy đủ, bao trùm lên nhiều khía cạnh nội dung tiến độ, chất lượng... Qua đó, cho thấy được tinh thần, thái độ, nỗ lực quyết tâm của các Bộ ngành, đơn vị, tỉnh thành, cá nhân, tổ chức triển khai thực hiện Nghị quyết 43 cũng như các nghị quyết khác của Quốc hội.

Đại biểu cũng đánh giá Nghị quyết 43 của Quốc hội ra đời trong bối cảnh hết sức ý nghĩa. Thể hiện tinh thần quyết liệt, chủ động, sáng tạo, kịp thời của Quốc hội, Chính phủ trong việc chống dịch và ổn định phát triển đất nước.

Nhờ Nghị quyết 43 và các nghị quyết khác của Quốc hội ra đời kịp thời và phát huy được tác dịch nên Việt Nam đã sớm vượt qua được đại dịch và đạt được nhiều thành công.

Trong các kết quả đó, đại biểu bày tỏ ấn tượng đối với chính sách tín dụng qua hệ thống ngân hàng chính sách xã hội hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động, giảm thuế VAT đã góp phần hỗ trợ người dân, người lao động, doanh nghiệp vượt qua khó khăn, duy trì và phục hồi sản xuất kinh doanh.

Báo cáo cũng nêu ra 5 nhóm tồn tại, hạn chế; 3 nhóm nguyên nhân khách quan; 4 nhóm nguyên nhân chủ quan rất xác đáng.

Trong số đó, có một nhóm nguyên nhân chủ quan mà đại biểu Nguyễn Anh Trí rất quan ngại. Đó là tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ.

"Điều này đã trở thành một loại "dịch" lan rất nhanh trong đội ngũ những người thực thi công vụ từ năm 2022 đến hết năm 2023. Nhân dân thấy rõ điều đó, thậm chí có người còn cho đó là đặc điểm nổi bật của cán bộ công chức, viên chức thời gian qua. Thực sự đau và thực sự buồn", đại biểu bày tỏ.

Để ngăn chặn nạn dịch né tránh, sợ trách nhiệm tiếp tục tồn tại, đại biểu Nguyễn Anh Trí mong các cấp, Bộ, Đảng, chính quyền cần coi đó là một tình trạng tiêu cực. Đồng thời, cần chỉ ra và thực thi kỷ luật những ai đùn đẩy, né tránh, sợ trách nhiệm.

Chưa có cơ chế bảo vệ người dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung

Bên cạnh đó, cần biểu dương, khen thưởng kịp thời những cá nhân có tinh thần "7 dám", đặc biệt cán bộ công chức, viên chức dám làm, dám chịu trách nhiệm.

Đại biểu Nguyễn Hữu Thông - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Thuận cho rằng, Nghị quyết 43/2022/QH15 đã giữ vững được ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn của nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi để thúc đẩy phục hồi và tăng trưởng kinh tế, góp phần quan trọng và thực hiện hiệu quả chủ trương, chính sách của Đảng, Quốc hội, của Chính phủ trong phòng, chống dịch.

Đại biểu Quốc hội TP. Hà Nội: Cần coi né tránh, sợ trách nhiệm là dạng tiêu cực, cần chỉ ra và kỷ luật- Ảnh 2.

Theo ông Thông, trong báo cáo của Đoàn giám sát nêu rõ các nguyên nhân khiến một số chính sách của Nghị quyết 43 chưa thực sự hiệu quả như gói hỗ trợ lãi suất 2% qua ngân hàng thương mại.

Ông Thông nhấn mạnh: "Nguyên nhân chủ yếu là yếu tố con người, bởi con người là chủ thể đề xuất ban hành chính sách, và cũng chính con người thực thi và triển khai chính sách trong thực tế. Con người là yếu tố quyết định chính sách thành công hay không.

"Hiện nay có tình trạng đùn đầy trách nhiệm, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức trong thực thi công vụ dẫn đến việc giải quyết công việc chưa hiệu quả..", đại biểu Thông nói.

Ông này cho rằng, tình trạng đùn đẩy, né tránh, sợ sai, sợ trách nhiệm của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức đã được nhắc đến nhiều lần nhưng vẫn chưa có chuyển biến.

"Có phải chúng ta chưa có cơ chế xử lý, đánh giá cán bộ công chức hay chưa có cơ chế bảo vệ cán bộ dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung. Theo tôi là không phải chúng ta đã có nhiều văn bản của Đảng và của Chính phủ về đánh giá cán bộ, công chức, viên chức và chúng ta đã có kết luận 14 của Trung ương, Nghị định 73 của Chính phủ về khuyến khích cán bộ dám làm, dám chịu trách nhiệm vì lợi ích chung, vậy thì từ nguyên nhân nào?", đại biểu Thông trăn trở.

Theo vị Đại biểu nghị Quốc hội, Chính phủ có đánh giá một cách căn cơ, tìm đúng nguyên nhân và có giải pháp thật sự hiệu quả.


Mời các bạn đồng hành cùng báo Dân Việt trên mạng xã hội Facebook để nhanh chóng cập nhật những tin tức mới và chính xác nhất.
Tin cùng chuyên mục
Xem theo ngày Xem